Quản lý hàng loạt sân bay, ACV đang có gần 32.000 tỷ đồng gửi ngân hàng
Ngoài khoản lãi chênh lệch tỉ giá nhờ đồng Yen Nhật lao dốc, ACV còn thu gần 1.200 tỷ đồng từ lãi các khoản tiền gửi ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính vừa mới được công bố, trong quý III, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt doanh thu tăng gấp hơn 11,5 lần cùng kỳ, đạt gần 4.204 tỷ đồng. Nguồn thu lớn nhất đến từ phục vụ hành khách (1.981 tỷ đồng), dịch vụ hạ cất cánh (597 tỷ đồng).
Với việc giá vốn hàng bán chỉ tăng 13% ở mức 1.806 tỷ đồng, lãi gộp của ACV nhảy vọt lên 2.380 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ gộp 1.004 tỷ cùng kỳ 2021. Biên lợi nhuận gộp của ACV cũng trở về mức ổn định 56%.
Trong kỳ, ACV ghi nhận 917 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Yếu tố chính giúp nguồn thu tài chính đột biến trong kỳ đến từ khoản lãi chênh lệch tỉ giá tổng cộng 505 tỷ đồng, gấp 25 lần cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể về khoản lợi nhuận từ chênh lệch tỉ giá, xuất phát từ việc đồng Yên Nhật mất giá và ACV có khoản nợ vay tổng cộng 11.363 tỷ đồng đều bằng đồng Yên Nhật, trong đó 11.060 tỷ là vay dài hạn (tại thời điểm cuối quý III).
Trong bối cảnh đồng Yên Nhật liên tục mất giá so với VND từ đầu năm tới nay đã giúp công ty ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỉ giá hàng trăm tỷ đồng đối với khoản vay nói trên.
Bên cạnh khoản lãi tỉ giá thì nguồn thu tài chính của ACV cũng ghi nhận khoản lãi tiền gửi 413 tỷ, gần tương đương cùng kỳ (415,7 tỷ đồng). Theo đó, tính tới ngày 30/9, ACV có tổng cộng 33.341 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong đó khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng là 31.880 tỷ.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của ACV kỳ này lại giảm 16% và duy trì ở mức khá khiêm tốn với hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chi phí khác cũng có sự biến động không đáng kể với 2/037 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố (tăng 1,2 lần), gần 278 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 4% so với cùng kỳ) và gần 57 tỷ đồng chi phí bán hàng (tăng 2 lần).
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí khác, trong quý III/2022, ACV báo lãi trước thuế 2.985 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 2.397 tỷ đồng, tăng vọt 441% so với con số lỗ hơn 700 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Con số này giảm nhẹ so với mức lãi 2.600 tỷ đồng ở quý II/2022 nhưng vẫn tương đương tổng lợi nhuận của 2 năm dịch bệnh 2020 và 2021 gộp lại (tổng khoảng hơn 2.400 tỷ đồng).
Với kết quả như vậy cũng đánh dấu kỳ thứ tư liên tiếp ACV có hoạt động kinh doanh tích cực sau khi hoạt động vận tải hành khách chịu ảnh hưởng mạnh vì các đợt giãn cách xã hội khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam vào quý II và đặc biệt là quý III năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng, ACV đạt 9.725 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 156% và lãi sau thuế 5.840 tỷ đồng, gấp 11,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Ba quý trong năm, ACV thu về 3.486 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong đó khoản lãi chênh lệch tỉ giá là 2.255 tỷ đồng.
Với kết quả này, “đại gia sân bay” ACV cũng đã hoàn thành 77% mục tiêu doanh thu (12.566 tỷ đồng) và 155% kế hoạch lợi nhuận năm 2022 (4.696 tỷ đồng).
Về tình hình tài chính, đến ngày 30/9, quy mô tài sản của ACV đạt 58.456 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả là 15.726 tỷ cuối quý III bao gồm 11.363 tỷ đồng nợ vay đã đề cập ở trên. Vốn chủ sở hữu hơn 42.730 tỷ, tăng gần 5.078 tỷ đồng so với đầu năm bao gồm khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 14.868 tỷ đồng
Về báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ACV đã dương trở lại với 2.017 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, cùng kỳ năm ngoái âm 774 tỷ. Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 362 tỷ do trong kỳ công ty trả nợ gốc đúng bằng số tiền này. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 786 tỷ do đẩy mạnh tiền chi mua sắm tài sản. Lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng ghi nhận 869 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II, khoản phải thu ghi nhận 5.422 tỷ đồng chủ yếu là từ các hãng hàng không, trong đó ACV đã phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 645 tỷ.
Tính đến ngày 30/09/2022, trong danh sách nợ xấu, ACV đang ghi nhận 2.624 tỷ đồng các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi. Trong đó, lớn nhất là khoản phải thu với CTCP Hàng không Vietjet trị giá gần 1.100 tỷ đồng, đang phải dự phòng 230 tỷ. Lớn thứ 2 là CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với 891 tỷ đồng, đang phải dự phòng 194 tỷ đồng và CTCP hàng không Pacific Airlines là 415 tỷ, đang dự phòng 186 tỷ đồng.
Tất cả các khoản nợ xấu này đều tăng lên so với đầu năm. Khoản phải thu của Bamboo Airways tăng mạnh nhất. Duy nhất khoản nợ xấu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giảm từ 298 tỷ hồi đầu năm xuống 123 tỷ.
Theo giải trình của ACV, kết quả kinh doanh đạt được như vậy là do ngành hàng không đang trong giai đoạn hồi phục và các chính sách giá dịch vụ của ACV hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không dần quay trở về mức bình thường sau giai đoạn dịch bệnh.
Trong khi đó, do là doanh nghiệp khai thác hạ tầng sân bay và cung cấp dịch vụ hàng không nên gần ACV không bị ảnh hưởng quá lớn bởi sự biến động của giá nhiên liệu và những “leo thang” của tình hình kinh tế - chính trị thế giới.
Đặt trong sự so sánh với các hãng hàng không, dù giảm lỗ 28% tuy nhiên Vietnam Airlines vẫn báo lỗ liên tiếp trong 11 quý với mức lỗ 2.546 tỷ đồng trong quý III/2022. Dù có lợi nhuận dương nhưng hãng hàng không Vietjet cũng chỉ ghi nhận mức lãi sau thuế 42,5 tỷ đồng. Hay như khoản dự tính lỗ hơn 3.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm của Bamboo Airways.
Theo báo cáo mới nhất về ngành hàng không của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, ACV sẽ phục hồi vững chắc kết quả kinh doanh trong những năm tới. Theo đó, trong năm 2022, lợi nhuận ròng của ACV có thể tăng 1.003,7% lên 5.291 tỷ đồng nhờ sự phục hồi của lượng khách nội địa và thu nhập tài chính. Đối với năm 2023, nếu có được sự phục hồi mạnh mẽ dự kiến lượng khách quốc tế (tăng 218,47%), lợi nhuận ròng dự kiến của ACV có thể tăng lên mức 8.975 tỷ đồng .