“Quảng dị ký” ghi chép về chuyện Thần tiên giao chiến
Trong cuốn “Quảng dị ký” chép vào thời nhà Đường có kể một câu chuyện Thần tiên giao chiến, cho thấy tình hình ở các cảnh giới cao hơn sẽ...
Câu chuyện “Phong Thần diễn nghĩa” kể về quá trình Vũ Vương đánh bại Trụ Vương nhà Thương, lập ra nhà Chu. Nhưng trong trận chiến này thì có sự tham gia của rất nhiều Thần tiên. Trong Thần thoại Hy Lạp viết về trận chiến thành Troy cũng là như thế. Trong những truyền thuyết đó, tình hình ở các cảnh giới cao hơn sẽ có ảnh hưởng đến trạng thái chiến cuộc nơi nhân thế, mà ngược lại, thế nhân cũng có thể góp phần khiến tình huống thay đổi. Trong cuốn “Quảng dị ký” chép vào thời nhà Đường có kể một câu chuyện Thần tiên giao chiến như vậy.
Vào những năm Khai Nguyên, Thứ sử Hoạt Châu tên là Vi Tú Trang trong một lần nghỉ ngơi tại lầu gác, đang trong lúc xem ngắm cảnh tượng sông Hoàng Hà thì bỗng thấy một người thân mặc áo tím đầu đội mũ đỏ đi tới, tuy nhiên người này chỉ có chiều cao tầm 3 thước (khoảng 1m).
Người khách kỳ lạ này hướng về phía Vi Tú Trang tham bái và xưng tên. Vi Tú Trang biết đây không phải là người phàm, bèn hỏi ông là ai? Người đàn ông này đáp rằng ông là Thành hoàng của tòa thành này. Vi Tú Trang khi đó lại hỏi ông ta đến đây có việc gì, Thành hoàng đáp:
“Thần sông Hoàng Hà muốn phá hủy tòa thành này, để cho dòng của sông Hoàng Hà được thông suốt. Tuy nhiên tôi đã cự tuyệt yêu cầu đó của ông ta. Vì vậy đúng 5 ngày nữa, tôi và ông ấy sẽ có một trận giao chiến tại bờ sông này. Tôi lo ngại rằng bản thân đánh không lại Hoàng Hà Thần nên mới tới đây để cầu viện ông. Nếu như khi đó ông có thể cử 2.000 cung thủ đến giúp tôi thì tôi nhất định có thể đánh thắng Hoàng Hà Thần. Thành này là ông sở quản, chuyện này trông cậy cả vào ông đó.”
Sau khi Vi Tú Trang đồng ý yêu cầu của Thành hoàng thì Thành hoàng liền biến mất.
Đúng 5 ngày sau, Vi Tú Trang xuất lĩnh 2.000 quân tinh nhuệ lên trên mặt thành trực chiến, khi ấy mặt sông Hoàng Hà bỗng trở nên tối đen như mực, sau đó bốc lên một làn khí trắng cao hơn 10 trượng, đồng thời trên lầu ở cổng thành cũng bốc ra một làn khí xanh, quấn lấy làn khí trắng.
Lúc này Vi Tú Trang lệnh cho 2.000 cung thủ bắn tên về phía khối khí trắng, khối khí trắng dần dần nhỏ lại rồi tiêu mất, sau cùng chỉ còn lại khối khí xanh ở đó. Một lúc sau, khí xanh bốc lên trên, hóa vào trong mây, rồi bay tới phía lầu gác.
Trước khi trận chiến bắt đầu, nước sông Hoàng Hà đã áp sát dưới thành, về sau mới từ từ rút xuống, một mực rút đến khi cách thành 5 – 6 dặm.
Vậy nên người xưa giảng, trên Trời có sao rơi rụng, mặt đất có chuyện lớn xảy ra. Đây chính là đối ứng của Thiên tượng và nhân gian vậy.
Dựa theo bài viết đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lỗ Duyên
Mời xem video :