Quản lý tốt mã vùng trồng, nâng cao giá trị cây sầu riêng
Cây sầu riêng hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho nông dân Bình Phước khi mã số vùng trồng được nhân rộng đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trung Quốc cấp 5 mã số vùng trồng sầu riêng Bình Phước
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết, hiện nay, trên địa bàn có hơn 3.000 ha sầu riêng; trong đó, gần 2.000 ha sầu riêng trưởng thành đang cho thu hoạch với sản lượng gần 2.000 tấn trái/năm.
Bình Phước hiện đang định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000 - 10.000 ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, vừa qua, Trung Quốc cấp 5 mã vùng số trồng sầu riêng cho các nhà vườn ở Bình Phước (mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản). Ngoài ra, có 11 đơn vị khác đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký trong đợt đánh giá sắp tới để cấp mã vùng trồng đối với cây sầu riêng.
5 mã số vùng trồng được Hải quan Trung quốc cấp phép cho các vườn trồng tại Bình Phước có diện tích hơn 300 ha sầu riêng, gồm: Hợp tác xã Phương Nghĩa, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập; Hợp tác xã Nông Thành Phát, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng; Hợp tác xã Bàu Nghé xã Phước Tín, thị xã Phước Long; Hợp tác xã Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản và Công ty Quốc Khánh, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng.
Tăng cường quản lý mã số vùng trồng
Liên quan đến việc quản lý mã số vùng trồng, ngày 19/12, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, trong đó có Bình Phước về việc tăng cường quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Để việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được thực hiện có hiệu quả, công khai, minh bạch, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch tại địa phương tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp của hồ sơ và tiến hành kiểm tra thực tế.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế, cơ quan chuyên môn địa phương hoàn thiện biên bản và hồ sơ vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định của từng thị trường để gửi về Cục Bảo vệ thực vật.
Cục Bảo vệ thực vật soát xét lại hồ sơ và phản hồi lại cho cơ quan chuyên môn địa phương; đồng thời gửi hồ sơ hoặc danh sách cho các nước nhập khẩu để được phê duyệt hoặc cấp mã số. Thời điểm gửi danh sách/hồ sơ này có thể là gửi ngay sau khi nhận được từng bộ hồ sơ hoặc định kỳ tùy thuộc vào yêu cầu của nước nhập khẩu. Ví dụ: với Hoa Kỳ thì gửi ngay sau khi soát xét hồ sơ đạt yêu cầu; với Trung Quốc thì định kỳ là 3 tháng/lần hoặc theo yêu cầu của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc...
Sau khi nhận được thông tin phê duyệt hoặc mã số được cấp của nước nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn địa phương. Cơ quan chuyên môn địa phương phải thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói đồng thời tiến hành giám sát việc đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.
Về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cơ quan chuyên môn địa phương thực hiện tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thực tế và gửi các hồ sơ đạt yêu cầu về Cục để chuyển nước nhập khẩu xem xét, phê duyệt, cấp mã số. Toàn bộ các thông tin về diện tích, sản lượng, sự đồng thuận các hộ nông dân tham gia vào vùng trồng cũng như các điều kiện kỹ thuật khác phải được các cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương kiểm tra, xem xét đầy đủ trước khi gửi hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật. Cơ quan chuyên môn địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác và phù hợp của hồ sơ.
Cơ quan chuyên môn địa phương giải quyết ngay các hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm. Trường hợp, chưa đạt yêu cầu phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng tránh để người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần.
Địa phương thực hiện giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các vùng trồng, cơ sở này luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm Nhật ký đồng ruộng, phần mềm Quản lý cơ sở đóng gói để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện tốt công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể của địa phương để chủ động tổ chức thực hiện công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh là cơ quan đầu mối triển khai.
Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm nói chung cũng như về vùng trồng, cơ sở đóng gói nói riêng theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Cục Bảo vệ thực vật đã gửi các video về quy trình thiết lập, giám sát, xử lý các trường hợp không tuân thủ liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Theo đó, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương thông tin để người dân, doanh nghiệp nắm rõ và tuân thủ đúng.