Quan điểm mới mẻ giúp mẹ 2 con 'cân đẹp' lãi trả góp nhà xe, chi tiêu 17 triệu/ tháng
Đối với Minh Hoa, giảm mua sắm bốc đồng là cách tốt nhất để quản lý chi tiêu gia đình.
Ở thành phố với mức sống cao như Hà Nội, để vừa có thể lo cho con đồng thời trả khoản vay nợ mua nhà không đơn giản. Tuy vậy, với thu nhập 37 triệu/tháng gia đình Minh Hoa (26 tuổi) gồm vợ chồng và 2 con nhỏ vẫn sống khá thoải mái nhờ có kế hoạch chi tiêu rõ ràng và luôn tuân theo nó.
Gia đình 4 người với chi phí sinh hoạt 16,6 triệu đồng/tháng
Minh Hoa chia sẻ rằng chi phí sinh hoạt cố định hàng tháng của gia đình cô rơi vào khoảng 16,6 triệu đồng. Về ăn uống, bữa sáng sẽ linh động giữa nấu tại nhà và đi ăn ngoài rơi vào khoảng 1,5 triệu/tháng. Bữa trưa sẽ là 50 nghìn đồng/ngày cho vợ chồng và con ăn bán trú, tổng 1,5 triệu/tháng, bữa tối 3,6 triệu/tháng cho cả gia đình. Tổng chi phí ăn uống khoảng 6,6 triệu đồng.
Ngoài ra, các khoản quần áo, đồ sinh hoạt của mỗi cá nhân trong gia đình sẽ phát sinh theo từng mùa, từng thời điểm, chi phí này khoảng 2 triệu/tháng. “Thực ra, chúng mình mua quần áo chỉ đủ mặc, không mua dư thừa. Khi mua đồ cho con, mình chỉ mua 2-3 bộ của hãng lớn. Còn lại mình thường đặt trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, nếu biết săn mã giảm đúng ngày, giá chỉ giao động khoảng 50 nghìn/bộ là chất liệu đã ổn, cotton thấm hút mồ hôi tốt, dễ vận động cho bé hàng ngày”, Minh Hoa chia sẻ.
Ngoài ra, gia đình cô sẽ có những khoản phí phát sinh chẳng hạn như đi ăn uống cùng bạn bè, đám cưới hỏi, khóa học ngắn hạn cho con. Minh Hoa thi thoảng sắm sửa thêm thiết bị điện tử như robot lau nhà, máy lọc không khí... Mỗi lần phát sinh khoản gì lớn, cô sẽ cân đối và sử dụng hình thức trả góp để không mất cân bằng trong chi tiêu.
“Trước đó, dù có tháng phát sinh rất nhiều khoản, mình vẫn cố gắng bỏ ra 30% thu nhập để tiết kiệm. Tuy nhiên, hiện nay số tiền tích lũy hàng tháng đã ít đi, chỉ còn khoảng 10%. Bởi vì vợ chồng mình đã vay ngân hàng 1 nửa giá trị căn nhà, mỗi tháng hiện tại chúng mình dùng 20% thu nhập khoảng 7,4 triệu đồng để trả nợ
Có những quy tắc riêng trong chuyện “tự thưởng"
Cũng giống như nhiều người con xa quê khác, vợ chồng Minh Hoa được ông bà gửi đồ ăn từ quê lên, giá thành rẻ hơn mà vẫn chất lượng. Bên cạnh đó, gia đình cô cũng xen kẽ giữa đi chợ và đi siêu thị sao cho phù hợp với túi tiền mà vẫn có thực phẩm tươi ngon.
“Chúng mình là vợ chồng trẻ, đôi lúc cũng sẽ mua những món đồ không thật sự cần thiết, mất nhiều tiền mà công năng sử dụng không cao. Do vậy, vợ chồng mình cố gắng học cách kiên nhẫn hơn. Ví dụ, khi muốn mua 1 chiếc nồi cơm giá 3 triệu, bọn mình sẽ đợi thêm vài ngày để đúng ngày 5 tháng sau sẽ giảm giá 10% cho chiếc nồi cơm đó. Tiết kiệm được 300 nghìn sẽ bỏ ngay vào phần tiết kiệm”.
Bên cạnh đó, các vật dụng mua sắm chúng gia đình cô chỉ sử dụng vừa và đủ. Một phần nó sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nhưng quan trọng hơn là vợ chồng Minh Hoa đều thích nhà gọn gàng, sạch sẽ, và không quá nhiều đồ cầu kỳ mà lại ít sử dụng đến.
“Thời gian đầu khi mới có con, chúng mình dành tất cả tiền thưởng để mua đồ cho con cái. Song, để cuộc sống luôn vui vẻ và công bằng, chúng mình cũng sẽ tự thưởng cho bản thân để làm động lực cố gắng cho những ngày sắp tới”.
Ngoài ra, Minh Hoa chia sẻ rằng gia đình sẽ ghi chép chi tiêu thường xuyên khi gia đình có kế hoạch tài chính mới. Chẳng hạn, khi mua nhà, trả góp chiếc xe máy, hay thời điểm Covid bị giảm thu nhập, vợ chồng cô sẽ liên tục cập nhật vào bảng excel để cân đối. Thời điểm này, ghi chép chi tiêu cẩn thận sẽ giúp kiểm soát tài chính gia đình tốt hơn.
“Nhưng nếu thời gian sau đó không có quá nhiều biến động về thu nhập và các khoản chi, chúng mình không ghi chép quá kỹ càng. Đôi khi nếu buộc ghi chép quá cẩn thận trong 1 thời gian dài cũng dễ làm vợ chồng mệt mỏi. Mình muốn sống 1 cuộc sống vừa đủ ấm áp và tin tưởng nhau”.
Vợ chồng trẻ nên có kế hoạch chi tiêu ngay từ đầu
Theo Minh Hoa, điều quan trọng nhất để có thể tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình dễ dàng hơn đó chính là kỷ luật trong việc mua sắm. Trước khi chi tiền, cô sẽ cân nhắc những tiêu chí này rồi mới quyết định “xuống tay" mua sắm.
- Mình đã có món đồ nào giống, tương tự hay chưa? Có sản phẩm nào có thể thay thế được món đồ đó hay không?
- Nếu có món đồ đó mình sẽ được thêm những lợi ích gì? Lợi ích đó kéo dài trong bao lâu?
- Món đồ đó trị giá bao nhiêu tiền? Nếu mua có ảnh hưởng đến các khoản chi phí khác hay không? Ảnh hưởng đó như thế nào?
- Quan trọng nhất là: Món đồ đó sử dựng được bao nhiêu lần, chi phí cho mỗi lần sử dụng “Có đáng hay không?”
“Tất nhiên chúng mình cũng có những món đồ mua 1 cách không kiểm soát, nhưng mình sẽ giới hạn là trong 1 tháng, chỉ được mua duy nhất 1 món đồ như thế. Món đồ mua không được tính toán kỹ sẽ không quá 2% thu nhập”.
Minh Hoa chia sẻ rằng, ban đầu không có quá nhiều tiền, không có kế hoạch rõ ràng cho tài chính gia đình nên vợ chồng cô rất khó khăn. Để có được chút thành quả nhỏ bé, cân đối được gia đình và lo cho 2 con, Minh Hoa và chồng đã phải tự thay đổi bản thân rất nhiều, nhất là trong cách chi tiêu hàng ngày.
“Để dự phòng cho những chuyện không thể biết trước như con cái ốm đau, bỗng 1 ngày tivi hỏng, tự dưng có đám cưới của đồng nghiệp. Vì cuộc sống hôn nhân có rất nhiều khoản phát sinh, nên cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, phù hợp với mọi thành viên trong gia đình, nhất là vợ chồng - 2 người kiếm tiền chính trong gia đình phải thực sự thấy thỏa mái thì gia đình mới hạnh phúc”