Quản lý thuế thương mại điện tử: Phương pháp nào là tối ưu?

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 01:28:32

Khoảng 3,5 triệu lượt là số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.


Thay vì hàng trăm nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sản thương mại điện tử khai, nộp thuế thay để cắt giảm thủ tục hành chính. Trong bối cảnh trên 80% các sàn TMĐT đều trả lời đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới, quy định này liệu có tạo thêm gánh nặng cho các sàn thương mại điện tử?

Thay vì hàng trăm nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sản thương mại điện tử khai, nộp thuế thay để cắt giảm thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Cơ quan quản lý cho rằng: đây là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế.

Mặc dù vậy vẫn còn rất nhiều băn khoăn khi kinh doanh thương mại điện tử vốn là kinh doanh không biên giới, đối tượng tham gia, cách thức giao dịch cũng rất linh hoạt... dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh nằm ngoài quy định hiện hành, đòi hỏi nhiều giải pháp mới.


Doanh thu thương mại điện tử vượt mục tiêu

Năm 2021, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Cũng trong báo cáo Sơ kết chuyển đổi số, Doanh thu thương mại điện tử đạt hơn 11%, gần gấp đôi với mục tiêu đề ra năm nay. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy hơn 30% người Việt Nam mua bán mọi thứ trực tuyến từ thực phẩm đến đồ điện tử.

Anh Hoàng Á Lừ, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Tả Lủng, Mèo Vạc, Hà Giang, nói: "Trước đây mình bán 100 thùng mật ong thì bán trực tiếp. Còn bây giờ bán trên mạng, doanh số tăng lên gấp 3 lần so với cơ sở bình thường".

Thương mại điện tử cũng giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng thế giới. Dự kiến, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á vào năm 2025, với giá trị thị trường ước đạt 39 tỷ USD.

Chuyển đổi số của Việt Nam 6 tháng qua cũng có nhiều kết quả nổi bật khác như:

- Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66%, vượt kế hoạch đề ra là 65% .

- Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt hơn 67.000 doanh nghiệp

- Doanh thu an toàn thông tin mạng đạt hơn 1.400 tỷ đồng, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm trước.


Số thu thuế thương mại điện tử có tín hiệu tích cực

Hiện tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Về kết quả số thu từ hoạt động thương mại điện tử thời gian qua, thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 14/7 đạt hơn 5.400 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Ngoài cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, việc tăng cường quản lý thuế với công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam cũng đã được tăng cường.

Nếu như trước kia, các đơn vị này phải ủy quyền cho bên Viêt Nam thực hiện các nghĩa vụ thuế phát sinh tại Việt Nam, thì nay có thể trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế thông qua Cổng Thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài.

Kết quả từ khi triển khai từ tháng 3 đến cuối tháng 8, đã có 30 nhà cung cấp đăng ký, kê khai thuế thành công, với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác Quản lý thuế thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số. Việc bổ sung đổi mới quy định về trách nhiệm của các bên khi hoạt động là hết sức cần thiết để thu đúng - thu đủ, tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.


Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 12/9 với sự tham gia của khách mời là ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam sẽ cùng trao đổi về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Chia sẻ Facebook