Quan niệm "nói không với việc nhà": Hưởng thụ đúng đắn hay lười biếng?

Chia sẻ Facebook
23/04/2023 17:11:08

Với những bạn trẻ ngày nay, việc nhà dường như đã trở thành nỗi ám ảnh. Họ chấp nhận chi một số tiền lớn để thuê người giúp việc dù tiền lương chẳng dư dả là bao.


“Con sẽ không bao giờ giống mẹ, suốt ngày hành xác trong xó bếp đâu” . Đó là câu nói một người bạn của tôi từng kể khi mẹ cô ấy suốt ngày bắt học nữ công gia chánh. Phụ huynh luôn cho rằng con gái lớn thì phải biết làm việc nhà, không sau này ai mà thèm lấy. Thế nhưng với chúng tôi, việc nhà bây giờ chỉ còn là chuyện nhỏ. Có tiền thì có thể thoải mái thuê giúp việc mà? Ngay cả ngày lễ tết chỉ cần gọi phút mốt là đã có ngay mâm cỗ tươm tất. Vậy thì việc gì phải ru rú trong xó bếp cho mệt thân?


Nói không với việc nhà là quan niệm sống của không ít bạn trẻ ngày nay.


Tư tưởng "nói không với việc nhà"

Và thế là với lối suy nghĩ ấy, kể từ ngày được ra đại học, không phải chịu kiểm soát của bố mẹ, chúng tôi thỏa sức vẫy vùng. Quan điểm sống bất di bất dịch của tôi và hội bạn là “nói không với việc nhà”. Quần áo thì cứ 2-3 ngày mang ra tiệm giặt một lần. Mỗi lần mất có 50.000 - 100.000 đồng thì việc gì phải ngồi trong nhà tắm hì hục cả tiếng trời với đống quần áo? Rồi còn đủ thứ từ bột giặt, nước xả vải, tốn điện, tốn nước.

Đồ ăn thì chỉ cần ra quán cơm bình dân mỗi người một suất 20.000 - 50.000 đồng là xong bữa. Hôm nào bận thì vào mấy quán đồ ăn nhanh ăn tạm cái bánh bao, cốc mì, hay cái bánh kẹp cũng ổn. Sang hơn thì cả lũ lại rủ nhau đi ăn lẩu, ăn nướng. Vậy là căn phòng trọ nhỏ khi ấy chỉ là nơi dừng chân sau mỗi đêm đi học, đi làm thêm về. Việc nhà đã được chúng tôi quẳng sang một bên với quan niệm đầy tự hào "sống là phải hưởng thụ".



Với thế hệ trẻ, phụ nữ hiện đại không phải suốt ngày ru rú trong xó bếp.


Cô bạn của tôi ngày nào cũng cố gắng “làm cách mạng” với mẹ của mình. Ngày nào nó cũng bảo: “Mẹ không thấy mệt à? Sao lúc nào cũng tất bật bếp núc mãi thế. Có mỗi ngày chủ nhật cũng rủ cả tá họ hàng về nhà làm này làm kia mà không biết mệt à? Nhiều khi cuối tuần con chẳng muốn về quê vì mẹ cứ thế đấy. Mọi người thì rôm rả nói chuyện trên phòng khách. Một mình mẹ vẫn hì hục ngoài sân rửa bát mà cũng chịu nổi. Con đến chịu mẹ luôn”.

Vậy nhưng sau 4, 5 năm trôi qua, “cuộc cách mạng” của bạn tôi với mẹ vẫn không có gì thay đổi. Mẹ nó vẫn giữ nguyên thái độ con gái phải biết làm việc nhà. Còn bạn tôi vì vẫn giữ nguyên quan điểm “say no” với thứ công việc phiền phức, mệt mỏi này. Đến giờ khi đã chuẩn bị làm mẹ quan điểm đó vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nó. Việc nhà nếu chồng không làm thì đi thuê, bản thân cả ngày đi làm mệt mỏi rồi thì cần phải nghỉ ngơi.



Việc nhà trở thành nỗi ám ảnh của không ít bạn trẻ hiện nay. (Ảnh: Shutterstock)


Cơm tối cũng đặt ship: Hưởng thụ hay lười biếng?

Nói không với việc nhà quả thực mang lại một cuộc sống vô cùng thoải mái. Sau một ngày dài làm việc, buổi tối về nhà có thể thoải mái xem phim, nghe nhạc và nằm “chill” như đi nghỉ dưỡng. Nhưng ở đời, làm gì có chuyện vui nào kéo dài mãi mãi. Khi còn là cô sinh viên hồn nhiên vô tư, tiền ăn, tiền học có bố mẹ trợ cấp thì điều đó rất dễ dàng. Nhưng khi đã có gia đình riêng, bị áp lực cơm, áo, gạo tiền đè nặng, lối sống đó đã khiến bạn tôi stress nặng nề.

Sau khi đi làm công ty không lâu, cô bạn của tôi quen một anh đồng nghiệp. Cả hai nhanh chóng có một mối tình ngọt ngào, lãng mạn. Bạn tôi có bầu không lâu sau đó và cả hai dọn về sống với nhau trong lúc đợi làm đám cưới. Ỷ lại việc mình đang mang thai, mọi việc nhà bạn tôi lại dồn hết cho chồng tương lai. Thời gian đầu anh chàng cũng hào hứng “vô tư đi”. Tuy nhiên, lâu dần mọi chuyện bắt đầu có vấn đề. Đi làm cả ngày đã mệt mỏi, 7h tối về nhà lại phải đi chợ nấu cơm khiến anh ta bắt đầu cáu gắt.



Bữa cơm gia đình nhiều lúc biến thành các suất cơm hộp gọi ship. (Ảnh: GUU)


Anh chàng bức xúc với việc bạn tôi suốt ngày chỉ nằm lướt mạng mà không chịu làm gì. Những câu nói như “anh lúc nào cũng thấy em kêu mệt”, “không làm gì cũng mệt”, “sao em suốt ngày chỉ nằm thế” được anh ta thốt ra thường xuyên. Cho dù là hai người đèo nhau trên xe cũng không ai nói với ai câu nói. Và thế là giải pháp họ lựa chọn là đặt luôn cả cơm tối ship về nhà. Mặc dù bữa nào cũng mất trên dưới 300.000 nghìn đồng nhưng họ lại cảm thấy thoải mái vì nhàn thân. Ăn xong còn chẳng cần rửa bát chỉ việc vứt hộp giấy đi.


Tuy nhiên vì sắp sinh em bé, việc gì cũng phải cần đến tiền nên giải pháp này về lâu về dài không được khả thi. Nhưng cô bạn tôi lại cho rằng, chuyện đến đâu hay đến đấy. “Đây là cách tao chữa lành cho bản thân mình đấy. Mày cũng thử đi. Đời có mấy tí mà phải khổ”.

Một cô bạn khác thời đại học của tôi cũng vì quan điểm này mà tan vỡ cuộc tình sau 2 năm sống thử. Mặc dù trước đó cả hai từng yêu nhau thắm thiết, không thể sống thiếu nhau. Khi còn yêu, anh bạn trai hứa hẹn đủ điều nào là sau này lấy nhau về anh sẽ làm hết việc nhà, anh sẽ đưa hết lương cho em, em chỉ việc hưởng thụ thôi. Nhưng thực tế đâu có màu hồng như vậy.



Với các cặp đôi vẫn phải đi thuê trọ, nói không với việc nhà khiếp áp lực kinh tế đè nặng lên vai. (Ảnh: Lao động)

Với những người có kinh tế dư dả, việc cắt giảm việc nhà bằng cách thuê giúp việc hay đặt ship đồ ăn là chuyện đơn giản. Nhưng với lao động phổ thông hay nhân viên văn phòng. Lương giỏi lắm cũng chỉ được trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Sống ở thành phố với bao khoản phải chi từ tiền nhà, tiền điện, tiền nước,... thì lấy gì đủ ăn khi cơm tối cũng gọi ship?

Tại sao sau bao nhiêu năm được con gái "làm cách mạng", mẹ của bạn tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình? Bởi với bà được vào bếp nấu một bữa cơm cho chồng, cho con là sự hạnh phúc. Mỗi dịp cuối tuần gia đình có thể tụ tập cùng hàn huyên, tâm sự chẳng phải gắn bó và vui vẻ hơn sao? Con gái chỉ nhìn thấy lúc mẹ rửa bát một mình mà không thấy lúc mẹ cùng các cô, các bác cùng nấu đồ ăn, mỗi người một chân, một tay vui vẻ như thế nào.



Áp lực công việc, con cái nhiều chị em phụ nữ coi việc nhà là gánh nặng. (Ảnh: Zing News)

Nếu biết sắp xếp việc nhà một cách hợp lý thì nó sẽ không trở thành nỗi ám ảnh. Chỉ cần một ngày dành 30 phút dọn dẹp, nhưng thay vì để chồng hoặc vợ làm một mình thì cả hai sẽ cùng làm. Như vậy chẳng phải sẽ công bằng và vui vẻ hơn sao?

Những ngày bận rộn, đi làm về muộn thì tối giản việc nấu nướng, nấu các món đơn giản. Ngày thảnh thơi có thể đổi món hoặc nấu các món cầu kỳ hơn. Như vậy chẳng phải tiết kiệm chi phí mà gia đình lại hòa hợp hơn?

Chính vì thế, đừng mang lối sống hiện đại để đổ lỗi cho sự lười biếng của bản thân. Bạn hoàn toàn có thể sắp xếp lại cuộc sống của mình. Tôi cũng đã dành lời khuyên này cho cô bạn khi cô ấy cảm thấy stress với cuộc sống, thậm chí không muốn tổ chức đám cưới nữa. Cả hai hãy ngồi lại nói chuyện với nhau, chỉ ra những hạn chế của đối phương để cùng khắc phục. Việc nhà cũng hãy sắp xếp một cách hợp lý. Cuối tuần cả hai có thể mua đồ làm lẩu, nướng tại nhà cùng ăn và cùng nói chuyện. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết chỉ cần cả hai thực sự lắng nghe và thay đổi.



Nếu hai vợ chồng có sự cảm thông, thấu hiểu và sắp xếp công việc nhà hợp thì thì đó không còn là gánh nặng.

Vin vào cớ hưởng thụ, chữa lành để giải thích cho sự lười biếng

Nhiều người cho rằng cuộc đời ngắn ngủi phải biết sống hưởng thụ. Lâu lâu đi du lịch xả stress để chữa lành cho bản thân. Trên mạng xã hội một gia đình nọ khá nổi tiếng đã lựa chọn tạm xa thành phố đến hẳn đảo Lý Sơn trải nghiệm thử cuộc sống trên đảo. Một trải nghiệm chữa lành khá hay ho. Họ cùng nhau sống như những người dân bản địa. Sáng sớm ra biển ngắm bình minh, đi chợ, nấu cơm rồi tự giặt quần áo bằng tay,...


Vậy nhưng trong clip đăng tải trên mạng xã hội người mẹ cũng nhận ra chân lý: "Du lịch chính là từ nơi sống chán nản của mình chạy tới nơi ở chán nản của người khác, xài tiền của bản thân giúp người ta giàu lên. Sau đó cả người kiệt sức, túi quần thì trống rỗng, rồi sau đó về lại nơi sống chán nản của mình, tiếp tục ngoan ngoãn và sống.”



Từ bao giờ hưởng thụ, chữa lành trở thành cái cớ cho sự lười biếng?

Bởi thế, mọi sự hưởng thụ cần có giới hạn. Việc chạy theo trào lưu “chữa lành” chưa hẳn đã khiến tâm hồn cảm thấy thoải mái, bình yên. Đôi khi bạn cần nhìn vào thực tế cuộc sống. Chúng ta dành tiền tiết kiệm, làm hùng hục cả năm chỉ để đổi lấy một vài ngày thư giãn “xả stress” hết mình liệu có đáng? Mỗi người đều có thể hưởng thụ, chữa lành cho bản thân từ những điều nhỏ nhất. Bạn có thể thư giãn bằng cách xem một bộ phim cuối tuần, nghe một bản nhạc. Mỗi khi mệt mỏi, buồn chán hãy tâm sự với những người thân, bạn bè xung quanh.

Bạn cũng có thể lựa chọn một môn thể thao để tập luyện hàng ngày. Mỗi khi thấy cơ thể nóng giận, khó kiềm chế cảm xúc hãy thử ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc không lời,... Tin vào những điều vui vẻ, tích cực thì cuộc sống sẽ tích cực hơn. Do đó, hưởng thụ không phải lười biếng, ỷ lại. Chữa lành cũng không phải trốn đi thật xa bỏ mặc tất cả. Chỉ cần bạn suy nghĩ tích cực, coi mọi việc nhẹ nhàng thì cuộc sống cũng sẽ nhẹ nhàng hơn với bạn.



Cân bằng giữa việc nhà và hưởng thụ, thư giãn sẽ giúp cuộc sống chất lượng hơn. (Ảnh: Olaben)


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.

Nếu như ở phương Tây trào lưu “chữa lành”, “tìm kiếm bản thân” đã bắt đầu từ những năm 60-70 của thế kỷ trước với việc khởi xướng phong trào “New Age” (Thời Đại Mới) thì ở Việt Nam nó mới được du nhập một vài năm gần đây. Nhiều người cho rằng, sống hưởng thụ, chữa lành cho tâm hồn là một quan điểm sống. Thậm chí, họ còn hối tiếc vì sao mình không nhận ra điều đó sớm hơn. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ thực tại mình là ai, bản thân đang ở đâu. Đừng nên vin vào cớ hưởng thụ, chữa lành để giải thích cho sự lười biếng.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook