Quản lý tài chính ra sao khi vay tiền tỷ mua nhà?

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 09:36:04

Vay nợ là động lực để quản lý chi tiêu hiệu quả hơn và học cách tăng thu nhập.

Cậu bạn 22 tuổi chỉ có 200 triệu, đi vay thêm 2 tỷ để mua nhà

Lê Văn Hùng, sinh năm 1999, vào lúc sắp sửa bước sang tuổi 23 đã kịp sắm cho mình 1 căn hộ với giá trị hơn 2,3 tỷ đồng ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, trong đó giá mua là 2 tỷ 155 triệu đồng và nội thất 160 triệu đồng. Vốn trong tay cậu bạn vào thời điểm mua nhà chỉ có 230 triệu, tức là Văn Hùng đã đi vay nợ 90% để mua nhà. Cậu bạn đã vay hơn 1 tỷ đồng từ người thân để không phải chịu lãi suất, và tầm 700 triệu vay ngân hàng.

Văn Hùng

Văn Hùng chia sẻ rằng, khi vay tiền để mua nhà, nó cũng giúp cậu bạn trở thành một con người có trách nhiệm hơn trong việc quản lý chi tiêu và học được cách tiết kiệm để có thể trả nợ đúng hạn.

"Mua nhà đòi hỏi mình phải quản lý chi tiêu một cách chặt chẽ hơn và tiết kiệm hơn. Thay vì thoải mái lên ứng dụng đặt đồ như lúc trước, giờ mình chăm nấu ăn ở nhà. Hơn nữa mình cũng hạn chế mua sắm, hạn chế hội họp và học cách ghi chép chi tiêu để quản lý khoản tiền ra một cách chặt chẽ và chính xác nhất".

Căn nhà của Văn Hùng

Bên cạnh đó, hàng tháng cậu bạn cũng dự toán những khoản chi tiêu trong tháng để xem bản thân tiết kiệm được bao nhiêu mỗi tháng. Văn Hùng cho rằng, nếu mà không dự tính khoản tiền tiết kiệm được hàng tháng, rất dễ sa vào việc tiêu tiền quá đà.

"Nhiều bạn nghĩ mình mua nhà thì chắc hẳn mình phải có nhiều tiền lắm, thế nhưng như mọi người thấy số tiền mình có sẵn rất ít. Vậy nên mình chỉ muốn nói rằng việc mua nhà khi tuổi còn trẻ cũng không phải việc gì quá to tát nếu bạn dám "liều". Thế nhưng "liều" cũng phải có cơ sở, ví dụ như thu nhập của bạn phải ổn định, có thể vay được tiền của người thân để không phải chịu quá nhiều lãi suất ngân hàng"

Trong tay chỉ có 300 triệu tiền mặt, vợ chồng chốt nhà 1,9 tỷ chỉ sau 10 phút

"2019 khi có ý định mua nhà, trong tay 2 vợ chồng mình chỉ có vỏn vẹn 300 triệu là tiền tiết kiệm sau 7 năm đi làm của mình. Sau khi chốt nhà xong, mình được bố mẹ hỗ trợ thêm 200 triệu, vay họ hàng 400 triệu, vay ngân hàng thêm 1 tỷ với thời hạn 20 năm".

Bí quyết để mua nhà của Phong và Linh là có kế hoạch cụ thể trong câu chuyện trả nợ. Tổng thu nhập của vợ chồng trẻ rơi vào khoảng hơn 40 triệu đồng. Tiền trả nợ gần như là chia đôi. Phong trả nợ vay họ hàng theo hình thức cuối năm trả 1 lần, dự tính trả 4 năm là xong rồi sẽ tiếp tục trả nợ ngân hàng cùng vợ. Còn Linh thì đi làm công ty, có bảng lương nên đứng tên vay ngân hàng, hiện tại đảm nhận luôn phần trả nợ này. Vì chính sách vay mua nhà được ưu đãi lãi suất 3 năm đầu nên hiện tại mỗi tháng Linh trả nợ khoảng 11-12 triệu. Ngoài việc trả nợ, vợ chồng trẻ cũng cố gắng tiết kiệm ít nhất 7 triệu/ tháng cho các kế hoạch sinh con và sửa nhà.

Căn nhà của vợ chồng trẻ

"Nếu bạn muốn mua nhà thì cũng phải chuẩn bị ít nhất là 30 đến 40% tổng giá trị nhà rồi mới nên vay mượn. Ngân hàng thường cho vay mua nhà với thời hạn từ 15 đến 20 năm, tốt nhất bạn nên chọn 20 năm, dù có cảm giác tiền lãi sau khi trả hết sẽ cao hơn nhưng nó lại đảm bảo cho bạn ít bị áp lực tài chính mỗi tháng hơn. Thêm nữa, số tiền trả nợ ngân hàng, các khoản vay của bạn cũng chỉ nên ở mức tối đa 30% thu nhập, như vậy mới không sợ mệt mỏi, sụp đổ tài chính nếu có vấn đề xảy ra"

Gom tiền tiết kiệm, thẻ tín dụng rồi vay 1,2 tỷ mua nhà

Đông Quân (sinh năm 1995) sở hữu căn hộ 1 phòng ngủ với diện tích 47m2 ở Quận 9 với giá mua là 1 tỷ 840 triệu, chi thêm gần 150 triệu để hoàn thiện nội thất.

Đông Quân

"Trong tay mình chỉ có một ít tiền tiết kiệm vì đã tiêu hết trong 4 tháng nghỉ dịch, cộng dồn các thẻ tín dụng gom lại cũng được gần 200 triệu. Mình mượn thêm bố mẹ, người thân và đồng nghiệp 400 triệu. Vậy là đủ 600 triệu để trả khoản thanh toán 30% ban đầu. Sau theo chính sách liên kết giữa chủ đầu tư và ngân hàng, mình vay thêm 70% theo diện vừa thế chấp vừa chứng minh thu nhập".

Lý do Đông Quân quyết định mua nhà vì tiền trả góp mỗi tháng dao động 11 triệu, trong khi trước đó tiền thuê nhà mỗi tháng của cậu bạn đã xấp xỉ 7 triệu. Thu nhập của Đông Quân tháng cao nhất khoảng 100 triệu và thấp nhất là 20 triệu. Do vậy, sau khi tính toán cậu bạn ước lượng được ản thân có thể chi trả được cho khoản này.

"Mình nghĩ rằng bản thân cố gắng thêm xíu nữa thì sau 35 năm mình đã có ngôi nhà cho riêng mình. Nhưng mục tiêu của mình là sẽ dành dụm để tất toán khoản vay sau 5 năm".

Căn nhà xinh xắn của Đông Quân


Khi được hỏi về có cảm thấy áp lực vì đi vay nợ hay không, Đông Quân nhấn mạnh rằng: Mình nghĩ sẽ trở thành động lực để giúp bản thân kiếm tiền nhiều hơn. Mình không sợ nợ, mình chỉ sợ không có tiền.

Khi chia sẻ về bí kíp tài chính để mua nhà ở độ tuổi còn trẻ như vậy, cậu bạn chia sẻ rằng bản thân đã tự làm mọi thứ nếu có thể. Chẳng hạn như việc lên ý tưởng thiết kế nhà cửa, từng chi tiết nội thất đều do cậu bạn tự làm. Ưu điểm của việc này là sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhiều nhất có thể.

Ảnh: NVCC

Chia sẻ Facebook