Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... hối hả ứng phó bão Noru

Chia sẻ Facebook
25/09/2022 16:02:29

Người dân Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị đang nhanh chóng đưa tàu thuyền vào nơi trú tránh, chằng chống nhà cửa... để chuẩn bị ứng phó bão Noru được dự báo rất mạnh sắp đổ bộ.

Sáng sớm 25-9, cảng cá Thừa Thiên - Huế ở phường Thuận An, TP Huế tấp nập đón tàu cá cập bến sau chuyến ra khơi. Những con tàu chở đầy ắp cá hối hả bán cho thương lái rồi nhanh chóng rời cảng, tìm nơi tránh trú bão Noru. Tỉnh Thừa Thiên - Huế sáng nay mưa ít, tạnh ráo.

Cá về cảng đầy ắp

Thừa Thiên - Huế được dự báo là một trong những địa phương nằm trong tâm bão Noru nên công tác phòng chống đang được triển khai nhanh chóng. Ban Chỉ huy Phóng chống thiên tai - Tim kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công điện gửi các địa phương, chủ hồ đập, yêu cầu thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, mưa lũ, cảnh báo thiên tai. Tổ chức thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, ngập úng.

Tấp nập mua bán cá.


Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ động phối hợp với các địa phương triển khai hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn nhà ở, nhà cao tầng, tháp viễn thông, cột ăng-ten, công trường đang thi công, chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm trước khi mưa bão xảy ra.

Thương lái thu mua cá tại cảng.

Thừa Thiên - Huế có hơn 2.000 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản với khoảng hơn 10.000 lao động trực tiếp trên biển, vùng đầm phá và 10.000 lao động nội đồng. Ban Chỉ huy PCTKCN tỉnh yêu cầu bộ đội biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn trước 7 giờ ngày 26-9; tổ chức quản lý và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi.

Hàng chục tàu cá của tỉnh Thừa Thiên - Huế cập cảng.

Ngành công thương được yêu cầu kiểm tra, chỉ đạo nhà máy thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn Sông Bồ (thị xã Hương Trà), đang thi công xử lý sạt lở vai trái, có phương án phòng chống nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn cho đập.

Rất nhiều loại cá được đưa vào cảng bán.

Vận chuyển cá từ tàu lên xe.

Xay đá ướp cá.

Cá được ướp đá để vận chuyển đi tiêu thụ.

Cảng cá tấp nập người mua kẻ bán.

Các tàu cập bến cá đầy khoang trước cơn bão Noru đổ bộ.

Cảnh mua bán tấp nập

Ngư dân nghỉ ngơi trong khi chờ bán cá.

Tại biển Thọ Quang, TP Đà Nẵng từ rạng sáng 25-9, ngư dân đồng loạt đưa thuyền thúng lên bãi cát, chờ xe chuyên dụng đến cẩu lên bờ. Hầu hết các ghe giã cào đã lên bờ. Trong khi đó, một số thuyền thúng còn nấn ná, tranh thủ cào nốt chuyến lưới kéo gần bờ.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Tạo (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà), dù bão Noru chưa vào biển Đông nhưng dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Đà Nẵng nên gia đình tranh thủ đưa thuyền thúng lên bờ sớm, tránh sự cố.

"Rút kinh nghiệm các đợt bão lần trước, chúng tôi đưa thuyền thúng lên bờ sớm 1 - 2 ngày để khỏi cập rập. Sáng nay trời không mưa nên mọi việc cũng thuận tiện hơn" - ông Tạo cho hay.

Ngư dân Đà Nẵng tranh thủ thời tiết tạnh ráo sáng 25-9 để đưa thuyền thúng lên bờ

Phần lớn ngư dân chủ động phòng chống bão từ sớm

Quan cảnh biển Thọ Quang sáng 25-9

Ngư dân Trần Nên (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) tranh thủ lúc các thuyền chưa lên bờ, ông đưa ghe lên sớm để gọi xe cẩu dễ dàng. "Mỗi lần thuê xe cẩu chuyên dụng để đưa thuyền thúng lên bờ mất khoảng 400.000 đồng, cẩu ghe lên bờ 800.000 đồng nhưng gần đến ngày bão đổ bộ thì gọi rất khó" - ông Nên nói.

Ông Nên cho rằng ngư dân chủ động cũng một phần để khỏi làm phiền lực lượng chức năng. "Thấy công an, bộ đội dầm mưa phụ ngư dân đưa thuyền lên bờ cũng thương. Chuyện làm ăn của mình mà lại làm phiền người ta, không nên" - ông Nên bày tỏ.

Trước đó, tối 24-9, trong cuộc họp ứng phó bão Noru, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu các địa phương sẵn sàng phòng chống theo phương châm "4 tại chỗ", sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu được quy hoạch, di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang…

Trước tin bão Noru ảnh hưởng trực tiếp Đà Nẵng, nhiều ngư dân không khỏi lo lắng

Nhanh chóng thu dọn ngư cụ

Tốn khoảng 400.000 đồng cho mỗi lần cẩu thuyền thúng lên đất liền

Đối với thuyền ghe, mỗi lần di chuyển lên bờ tốn khoảng 800.000 đồng


Tại Quảng Nam, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động , sáng 25-9, dù ngoài khơi đang có bão lớn nhưng tỉnh này trời quang mây tạnh, nhiều lúc có nắng.

Người dân tại khối phố Tân Phước, phường Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam dùng bao cát chằng chống nhà cửa chống bão

Theo khảo sát, người dân tại các khu vực ven biển tỉnh Quảng Nam đang cấp tập đưa tàu thuyền vào bờ, chằng chống, neo đậu ở khu vực an toàn. Nhiều hộ dân dùng dây thừng chằng chống nhà cửa, đưa bao cát lên mái nhà để phòng tránh bão.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn có tâm lý chủ quan, thấy trời còn tạnh ráo nên chưa chuẩn bị các biện pháp chống bão. Tại nhiều khu vực, chính quyền địa phương phát loa tuyên truyền, đề nghị người dân triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão được dự báo rất mạnh.

Trước dự báo bão mạnh, từ chiều 24-9, Đồn Biên phòng Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), đã cho tạm dừng tất cả cano vận chuyển, đưa đón khách du lịch tuyến Hội An - Cù Lao Chàm để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết địa phương đã lên phương án sơ tán người dân ở nơi nguy hiểm khi bão đổ bộ nếu có ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra, Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản cũng được yêu cầu khẩn trương chằng chống, đảm bảo an toàn cho các di tích, đặc biệt là di tích chùa Cầu.

Ngư dân Quảng Nam đưa tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, tính tới 5 giờ sáng 25-9, địa phương này vẫn còn 149 tàu/3.027 lao động hoạt động trên biển. Trong đó, 27 tàu/193 lao động hoạt động gần bờ; 69 tàu/680 lao động hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa, 53 tàu/2.199 lao động hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Đài thông tin tìm kiếm cứu nạn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam liên tục phát các bản tin về vị trí, diễn biến của bão Noru cho tàu cá đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng.

Trước đó, ngày 24-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện về chủ động ứng phó bão Noru.

Cano du lịch tuyến Cù Lao Chàm - Cửa Đại dừng hoạt động từ chiều 24-9

Tại tỉnh Quảng Trị, sáng 25-9, Ban Chỉ huy PC TKCN tỉnh cho biết tất cả 2.302 tàu thuyền với 6.136 ngư dân trên địa bàn đều đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão Noru để phòng tránh.

Phần lớn tàu thuyền ở Quảng Trị đã vào bờ và neo đậu an toàn

Đến nay, 2.293 tàu với 6.050 ngư dân đã neo đậu an toàn tại các bến và khu neo đậu trên địa bàn tỉnh. 9 tàu còn lại với 86 ngư dân vẫn đang hoạt động trên biển. Trong đó, 5 chiếc/46 ngư dân hoạt động ở khu vực đảo Cồn Cỏ, số còn lại trên vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi.

Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dao động nhẹ và đang ở mức dưới báo động 1. Hơn 120 hồ đập bảo đảm an toàn, dung tích bình quân các hồ chỉ mới đạt trên 45%.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, trong 12 giờ qua, cường độ bão Noru đã liên tục mạnh lên. Hồi 7 giờ ngày 25-9, vị trí tâm bão Noru cách đảo Luzon - Philippines khoảng 300 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất mạnh cấp 15 (167-183 km/giờ), giật trên cấp 17.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh thêm.

Đến 7 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở khoảng 16 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất mạnh cấp 13 (134-149 km/giờ), giật cấp 16.

Bão Noru dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Noru di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 25-30 km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ.

Đến 7 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (62-88 km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25-9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội.

Chia sẻ Facebook