Quản lý kiến trúc dọc tuyến metro

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 11:20:09

Tuyến metro số 1 chạy dọc xa lộ Hà Nội, đi xuyên từ đầu đến cuối địa phận hành chính của TP Thủ Đức (TP.HCM).

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên trên địa bàn TP Thủ Đức kết nối nhiều khu dân cư, cảng biển, khu công nghệ... - Ảnh: TỰ TRUNG


Quy chế quản lý kiến trúc cho khu vực hai bên sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, công trình metro còn tạo bộ mặt cho TP Thủ Đức và cửa ngõ phía đông của TP.HCM.


UBND TP.HCM đã ban hành quy chế quản lý kiến trúc chung của toàn TP, trong đó có quy chế quản lý kiến trúc cho khu vực hai bên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến cuối tuyến.


Thêm cây xanh, quỹ đất

Quy chế chia khu vực hai bên tuyến metro số 1 thành 10 khu vực cụ thể dựa trên hiện trạng và định hướng quy hoạch. Khu vực Phước Long là nơi có quỹ đất công lớn, khu Thủ Đức (khu F) là nơi có nhiều biệt thự cũ, cảnh quan đặc trưng của làng đại học Thủ Đức..., các khu vực Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc là các khu đa chức năng, các khu vực Bình Thái, bến xe Miền Đông là các đầu mối giao thông...

Theo Sở Quy hoạch kiến trúc, do khu vực dọc tuyến metro số 1 cũng là dọc trục đường xa lộ Hà Nội nên phải phát triển giao thông đúng định hướng, phát huy tối đa hiệu quả giao thông đô thị của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và xa lộ Hà Nội; thu hút đầu tư, phát triển đô thị tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế... Ngoài ra cũng phải tính toán để tăng cường cây xanh và bổ sung quỹ đất xây dựng các công trình công cộng. Cơ quan chức năng sẽ lập ra các quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị những khu vực này.

Một số chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng đây là tuyến giao thông có sức tải lớn, quanh các điểm nhà ga metro là những điểm dễ thu hút dân cư. Thực tế thị trường cũng cho thấy những dự án gần ga metro thường được bán giá cao hơn và nhiều người lựa chọn vì đây vừa là đầu mối giao thông vừa nhiều tiện nghi. Người dân sử dụng metro ngày càng nhiều thì lượng người ở và làm việc, sinh hoạt quanh nhà ga phải tăng theo để tối ưu hóa công suất và sức tải của hệ thống giao thông nên hệ số về đất đai, công năng và giao thông phải cao hơn.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng nêu quan điểm: quanh các nhà ga metro cần phải có những khu dân cư cao tầng, mật độ cao để tận dụng được lợi thế đầu mối giao thông của các nhà ga. Bên cạnh đó, lượng dân cư lớn cũng là nguồn khách tham gia di chuyển bằng metro. Vì vậy, chính quyền cần thiết phải hoán đổi chỉ tiêu dân cư, hệ số sử dụng đất ở những khu vực khác để tạo những tuyến dân cư nén mật độ cao quanh các nhà ga metro.


Tính toán cho tuyến metro số 2

Trong khi metro số 1 đã có quy chế quản lý kiến trúc thì tuyến metro số 2 mới chỉ được xác định 10 khu vực để nghiên cứu, lập thiết kế đô thị riêng. Từ câu chuyện của tuyến metro số 1, các chuyên gia cho rằng ngay từ bây giờ TP nên bắt tay làm quy chế quản lý kiến trúc riêng cho khu vực dọc tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Hiện nay, tuyến metro số 2 đã được bồi thường giải phóng mặt bằng xong, các nhà đầu tư đã và đang có ý định tìm cơ hội đầu tư tại những vị trí có quỹ đất lớn dọc tuyến metro số 2. Nếu TP lập quy chế quản lý cho khu vực này sớm thì sẽ đón đầu được các nhà đầu tư lớn, tạo được bộ mặt đô thị đẹp và không phải chịu cảnh quy hoạch đi sau thực tế như đang xảy ra ở tuyến metro số 1.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng tuyến metro số 2 hiện chưa khởi công, thời gian hình thành dự án có thể sẽ kéo dài rất lâu. Do đó cần có khung quy chế và có kế hoạch phân kỳ thực hiện cho phù hợp để tận dụng được lợi thế quỹ đất "vàng" cạnh tuyến giao thông lớn. Từ đó thu được phần nào kinh phí bù đắp cho ngân sách đã bỏ ra để bồi thường và đầu tư xây dựng dự án.

TS Phạm Thái Sơn, Đại học Việt Đức, cũng cho rằng thời điểm này cần làm quy chế quản lý kiến trúc cho tuyến metro số 2 là hợp lý để đón đầu làn sóng đầu tư cho khu vực xung quanh dự án này. Tuy nhiên, khu vực đô thị quanh tuyến metro là một lĩnh vực mới tại TP.HCM. Vì vậy, từ quy chế quản lý kiến trúc cho đô thị hai bên metro số 1, chính quyền chắt lọc khung cơ chế và chính sách phổ quát để áp dụng cho khu vực đô thị hai bên các tuyến metro tiếp theo trong thời gian tới. Từ đó mới có thể đón đầu làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp.


10 khu chức năng đô thị dọc tuyến metro số 1

Phạm vi: từ cầu Sài Gòn đến khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc có chiều dài 14,83km, diện tích rộng hơn 577ha.

Khu A (Thảo Điền) là trung tâm đa chức năng của khu vực dân cư Thảo Điền; tổ chức quảng trường nhà ga và các dịch vụ hỗ trợ nhà ga metro; bảo tồn và chỉnh trang khu biệt thự Thảo Điền.

Khu B (An Phú) là khu trung tâm đa chức năng hiện đại, có quy mô lớn và đồng bộ của khu vực bắc xa lộ Hà Nội phường Thảo Điền.

Khu C (Rạch Chiếc) là nút giao thông quan trọng của TP, tổ chức đô thị theo hướng bảo đảm ít ảnh hưởng tới hoạt động giao thông cũng như bảo đảm môi trường sống tốt hơn cho người dân trong khu vực.

Khu D (Phước Long) là khu đô thị tái thiết đa chức năng.

Khu E (Bình Thái) có nút giao thông quan trọng (xa lộ Hà Nội và đường vành đai số 1). Tổ chức đô thị theo hướng bảo đảm ít ảnh hưởng tới hoạt động giao thông.

Khu F (Thủ Đức) là trung tâm của quận Thủ Đức cũ với nhiều khu dân cư được xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kết hợp bảo tồn hình thái khu biệt thự làng đại học...

Khu G (Thủ Đức) thuộc phường Tân Phú là khu đô thị hiện hữu, kết hợp với một số khu đa chức năng xây dựng mới với tầng cao trung bình.

Khu H (khu công nghệ cao) là khu đô thị hiện đại, đa chức năng tập trung xung quanh khu vực nhà ga metro, kết nối và hỗ trợ cho sự phát triển của khu công nghệ cao.

Khu K (Suối Tiên) có các trung tâm chuyên ngành quan trọng như Đại học Quốc gia, khu vui chơi Suối Tiên với số lượng người tiếp cận rất lớn.

Khu L (bến xe Miền Đông) là đầu mối giao thông quan trọng về phía đông và đông bắc TP.


Xây, sửa phải tuân thủ quy chế

Quy chế quản lý kiến trúc quanh tuyến metro số 1 sẽ điều chỉnh những hoạt động đầu tư, xây dựng diễn ra trong tương lai của khu vực này. Sau khi ban hành quy chế thì những công trình, dự án xây dựng sau phải tuân theo quy định của quy chế. Những công trình đã xây dựng trước đó vẫn được sử dụng theo hiện trạng, khi chủ đầu tư có những hoạt động, sửa chữa... thì phải tuân thủ theo quy chế. Với khu vực đô thị dọc tuyến metro số 2 sẽ được áp dụng quy chế chung toàn TP là đủ.

Việc UBND TP.HCM phê duyệt dự toán phát sinh chi phí tư vấn chung của dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ tạo điều kiện cho chủ đầu tư và tư vấn chung thực hiện công việc tiếp theo để khôi phục đào tạo lái tàu...

Chia sẻ Facebook