Quan hệ Việt-Mỹ: Donald Trump trở lại có thể khiến thương mại căng thẳng

Chia sẻ Facebook
05/04/2024 04:39:26

Nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, chênh lệch cán cân thương mại cao giữa Việt Nam và Mỹ có thể khơi nguồn trở lại những căng thẳng, một số chuyên gia đánh giá.

Nguồn hình ảnh, JIM WATSON/AFP thông qua Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cựu Tổng thống Donald Trump đang tràn đầy tham vọng trở lại Nhà Trắng. Ảnh: Ông Trump trong chuyến thăm tại Hà Nội vào ngày 12/11/2017.

13 tháng 3 2024


Hai ông Donald Trump và Joe Biden đều đã giành đủ số phiếu đại biểu để trở thành ứng viên đại diện hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại cuộc tổng tuyển cử vào ngày 5/11.

Nếu Trump đắc cử, giới quan sát nhận định cựu tổng thống có thể tăng cường các chính sách bảo hộ. Trước đây, ông từng kêu gọi áp dụng "mức thuế cơ bản phổ quát" đối với tất cả hàng nhập khẩu, có thể được áp dụng đối với các quốc gia có hoạt động thương mại "không công bằng".

'Rủi ro lớn nhất'

Trả lời Reuters, các chuyên gia cảnh báo về rủi ro cho Việt Nam trong bối cảnh sản lượng xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời và các sản phẩm điện tử nhạy cảm khác từ Việt Nam sang Mỹ tăng vọt.

Trong số các nước và tổ chức mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thì Việt Nam hiện xếp thứ ba, với mức thâm hụt 104 tỷ USD, chỉ thấp hơn Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, theo dữ liệu của Mỹ.

"Việt Nam là quốc gia dễ chịu tác động từ chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ," Reuters dẫn nhận định của công ty nghiên cứu BMIT thuộc tập đoàn Fitch Ratings.

Công ty này cũng nhấn mạnh, trong số các quốc gia không có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ thì Việt Nam là nước phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu thiết bị điện tử và các "mặt hàng khác có khả năng bị áp thuế nếu Trump quay trở lại nắm quyền".

Tính trong năm 2023, các mặt hàng điện tử, như máy tính và điện thoại thông minh, chiếm khoảng 36% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (114 tỷ USD).

Trong các mặt hàng này, tấm pin năng lượng mặt trời được xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng lên gần 5 tỷ USD, từ mức 3,2 tỷ USD, trong bối cảnh Washington đang giám sát chặt chẽ nguy cơ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và sử dụng vật liệu thô từ vùng Tân Cương (Trung Quốc).

Cụ thể, theo Đạo luật bảo vệ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Hoa Kỳ được ban hành vào ngày 23/12/2021, các nhà xuất khẩu phải chứng minh dược sản phẩm của họ không bao gồm bất kỳ nguyên liệu thô hoặc thành phần nào từ Tân Cương.


Hồi tháng 9/2023, các lô thiết bị điện tử trị giá 74 triệu USD , trong đó có tấm pin năng lượng mặt trời và vi mạch, hầu hết từ Malaysia và Việt Nam, đã bị từ chối nhập vào Hoa Kỳ hoặc bị kiểm tra về việc có khả năng bao gồm các thành phần được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, theo các dữ liệu chính thức từ phía Mỹ.


Các tổ chức nhân quyền luôn cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang tiến hành diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) theo đạo Hồi tại Tân Cương, lên án việc sử dụng các trại “cải tạo tư tưởng” và lao động cưỡng bức tại Tân Cương trong khi Bắc Kinh luôn bác bỏ.

Một nhà ngoại giao phương Tây tại Hà Nội nói với Reuters rằng thâm hụt thương mại với Việt Nam có thể là rủi ro lớn nhất trong quan hệ song phương nếu Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Nhưng nhà ngoại giao này cũng cho rằng sẽ không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ về việc hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, trong bối cảnh Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đang thúc đẩy chính sách "friendshoring” (định tuyến lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia khác để tránh rủi ro do quá lệ thuộc vào Trung Quốc).

Chính phủ Việt Nam đã không phản hồi trước yêu cầu bình luận của Reuters liên quan đến vấn đề này.

Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường? 12 tháng 3 năm 2024 Ông Donald Trump sẽ làm gì nếu đắc cử nhiệm kì thứ hai? 4 tháng 11 năm 2023 Cuộc điều tra về trí nhớ của Tổng thống Biden làm nổi bật chia rẽ đảng phái 13 tháng 3 năm 2024

Chính sách 'đổi chác' thời Trump

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hình ông Donald Trump ở Hà Nội vào tháng 11/2020

Tuy nhiên, nếu ông Donald Trump bước vào nhiệm kỳ lần hai, thì Việt Nam cũng có thể hưởng lợi.

Những thuận lợi xuất phát từ lập trường cứng rắn của Trump về Trung Quốc trong nhiệm kỳ trước đây từng vượt trội so với những rủi ro liên quan đến thương mại, một đại diện từ một công ty Việt Nam chia sẻ. Người này từ chối nêu tên vì không có thẩm quyền phát biểu trước truyền thông.

Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn khi các công ty chuyển dịch một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc sau khi Trump tăng thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.

Xu hướng này có thể gia tăng khi ông Trump trở lại nắm quyền, Florian C. Feyerabend, đại diện Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung) của Đức tại Việt Nam, trả lời Reuters.

Nhưng ông Feyerabend nói rằng “áp lực của Mỹ trong chính sách ngoại giao và an ninh sẽ có thể tiếp tục gia tăng" và nhận định ông Trump có thể quay trở lại chính sách mang tính “đổi chác” và gia tăng thêm áp lực để Hà Nội phải giảm bớt sự thân thiết với Trung Quốc và Nga.

Từ tháng 9/2023, Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, ngang bằng với quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Nga.


Nhưng Việt Nam cũng đã tuyên bố tham gia “cộng đồng cùng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc hồi tháng 12/2023, một động thái được giới quan sát cho rằng Bắc Kinh muốn xác lập một nấc cao hơn Washington trong các cấp quan hệ ngoại giao của Hà Nội.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam đang vận động để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường


Hiện Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét khả năng có công nhận tư cách nền kinh tế thị trường cho Việt Nam hay không , sau khi nhận được yêu cầu từ phía Hà Nội hồi ngày 8/9/2023.

Hồi cuối tháng 1, một nhóm nhà lập pháp Mỹ đứng đầu là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Đảng Dân chủ) và Dân biểu Rosa DeLauro, cùng 31 nhà lập pháp khác, đã nêu quan ngại về việc Mỹ dành cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường. Theo những người này, việc công nhận có thể "đe dọa các công nhân và công ty sản xuất ở Mỹ" và làm "Trung Quốc mạnh thêm".

Đơn kiến nghị gửi đến Bộ Thương mại Mỹ nêu rằng "phải xem xét toàn diện các điều kiện kinh tế và lao động ở Việt Nam" và lập luận "Việt nam không đáp ứng các yêu cầu được công nhận là nền kinh tế thị trường nếu xét theo luật thương mại của Mỹ".

Nhận định về khả năng Mỹ có thể công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không, Tiến sĩ Công Phạm, Giảng viên cấp cao tại Đại học Deakin (Úc), chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào ngày 12/3: “Có xác suất Mỹ sẽ công nhận tư cách kinh tế thị trường cho Việt Nam vào tháng 7 tới đây. Tuy nhiên, đây là thời điểm Mỹ cũng muốn tranh thủ lôi kéo Việt Nam. Đối với Việt Nam, tháng 7/2024 là thời điểm trước tổng tuyển cử, nên Việt Nam phải cố gắng hoạt động ngoại giao để Quốc hội Mỹ chấp nhận tư cách kinh tế thị trường cho mình.”

“Để thúc đẩy việc này, về phần mình, Việt Nam phải tiếp tục cải tổ hiệu quả các công ty nhà nước, đưa ra những thay đổi vể luật pháp và đưa ra những cam kết liên quan đến việc không trở thành nước ‘trung gian’ mà qua đó các công ty Trung Quốc lách luật để bán hàng sang Mỹ," Tiến sĩ Công Phạm nói thêm.

Chia sẻ Facebook