Quân đội Israel bị phục kích chịu tổn thất lớn: Cán cân lợi thế ở Dải Gaza thay đổi?

Chia sẻ Facebook
15/12/2023 03:33:30

Việc 9 quân nhân Israel thiệt mạng trong một vụ tấn công ngày 12/12 ở phía bắc Gaza đã gây chấn động Israel vì đây là tổn thất lớn nhất của quân đội nước này kể từ khi bắt đầu chiến dịch trên bộ vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, vụ việc khó có thể làm giảm sự ủng hộ của người dân Israel với các chiến dịch nhằm vào Gaza.


Video: Binh sĩ Israel giao tranh ác liệt ở phía bắc Gaza, một trong những thành trì kiên cố nhất của Hamas. Nguồn: CNN

Theo số liệu chính thức, có 115 binh sĩ Israel đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Dải Gaza kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra ngày 7/10. Theo giới chức Y tế ở Gaza, hơn 18.000 người ở khu vực này đã thiệt mạng tính tới ngày 12/12.

"Ngay lúc này, với công chúng Israel, mối đe dọa từ khả năng quân sự của Hamas lớn đến mức chúng tôi sẵn sàng chấp nhận thương vong của binh sĩ để loại bỏ nhóm vũ trang này", CNN dẫn lời bà Miri Eisin, chuyên gia an ninh và đại tá về hưu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Chồng và 3 con của bà Eisin đang phục vụ trong quân đội Israel. "Nói điều trên không có nghĩa là tôi muốn hy sinh chồng con của mình", bà Eisin nói. "Điều đó có nghĩa là tôi không biết phải sống thế nào ở Israel nếu không loại bỏ Hamas".

Vụ phục kích gây tổn thất lớn nhất cho quân đội Israel ngày 12/12 đã ảnh hưởng nặng nề tới tinh thần của người Israel không chỉ bởi số lượng quân nhân thiệt mạng cao.

"Nỗi đau đó là sự kết hợp của 2 yếu tố: Một lữ đoàn cụ thể chịu nhiều thương vong và có một số sĩ quan cấp cao. Chúng tôi chịu tổn thương rất lớn", bà Eisin nói. "Thật không dễ dàng gì khi đón nhận tin một binh sĩ thiệt mạng nhưng ở đây có một số trường hợp ở cấp chỉ huy, những người chỉ đạo hàng trăm binh sĩ".

Bà Eisin cho rằng, vụ việc cho thấy tính chất khó lường của loại hình giao tranh mà Israel đang áp dụng ở Dải Gaza. Giai đoạn đầu của chiến dịch chỉ là các cuộc không kích và nã pháo, binh sĩ IDF vẫn trong vòng an toàn.

Nhưng khi các binh sĩ IDF mở chiến dịch trên bộ, cán cân lợi thế được cho là đã thay đổi phần nào, CNN nhận định. Theo IDF, Hamas đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho xung đột, xây dựng hệ thống hầm ngầm phức tạp, gài bẫy và chuẩn bị phòng thủ. Đây có thể là một lý do dẫn đến việc IDF chịu tổn thất lớn hơn so với chiến dịch trên bộ năm 2014 vào Dải Gaza, kéo dài 51 ngày và có 67 binh sĩ thiệt mạng.

"Trong tác chiến đô thị, lợi thế luôn nghiêng về bên phòng thủ. Đó là lý do Hamas xây dựng phòng thủ ở khu vực đô thị và xây dựng hệ thống hầm ngầm ở bên dưới các khu đô thị", bà Eisen ngày 13/12 nói, đồng thời cho biết, trong trường hợp này, bên tấn công cần "tạo ra các lợi thế ở mỗi khu vực riêng biệt". "Hôm qua, họ đã không có được lợi thế đó", cựu đại tá của IDF nói thêm.

Theo IDF, đơn vị bị phục kích là lữ đoàn Golani, đơn vị bộ binh hoạt động ở khu dân cư Shejaiya, ở phía đông Dải Gaza. Trong một tuyên bố ngày 13/12, IDF mô tả, các tay súng Hamas ở một tòa chung cư đã "ném thuốc nổ rồi nã đạn về phía các binh sĩ Israel".


Một số quân nhân Israel thiệt mạng ở Dải Gaza. Ảnh: Times of Israel

Israel Ziv, tướng IDF đã nghỉ hưu, nói với CNN rằng, vụ phục kích xảy ra tại một khu vực đông đúc ở khu Shejaiya.

"Chiến đấu và loại bỏ các tay súng Hamas khỏi khu vực này là cực kỳ rủi ro và đòi hỏi sự dũng cảm cùng quyết tâm cao độ", ông Ziv nói. "Sau khi đội bộ binh đầu tiên trúng mìn và hỏa lực của Hamas. Các đội khác đã lao tới ứng cứu. Sự vội vàng đó là nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất lớn".

Trong khi đại đa số người Israel vẫn ủng hộ các chiến dịch ở Gaza, ông Ziv cho biết, có một số người đã nghi ngờ về cách thức thực hiện các chiến dịch này.

"Những tổn thất như thế này khiến nhiều người kêu gọi sử dụng các biện pháp từ xa như không kích thay vì gửi quân đến chiến đấu trực tiếp ở các khu đô thị chết chóc đó", cựu tướng IDF nói.

Ông Ziv và bà Eisin đều nói rằng, các chiến dịch trên bộ sẽ giúp giảm thương vong cho dân thường hơn so với việc không kích.

"Thương vong lớn như vụ việc ngày 12/12 đã không xảy ra nếu chúng tôi sử dụng máy bay ném bom.  Nhưng khi không kích, chúng tôi không thể biết có còn dân thường ở khu vực đó hay không", bà Eisin, cựu đại tá IDF, nói.

Thương vong lớn của người dân ở Gaza đã khiến Israel dần mất sự ủng hộ của quốc tế. Thậm chí, một số đồng minh thân cận nhất của nước này cũng kêu gọi ngừng bắn nhân đạo.

Bà Eisin cho rằng, có một khoảng cách ngày càng lớn giữa dư luận trong nước và quan điểm của nước ngoài trong cuộc xung đột này.

"Tôi hoàn toàn cảm thấy thế giới không hiểu được rằng, chúng tôi không thể sống yên ổn ở Israel chừng nào khả năng quân sự của Hamas chưa bị triệt tiêu. Người Israel coi đó là mối đe dọa hiện hữu", cựu đại tá IDF nói.


Nguyễn Thái - CNN

Chia sẻ Facebook