Quan điểm hợp tác rõ ràng của Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa kết thúc một tuần làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc với rất nhiều hoạt động, trong đó điểm nhấn quan trọng là dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.
Chuyến công tác đầu tiên tới Mỹ trên cương vị lãnh đạo Việt Nam là dịp để Thủ tướng chia sẻ quan điểm chính thức của Việt Nam về hợp tác quốc tế.
Tuổi Trẻ phỏng vấn GS David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới (Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, ĐH Harvard) về chuyến đi này.
Ông Dapice là người nghiên cứu sâu về kinh tế Việt Nam và quan hệ kinh tế Việt - Mỹ. Tuần trước, ông đã dự và phát biểu trong sự kiện Thủ tướng tới thăm ĐH Harvard.
* Xin chào GS Dapice. Ông đã nghe Thủ tướng nói về quan điểm phát triển kinh tế. Các học giả tại Harvard đánh giá thế nào về cam kết và lập trường này của Việt Nam?
- Rõ ràng Việt Nam đã biết cách ứng phó với việc bị chia tách kinh tế với Trung Quốc hơn bất kỳ nước nào khác (GS Dapice nhắc tới đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng đứt đoạn - PV).
Cam kết của Việt Nam về lộ trình carbon rất thông minh và ít tốn kém hơn nhiều người nghĩ. Quả thực, vào năm 2030, đây sẽ được xem là một nước đi rất thông minh.
* Việt Nam muốn phát triển kinh tế độc lập, tự chủ nhưng đồng thời cam kết hội nhập. Bản thân Thủ tướng cũng lưu ý đây là hai chuyện thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn. Vậy ông và các học giả Harvard khác có thấy cách giải thích của Thủ tướng sau đó thuyết phục không?
- Lời giải thích của ông ấy rất chuẩn. Để độc lập, bạn phải mạnh mẽ. Ví dụ, độc lập về thương mại là lựa chọn của Hàn Quốc.
Ngoài mức sống tốt hơn, còn có nhiều sự hỗ trợ cho một chính sách tạo ra sự tiến bộ không chỉ về thu nhập mà còn là khả năng biết được thế giới đang diễn ra như thế nào.
Tuy nhiên, để hai mục tiêu này nhất quán, đòi hỏi phải có quản trị tốt và chính sách khôn ngoan. Đó là thách thức cho bất kỳ hệ thống nào.
* Với tình trạng trễ hàng và gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Á, Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác ra sao để giải quyết và thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương, thưa ông?
- Việt Nam có thể mở rộng và quản lý hệ thống cảng để ít chậm trễ hơn. Phía Mỹ có thể làm tương tự, mặc dù sự phức tạp trong vấn đề cung ứng liên quan tới nhập khẩu, thiếu hụt nhiên liệu xe tải, thiếu tài xế và tắc nghẽn trong hệ thống sẽ khiến tình trạng này chỉ có thể thuyên giảm trong lúc tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái. Xung đột Ukraine cũng khiến tình hình phức tạp hơn.
Tôi cho rằng vấn đề chính Việt Nam lo ngại lúc này là mức độ thặng dư. Tiếp cận và duy trì đối thoại với Mỹ, cùng giải quyết và nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ khi cần sẽ giúp giảm căng thẳng thương mại tiềm tàng.
Thực ra thặng dư thương mại xuất hiện toàn châu Á, không chỉ Việt Nam. Giá trị gia tăng của Việt Nam khá thấp trong nhiều mặt hàng xuất khẩu điện tử và Việt Nam không thao túng tiền tệ thiếu công bằng, thể hiện trong mức thặng dư thương mại tổng thể.
* Về tổng thể, sau Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, ông đánh giá thế nào về hợp tác Việt - Mỹ? Chuyến đi của Thủ tướng đóng góp thế nào cho quan hệ hợp tác hai nước?
- Hợp tác Việt - Mỹ có thể là "toàn diện" hoặc "chiến lược". Vấn đề chính là hai bên giao tiếp và hòa hợp thế nào với nhau.
Mỹ sẵn sàng tiến lên đối tác chiến lược, nhưng Việt Nam vẫn chưa quyết. Mỹ hiểu rằng Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung không muốn chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ không cố gắng đưa thêm các nước ASEAN vào liên minh quân sự.
Điểm yếu lớn nhất của Mỹ là không tham gia hiệp định thương mại TPP (nay là CPTPP - PV). Một cam kết thương mại tồn tại lâu hơn một chính quyền của Mỹ, và nếu không có một cam kết như thế sẽ khiến Mỹ tự cô lập.
An ninh là khía cạnh được toan tính kỹ lưỡng, nhưng bạn không thể đi bằng một chân. Việt Nam sẽ đạt những lợi ích tốt nhất thông qua quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc, và tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đi trên con đường đó.
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Mỹ
Tối 17-5 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thành phố San Francisco trở về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc từ ngày 11 đến 17-5.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng gặp lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Intel, Microsoft, Apple, Google; dự tọa đàm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; gặp mặt thân tình với kiều bào tiêu biểu có đóng góp với đất nước tại San Francisco.
NGUYỄN KHÁNH
"Thông điệp trung thực là quan trọng"
Tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc CSIS, cho rằng Việt Nam nằm trong số những nước ASEAN tích cực nhất trong việc thúc đẩy sự kiện cấp cao ASEAN - Mỹ lần này.
"Thủ tướng Phạm Minh Chính là người duy nhất trong số các lãnh đạo ASEAN đã phát biểu công khai tại thủ đô Washington. Đây thực sự là màn giới thiệu của ông ấy trước chính phủ và người dân Mỹ", ông Poling nói.
Ông Poling cho biết trước sự kiện, một số người tò mò về Thủ tướng, nhất là về cách ông phát biểu trước công chúng, vì ông chưa bao giờ nói chuyện với khán giả Mỹ hay phương Tây trong một dịp như thế.
"Tuy nhiên, ông ấy tỏ ra thân thiện, lôi cuốn trước công chúng, và có thể nói, rất trung thực và thẳng thắn khi nói chuyện riêng. Ông ấy chắc chắn không đồng ý với chủ nhà Mỹ trên nhiều vấn đề, cũng như một số chủ đề như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và biến đổi khí hậu.
Ông ấy nêu rõ rằng sự hợp tác của Việt Nam tùy thuộc mức độ sẵn sàng của Mỹ trong việc đáp ứng nhu cầu của Việt Nam. Nhưng việc đưa ra thông điệp thẳng thắn như vậy là chuyện quan trọng giữa các đối tác với nhau", ông Poling nhận xét.
"Rõ ràng, thẳng thắn"
Tại Harvard, Thủ tướng Phạm Minh Chính thuật lại cuộc trao đổi giữa ông và ông John Kerry - đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề khí hậu.
"Tôi đã trao đổi rất thẳng thắn với ông John Kerry về quy hoạch liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Tôi cũng nói rất rõ ràng ai giúp cái gì nhưng phải giúp Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và độc lập, chứ không thể phụ thuộc. Tôi cũng nói rất thẳng thắn. Chúng ta phải thẳng thắn với nhau, và chỉ có chân thành như thế, lòng tin như thế, trách nhiệm như thế mới có thể có kết quả", ông kể.
Theo GS Dapice, ông Kerry đã có quan hệ lâu dài và làm việc với nhiều lãnh đạo Việt Nam, vì vậy "Tôi cho rằng ông Kerry kỳ vọng sự thẳng thắn trong các trao đổi riêng.
Ông Kerry muốn thúc đẩy năng lượng xanh, và đó là mục tiêu Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố hướng tới, do đó có sự đồng thuận cơ bản về lợi ích. Việc có các khoản vay ưu đãi để đầu tư vào năng lượng xanh không khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn so với phụ thuộc vào giá than và khí hóa lỏng, vốn biến động và đắt đỏ".
Chiều 17-5, giờ Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt thân tình với kiều bào tiêu biểu, có đóng góp với đất nước tại San Francisco, bang California nhân chuyến thăm và làm việc tại Mỹ.