Quân đội Mỹ thử nghiệm chiến thuật đánh hội đồng bằng một phi đội drone
Quân đội Mỹ đang có kế hoạch tung ra một bầy drone cỡ nhỏ, gồm 30 chiếc có khả năng kết nối với nhau, trên bầu trời sa mạc Utah trong khuôn khổ một cuộc tập trận quốc tế.
Bầy drone này sẽ được triển khai từ các trực thăng của Mỹ và đồng minh; đây cũng là bầy drone “ALE tương tác” có số lượng lớn nhất mà quân đội từng thử nghiệm (ALE, viết tắt của Air-Launched Effects, chỉ những thiết bị bay không người lái phóng từ trên không xuống khu vực chiến sự bên dưới, được điều khiển bởi các binh lính ngồi trên máy bay hoặc tự hành hoàn toàn và truyền thông tin về trực thăng lẫn bộ binh, nhằm tạo hiệu ứng có lợi cho bên sử dụng).
Bầy drone này là sự kết hợp giữa mẫu ALTIUS 600 của hãng Area-I và Coyote của Raytheon. Chúng sẽ được phóng từ nhiều máy bay và phương tiện mặt đất khác nhau tại cuộc tập trận EDGE 22 do quân đội Mỹ tổ chức từ 25/4 đến 12/5 tại Bãi thử Dugway gần thành phố Salt Lake, Utah.
ALTIUS-600 nặng từ 9 - 12,25 kg tùy tải, phạm vi bay hơn 444 km, và pin hoạt động được ít nhất 4 tiếng. Cũng như PILS, drone này có thể được phóng từ CLT và RIwP. Nó có thể chở nhiều loại hàng khác nhau để thực hiện hàng loạt nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát (ISR), và tình báo tín hiệu (SIGINT). ALTIUS còn có thể được lắp thêm một đầu đạn để tấn công, hoặc được dùng như một vũ khí chống drone khi kết hợp với hệ thống MoRFIUS của Lockheed Martin. Năm ngoái, Area-I đã công bố ALTIUS-700, với tải trọng gấp 3 lần so với thế hệ trước, thời lượng bay lên đến 5 tiếng, và có thể trang bị các bộ phận để thực hiện các nhiệm vụ giám sát, chống UAS, chiến trường điện tử, vận chuyển đạn dược, và tình báo tín hiệu.
Trong khi đó, drone Block I Coyote của Raytheon đã được giới thiệu lần đầu vào năm 2007, với cột chống phía sau, cùng một cặp cánh và đuôi kép với khả năng bung mở. Chúng được quảng cáo là một nền tảng tình báo, giám sát và trinh sát giá rẻ, nhưng cuối cùng lại trở thành sản phẩm thử nghiệm cho hàng loạt ứng dụng khác nhau, bao gồm phóng từ trên không bởi máy bay NOAA để thu thập dữ liệu từ trong các cơn bão vào năm 2017.
Block 2 được giới thiệu vào năm 2018, với ngoại hình giống với tên lửa hơn, không có cánh, và được thiết kế chuyên để chống drone. Block 3 ra mắt năm ngoái, được triển khai cho các tàu tự hành của hải quân để phóng từ trên hoặc dưới bề mặt nước biển.
Các ALE sở hữu nhiều công nghệ cảm biến sẽ được phóng từ máy bay, các phương tiện mặt đất, và bởi bộ binh, sau đó kết nối với nhau khi bay về vùng chiến sự. Bầy drone này sẽ phủ trọn khu vực tác chiến, nhận biết các lực lượng địch bằng cảm biến hồng ngoại và các hệ thống chiến trường điện tử tích hợp có khả năng phát hiện tín hiệu phát ra, thay đổi vị trí và truyền thông tin đó về lại mạng lưới điều hành và các máy bay tấn công do người lái.
EDGE 22 là một phần trong các cuộc tập trận thử nghiệm do quân đội Mỹ tổ chức, nhằm đánh giá công nghệ và diễn tập các mô hình chiến đấu mới. Dự kiến sẽ có khoảng 20 đơn vị quốc phòng khác tham gia vào EDGE 22, với ít nhất 50 công nghệ được thử nghiệm, bao gồm quá trình vận hành và phối hợp với các đơn vị khác của mạng lưới cảm biến tự động khai hỏa. Để đánh giá khả năng xảy ra tình trạng nghẽn cổ chai và tăng tốc quá trình ra quyết định, Úc, Canada, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan và Anh sẽ cùng tham gia với Mỹ trong cuộc tập trận.
EDGE được xem là hoạt động rút kinh nghiệm từ cuộc diễn tập PC 21 vào mùa thu năm ngoái, từ đó dọn đường cho PC 22 vào cuối năm nay.
Trong PC 21, hai drone ALTIUS 600 đã được phóng và điều khiển từ một chiếc trực thăng Black Hawk UH-60 với bộ não tự hành của DARPA gọi là Aircrew Labor In-Cockpit Automation System, trở thành hệ thống cảm biến trên không thứ hai và thứ ba phục vụ truyền dữ liệu cho hoạt động trinh sát và đưa dữ liệu về mạng lưới điều hành. Việc thử nghiệm thành công bầy drone cỡ nhỏ này đã tạo điều kiện cho phía Mỹ thực hiện cuộc diễn tập đa phương tiện với 30 drone kết hợp hai máy bay chiến đấu nhằm vào khu vực hạ cánh phía sau nơi đóng quân của địch. Bầy drone sẽ được dùng để cảm nhận, phát hiện, đánh giá và có thể tấn công các vị trí địch trước khi trực thăng có người lái đến nơi.
Ý tưởng đằng sau chiến thuật này là triển khai những bầy drone gián điệp và đưa đạn dược ra đằng sau vị trí tập kết của kẻ địch để tìm và xác định các lực lượng địch đang ẩn nấp. Được liên kết với nhau, bầy drone có thể quét những khu vực địa hình rộng lớn một cách hoàn toàn tự động và truyền video cùng thông tin mục tiêu về các nền tảng do người điều khiển đang tập kết ngoài tầm bắn của địch. Năm ngoái, DARPA đã thử nghiệm một chiến thuật tương tự nhưng dựa trên một bầy drone nhỏ hơn trong các nhiệm vụ thành thị thay vì không kích. Quân đội Mỹ còn có thể sử dụng những nền tảng tự hành lớn hơn như MQ-1C Gray Eagle trong tình huống bế tắc.
Kế hoạch của quân đội đối với mỗi ALE là thực hiện ít nhất một trong các nhóm nhiệm vụ trinh sát và nhắm mục tiêu định trước - “phát hiện, xác định, tìm vị trí, báo cáo”, hay DILR. Các drone trong bầy sẽ mang theo các hệ thống chức năng chủ động hoặc thụ động. Ví dụ, trên drone thụ động sẽ mang theo camera hình ảnh hồng ngoại hoặc điện quang, hoặc các cảm biến có khả năng định vị điện tử do địch phát ra, bao gồm từ các hệ thống thông tin liên lạc và radar. Các drone chủ động thì mang theo thiết bị làm nhiễu điện tử để gây gián đoạn các hệ thống cảm nhận và giao tiếp của địch, hoặc một đầu đạn để tấn công trực tiếp các vị trí của địch.
Bạn có thể xem miêu tả về chiến thuật này trong đoạn video bên dưới:
Chiến thuật đánh hội đồng bằng bầy drone của quân đội Mỹ
Một khi các mục tiêu đã được khóa và xác định, một số máy bay trong bầy có thể được triển khai với vai trò drone cảm tử để tấn công mục tiêu trong khi số khác quan sát để bán gián tiếp hoặc phóng tên lửa từ máy bay. Việc chia sẻ nhiệm vụ và các kiện hàng giữa các drone trong bầy giúp mạng lưới drone linh hoạt hơn, bởi mỗi máy bay không bị buộc phải thực hiện mọi nhiệm vụ đặt ra. Nó còn cho phép sử dụng các UAS nhỏ hơn và rẻ hơn bởi chúng không phải mang theo cả thiết bị trinh sát lẫn tấn công.
Quân đội Mỹ hiện đang đánh giá khả năng của các bầy drone trên chiến trường tương lai, với nhiều cấu hình và kích cỡ khác nhau, phóng ra từ nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm các phương tiện bộ binh, khí cầu trên cao, tên lửa tầm xa, và các hệ thống không người lái khác.
ALTIUS trước đây từng được phóng ra từ máy bay không người lái MQ-1C và trực thăng UH-60 Black Hawk, cũng như máy bay tàng hình không người lái XQ-58A Valkyrie. Sử dụng hệ thống phóng PILS của Area-I, ALTIUS có thể được phóng từ các máy bay C-130, AC-130J, P-3, và các máy bay dân sự, cũng như từ một phương tiện chiến thuật siêu nhẹ DAGOR.
Với những hệ thống này, quân đội Mỹ sẽ có được góc nhìn rộng và chi tiết hơn về chiến trường tương lai, trước khi máy bay có người lái và lính bộ binh tiếp cận địch. ALTIUS còn là nền tảng thử nghiệm cho thứ mà sau này sẽ trở thành một dòng ALE với năng lực đa dạng hơn.
Tối quan trọng trong việc triển khai các bầy drone, và trong chiến thuật kết hợp quy mô hơn của quân đội, là mạng lưới chống phá sóng đủ mạnh và bí mật để vận hành được trong môi trường có nhiều hạn chế về thông tin liên lạc. Bản thân các drone có thể được sử dụng như các repeater để mở rộng khả năng liên lạc giữa các lực lượng triển khai ra chiến trường và đài chỉ huy ở hậu phương.
Một mạng lưới phương tiện giám sát và tấn công tầm xa có thứ bậc và bảo mật như vậy sẽ cho phép quân đội tạo ra điều kiện chiến trường như mong muốn trước khi tấn công các vị trí đang phòng thủ, và đảm bảo rằng các lực lượng đang tấn công các mục tiêu quân sự trong những môi trường phức tạp cao như thành thị.
Dù kết quả thử nghiệm EDGE 22 ra sao đi nữa, thì quân đội cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy mô hình chiến trường kết nối mạng với tính di động cao trong tương lai. PC22 vào mùa thu năm nay có thể sẽ là màn ra mắt của một bầy drone thậm chí còn lớn hơn nữa, thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn nữa, để đạt được mục tiêu đó.
Tham khảo: TheDrive