Quần đảo Hoàng Sa

Chia sẻ Facebook
11/10/2022 09:48:25

Quần đảo Hoàng Sa là đất của Việt Nam, hoặc nói cho hợp hơn, là đất của Đại Việt từ khi dân Việt định cư ở phủ Tư Nghĩa, tức là đất Quảng Ngãi ngày nay.


Bút chứng cũ nhất và đầy đủ nhất thấy trong sách “Phủ Biên Tạp Lục” , Lê Quý Đôn soạn vào năm 1776, với những tư liệu của các Chúa Nguyễn. Sau đó, các sử gia, địa gia đời vua Nguyễn đều dựa theo đó và thêm thắt việc mới vào. Về đồ vẽ, các “bản đồ”“lộ đồ” đời Lê cũng có ghi một cách sơ sài cái “bãi cát vàng” hoặc “bãi Trường Sa” ấy.

Sau đây tôi sẽ trích văn dịch từ bản của Viện sử học Hà Nội xuất bản năm 1964 (Hoàng Lộc dịch, nhà xuất bản Khoa học phát hành). Muốn cho văn dịch rõ nghĩa, tôi có sửa chấm câu và có thêm một vài chữ để trong hai dấu ngoặc.

Trích văn gồm hai đoạn, một ngắn, một dài.

Đoạn đầu, trang 119:

“Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, có núi gọi là Cù lao ré, rộng hơn 30 dặm. Trước có phường Tứ chinh, dân cư trồng đậu. Ra biển bốn canh thì đến.

“Phía ngoài nữa lại có đảo Đại Tràng Sa. Trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu (bị đắm), (đã) lập đội Hoàng Sa để lấy. Đi ba ngày đêm thì mới đến. (Ấy) là chỗ gần xứ (không đúng ý) Bắc Hải.

Đoạn sau, trang 123:

“Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển. Ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày, hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt.

“Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Bên đảo có vô số yến sào. Các thứ chim có hàng nghìn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi, to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, các vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà. Có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng. Lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được.

“Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là trắng bông (hình) giống đồi mồi mà nhỏ, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng. Trứng bằng đầu ngón tay cái, có thể muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bên bãi. Lấy về, dùng vôi xát qua, bỏ ruột, phơi khô. Lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi; nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.

“Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước, họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào. Cắt phiên, mỗi năm cứ tháng 2, nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng. Đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy, tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu (đắm), như gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ. Đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hạt ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào Cửa Eo đến thành Phú Xuân nộp. Cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng, trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định. Cũng có khi về người không.


“Tôi đã xem sổ của một cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu, biên rằng: “Năm Nhâm Ngọ (1762) lượm được 30 hốt bạc (12 ki-lô); Năm Giáp Thân (1764) được 5100 cân thiếc (3 tấn, 24); năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỉ Sửu đến năm Quí Tỵ (1769-1773) năm năm ấy, mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được khối thiếc, bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi”.

“Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ chinh ở Bình Thuận (trên kia có phường Tứ chinh ở Cù lao Ré) hoặc người xã Cảnh Dương (ở Quảng Bình?) ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần, đò. Cho đi thuyền câu nhỏ ra xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu (đắm) và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm. Cũng sai cai đội Hoàng Sa cai quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc, của quí, ít khi lấy được.

“Hoàng Sa chính gần phủ Liêm châu đảo hải Nam. Người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc Quốc, hỏi nhau ở trong biển.Tôi đã thấy một đạo công văn của quan chánh đường huyện Văn Xương (thuộc) Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng “Năm Kiên Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh, đội Cát liềm, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam, ngày tháng 7 đến Vạn Lý Tràng Sa tìm kiếm các thứ. Có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng. Quan ở đây xét thật, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thức-lượng hầu làm thư trả lời”.

(Hết lời Lê Quý Đôn)


Về vụ cuối này, sách “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên” quyển 10, trang 24 bản khắc của Quốc sử quán, soạn vào đời Minh Mạng có chép sơ lược hơn. Chính văn dịch như sau:

“Năm Giáp Tuất (1754 chứ không phải 1753) mùa thu tháng 7, dân đội Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi cưỡi thuyền đi quần đảo Hoàng Sa, gặp gió to, giạt vào hải phận Quỳnh Châu thuộc nước Thanh. Quan tổng đốc nước Thanh cấp cho hậu và sai đưa về. Chúa sai viết thư gửi trả lời.”


So với lời Lê Quý Đôn, thì cái thời điểm tháng 7 năm Giáp Tuất là lúc trả lời, một năm sau khi thuyền đội Hoàng Sa bị nạn. Trong sách “Thực Lục” có thêm chú thích về quần đảo và đội Hoàng Sa. Lời gần như trích ở sách “Phủ biên” nhưng rút ngắn. Có thêm rằng “tên tục là bãi Vạn Lý Tràng Sa”.


Sách “Hoàng Việt địa dư chí” bản khắc năm 1833, tức là phần “Dư địa chí” của tập “Lịch Triều Hiến Chương loại chí” tác giả là Phan Huy Chú, cũng đã lược văn của Lê Quý Đôn mà viết hai mục Bãi Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa trong phần viết về phủ Tư Nghĩa (quyển 1 trang 10b).


Các bản đo vẽ đất ta thời Lê tuy rất sơ sài và bất xác, nhưng đã muốn ghi rõ đất Hoàng Sa. Những bản đồ ấy chắc cũng có một gốc trước khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, có lẽ từ đời Lê Thánh Tông. Nhưng những bản còn lại ngày nay đều có thêm những sự thay đổi sau khi Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhất là những dinh lũy của hai họ xây dựng trên đất Nam Nghệ An và Bắc Quảng Bình. Các bản đồ ấy đều vẽ trên bể trước đất Quảng Ngãi một dải đất dài có đề tên hoặc Đại Tràng Sa hoặc bãi cát vàng. Theo những bản vẽ thì nó ở áp gần các cửa sông Tam Kỳ, sông Trà Khúc, sông Vệ, hình như một bãi cát lớn. Nhưng sự thực thì, như thấy rõ trong các bản đồ ngày nay, trong khoảng bờ bể Việt Nam này không có bãi cát dài như những bãi Tiểu Tràng Sa và Đại Tràng Sa dọc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên. Henri Maspéro có để lại một sách “Toản tập Thiên nam lộ đồ” (các bản khác có thêm hai chữ “Tứ chí” nghĩa là đi bốn phương) vẽ năm Cảnh hưng thứ 2, 1741. Trong sách này, bãi cát ấy mang tên Tràng Sa và trên hình nó có thêm ba chữ “Quá nhất nhật” , nghĩa là đi đến đó phải hơn một ngày. Hình đảo ở xa ngoài bể. Giữa khoảng bể từ cửa Sa Kỳ (cửa sông Tam Kỳ) đến bãi Tràng Sa có vẽ hình một đảo có núi đề tên Du Tràng Sơn (viết lầm ra chữ Tràng là dài, chính phải viết chữ Trường là xưởng, là nhà…). G.Dumontier đã vẽ lại trong sách “Étude sur un Portulan Annamite du XV siècle” một bản đồ tuy cùng gốc với sách nói trên, nhưng có nhiều chi tiết hơn Bức XIX có vẽ bãi cát đề tên Bãi Cát Vàng, và đảo Du Trường nhưng chữ Trường lại lầm ra chữ Ái vì tự dạng (trong sách này còn có khá nhiều chữ lầm như vậy: trong bức này, huyện Mộ Hoa đã lầm ra Qui Hoa vì tự dạng). Đảo Du Trường này chắc là Cù Lao Ré ngày nay, thuộc phường An Vĩnh phụ trách việc đội Hoàng Sa, mà tên nôm là Cát Vàng (theo Tabert thì gọi là Cồn Vàng. Bản “Giao Châu chí” , cũng của H.Maspero để lại, là do tay tiến sĩ Nguyễn Tông vẽ, có bức đồ Quảng Nam xứ (đời Lê) với hình Bãi cát vàng ở xa ngoài khơi.

Xét các bức đồ ấy, thì ta chắc rằng trong ý địa đồ gia xưa, Đại Tràng Sa hay là Bãi Cát Vàng đều trỏ quần đảo Tràng Sa hoặc Hoàng Sa hoặc vạn lý Tràng Sa mà người Âu gọi là parcel hay Paracel. Và trong các địa đồ của Âu châu đang thời khi vẽ Paracel cũng vẽ như một bãi cát rất dài chắn trước hải phận phần giữa nước ta.


Sách “Hồng Đức bản đồ” xuất bản ở Sài Gòn năm 1963 cũng chỉ là một toản tập những địa đồ nước ta đến cuối đời Lê. Nhân tiện, xin mách một sự lầm trong sách ấy về tên vị đốc suất Đoan Quận Công sai vẽ bản “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” . Đó không phải là Nguyễn Hoàng như chú thích ở trang 139 đã ghi. Ấy là Bùi Thế Đạt, làm đốc suất coi trấn Nghệ An năm Giáp Ngọ 1774 (Đại Việt Sử kí tục biên). Vậy những bản đồ này vẽ năm ấy. Tuy ở trang 149 có vẽ bãi, trên đề: Đại Tràng Sa dĩ hạ, nhưng hình như chỉ muốn nói bờ bể từ cửa sông Thu Bồn đến cửa sông Tam Kỳ mà thôi.


Lại có sách “Thuận Hóa Quảng Nam địa đồ Nhật trình” nối sau bản “Giao Châu chí”. Về bãi Tràng Sa, vẽ ở ngoài xã Du Trường (Cù lao Ré), có đề: “Bãi Tràng Sa hành nhị nhật. Tam tổng cư thử, đa điền sản” , nghĩa là: đây là bãi Tràng Sa, đi hai ngày; ba tổng ở đó, có nhiều vật ở ruộng sinh ra. Hoặc giả phải đọc hải sản thay Điền sản chăng? Còn nói đến ba tổng thì ý ra sao. Hoặc có tổ chức Hoàng Sa chia ra làm ba tổng chăng?


Kết luận về các bản đồ trước đời Gia Long cho biết rằng “Bãi” Tràng Sa, hoặc Cát Vàng được coi là phần quan trọng của đất Việt.

Đời Gia Long, tháng Giêng năm Ất Hợi 1815, sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường bể (Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỉ, quyển 50). Ý chừng bấy giờ, thấy các người Tây dương chiếm các đất chung quanh bể Đông, cho nên triều Nguyễn đã sai đội Hoàng Sa ra đó để biểu thị bản quyền về Việt Nam.


Trong tờ báo của “Á Châu hội” của người Anh tại xứ Bengale, linh mục Itabert đã có viết bài dài về Việt Nam trong hai số báo, số 6 và số 7. Về Hoàng Sa, nguyên văn bằng Anh ngữ như sau:

Pracel or Paracels (Cồn vàng)

Although this kind of archipetago presents nothing but rocks and great depths which promises more inconveniences than advantages, the king Gia Long thought he had increased his dominions by this sorry addition. In 1816, he went with solennity to plant his flag and take formal possession of these rocks, which it is not likely anybody will dispute with him.

(Note on the geography of Cochinchina by the Right Rev, Jean Louis, Bishop of Isauropolis. Vic. Apost. Of Cochin China – The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI, page 745)

Dịch nghĩa:

Pracel hoặc Paracels (Cồn Vàng). Tuy rằng cái thứ quần đảo này không có gì ngoài đá tảng và những cồn lớn nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn lợi, vua gia Long đã nghĩ tăng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ ông và chính thức giữ chủ quyền các hòn đá này, mà hình như không một ai tranh giành với ông.


Trong bài “Geography of the Cochinchinese empire” đăng trong tập san “Journal of the Geographical Society of London” , Gutzlaff có chép khá dài về Hoàng Sa. Nguyên văn như sau:

“We should not mention here the Paracels (Katvang) which approach 15-20 leagues to the coast of Annam, and extend between 15-17 N. lat. and 111-113 E. longitude, if the king of Cochinchina did not claim these as his property, and many isles and reefs, so dangerous to navigators. Whether the coral animals or other causes contribute to the growth of these rocks we shall not determine; but merely state that the islets rise every year higher and higher, and some of them are now permanently inhabited, through which the waves, only a few years ago, broke with force. They would be no value if the fisheries were not very productive, and did not remunerate all the perils of the adventurer. From time immemorial, junks in large number from Haenan, have annually visitted all these shoals, and proceeded in their excursions as far as the coast of Borneo. Though more than ten percent are annually wrecked, the quantity of fish taken is so freat as to ensure all loss, and still leave a very good profit. The Annam government, perveiving the advantages which it might derive if a toll were raised, keeps revenue cutters and a small garrison on the spot to collect the duty on all visitors, and to ensure protection to its own fishermen. A considerable intercourse has thus gradually been established, and promises to grow in importance on account of the abundance of fish which come to these banks to spawn. Some isles bear a stunted vegetation, but fresh water is wanting; and those sailors who neglect to take with them a good supply are often put to great straits.

(vol. the 19 – 1849 – page 93)

Dịch nghĩa:

“Đây chúng tôi đáng lẽ không kể đến quần đảo Cát Vàng nó ở gần bờ be An Nam 15 đến 20 dặm và lan giữa các vĩ tuyến 15 và 17 độ Bắc, và các kinh tuyến 111 và 113 độ Đông, nếu vua xứ Cochin-China đã không đòi quần đảo ấy là của mình, với nhiều đảo và ghềnh rất nguy hiểm cho người hàng hải. Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần; nhưng rõ ràng nhận thấy rằng các đảo ấy càng năm càng cao, và một vài cái bây giờ đã có người ở vĩnh viễn, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh đập qua. Những đảo ấy đáng lẽ không giá trị nếu nghề chài ở đó không phồn thịnh và không bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu. Từ lâu đời, những thuyền phần lớn từ Hải Nam tới, đã hằng năm đến thăm các bãi nổi này và tiến hành cuộc viễn du xa xa đến tận bờ đảo Borneo. Tuy rằng hằng năm hơn phần mười bị đắm, nhưng cá đánh được rất nhiều, đến nỗi không những bù hết mọi thiệt thòi, mà còn để lại món lợi rất to. Chính phủ An Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế đã đặt ra, bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này mà mọi người ngoài tới đây đều phải trả, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc. Vậy nên, một cuộc giao dịch lớn được dần dà gây nên và có cơ bành trướng nhờ sự có rất nhiều cá tới trên các bãi này đẻ trứng. Một vài đảo có cây cối cằn cỗi, nhưng thiếu nước ngọt; và những thủy thủ nào quên mang theo nước trữ đầy đủ, thường bị lâm vào cơn khốn đốn lớn.

(Trích “Tập san Á châu hội tại London” năm 1849) J. B.

Chaigneau (nguyễn Văn Thắng) đã ghi lại chuyện vua Gia Long khẳng định bản quyền trên quần đảo Hoàng Sa, nguyên văn bằng tiếng Pháp ngữ như sau:

“La Cochinchine don’t le sourverain prote aujourd’hui le titre d’empereur, comprend la Cochinchine proprement dite, le Tonquin, une portion du Royanme de Cambode, quelques isles habitées peu éloignées de la cote et l’archipel de Paracel, composé d’ilots d’écueils et de rochers inhabités. C’est senlement en 1816, que l’empereur actuel a pris possession de cet archipel.

(Le mémoire sur la Cochinchine par J. B. Chaigneau)

Bulletin des Amis du Vieux Hué, No 2, 1923, page 257

Lời dịch:

Nước Cochinchine mà vua bây giờ lấy hiệu Hoàng đế gồm xứ Cochinchine thật hiệu, xứ Đông Kinh, một phần xứ Cao Miên, một vài đảo có dân cư không xa bờ bể và quần đảo paracel hợp thành bởi những tiểu đảo, ghềnh, đá không dân cư. Chỉ đến năm 1816, mà Hoàng đế bấy giờ mới lấy chủ quyền trên quần đảo ấy.


Đời Minh Mạng, triều đình chú tâm đến Hoàng Sa về phương diện che chở thuyền mành và thủy thủ trong hải phận quần đảo ấy. Thủy thủ tất cả mọi nước khi qua Đông Hải đều rất sợ quần đảo Hoàng Sa. Nhiều tàu bể bị cạn hoặc bị đắm trong vùng ấy. Eugène Chaigneau, cháu điệt Nguyễn Văn Thắng (Jean Baptiste chưởng cơ quản tàu Phi Long đời Gia Long) khi sang làm phó lãnh sự ở nước ta năm 1830 đi tàu Saint Michel bị đắm ở đó. Lời y kể (trích từ “Le Consulat de France à hué par H. Cordier”, trang 127): “Khốn nỗi, tàu này đã đắm ngày mồng 9 tháng 8 năm 1830 trên ghềnh đá thuộc Paracels cách Tourane chừng 80 hải lý (450 km)…”

Tháng 8 năm Quí Tỵ 1833:

“Vua (Minh Mạng) bảo bộ Công rằng: “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu lập bia, và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người ta dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời.”


(Đ.N.T.L. Chính biên Đệ nhị kỷ quyển 104,
Theo bản dịch nhà xuất bản Khoa học Hà Nội 1965 Tập 13, trang 53)

Tháng ba năm sau 1834:

“Sai giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ. Khi trở về, vua hỏi về những thứ sản vật ở đấy. Sĩ tâu: “Nơi này là bãi cát giữa bể, man mác không bờ, chỉ có người nhà Thanh đi lại đánh cá bắt chim mà thôi”. Nhân đem dâng vua những thứ chim cá, ba ba, ốc, sò, ngao, đã bắt được ở nơi đó, đều là những vật lạ ít thấy “Vua vời thị thần đến xem và thưởng những những người đi về, tiền bạc, có khác nhau.”

(Sách trên, quyển 122, bản dịch quyển 14, trang 189)

Ý vua Minh Mạng muốn xây miếu thờ thần bể ở Hoàng Sa phải đợi đến năm sau mới thi hành được. Một sự ngạc nhiên là phát giác rằng trước đã có miếu, có bia rồi. Sách ĐNTL chép: về tháng 6 năm Ất Mùi:

“Dựng đền thờ thần (ở đảo) Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um. Giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ VẠN LÍ BA BÌNH.

“Chú thích: Cồn Cát trắng chu vi 1070 trượng (5 cây số), tên cũ là núi Phật tự. Bờ đông , tây, nam, đều đá san hô, thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc giáp với một cồn toàn đá san hô sừng sững nổi lên, chu vi 910 trượng (1 cây số rưỡi), cao một trượng ba thước (6,11 mét), ngang với Cồn Cát. Tên gọi là Bàn Than thạch

“Năm ngoái, vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, cách toà Miếu cổ 7 trượng (33 mét). Bên tả Miếu, dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong, rồi về.

(Sách trên quyển 154, bản dịch quyển 16, trang 309)


Sách “Đại Nam Nhất thống chí” quyển Tỉnh Quảng Ngãi chép khá dài về đảo Hoàng Sa, đại để lặp lại những chi tiết đã thấy trong “Hoàng Việt địa dư ch픓Đại Nam Thực Lục” nhưng cũng cho biết thêm một vài điểm: một là Hoàng Sa cũng gọi là Hoành Sa, nghĩa là bãi bể chắn ngang; hai là:

“Năm Minh mệnh thứ 16 (tức là 1835, xem trên), sai thuyền công chở gạch đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả, hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn hai nghìn cân (1,3 tấn)”.

(Bản dịch Viện Sử học Hà Nội 1970, quyển 2, trang 370)


Về những biến cố liên quan đến quần đảo Hoàng Sa về thời Pháp thuộc và sau vụ đại chiến tranh 1939-1945, giáo sư Nguyễn Khắc Kham đã trình khá tường trong bài “Lịch sử hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Cuối cùng tôi xin mách một bút ký cảm tưởng sợ hãi của thủy thủ Việt đối với Hoàng Sa trong khi vượt bể.

Năm 1832, một sai nhân Việt đi tàu sang Phi Luật Tân, suýt bị cạn ở Hoàng Sa. Ấy là Lí Văn Phức, một văn nhân rất có tiếng đời Minh Mạng. Ông đã ghi cảm tưởng kinh khủng khi thấy bóng bãi cát ấy trong bài tựa và bài thơ đề:

“Vọng kiến Vạn Lý Tràng Sa tác. Bài tựa rằng:

“Vạn Lý Tràng Sa là một dải cát trắng từ bể nổi lên, phía tây tiếp dương phận trấn Quảng Ngãi, phía giáp đông dương phận nước Lữ Tống (Lưu xông), phía bắc tiếp dương phận các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Giằng dặc kéo ngang, không thể lường đo được. Ấy là chỗ rất hiểm đệ nhất có tiếng từ xưa đến nay. Tàu thuyền qua đó, thường thường kiêng dè sự không thấy nó. Ấy vì chân bãi cát ra rất xa. Một khi lầm (đi đụng phải) thì không thể trở lại.

“Ngày 14 tháng 5 năm Nhâm Thìn (1832), thuyền (Định Tường) rời khỏi cõi Quảng Ngãi, đã vào hải phận trấn Bình Định. Trù tính là không lầm, một đường thẳng vo, lấy hướng kim Mão Ất (đông, hơi xế nam) mà tiến. Không dè gió trái, nước xiết, con thuyền không tiến. Thình lình trưa hôm sau, ngóng trông thấy nó. Sắc cát lờ mờ, khắp chân trời đều trắng. Tất cả người trên thuyền, trong lòng bừng bừng, nước mắt rưng rưng. Trên thuyền, ngoảnh hỏi đà công (người cầm lái). Y là một tay lão luyện Tây dương. Nó nói rằng: lấy thước Đạc Thiên (lục phân, sextant) mà đo thì may thuyền chưa phạm vào chân bãi cát, còn chuyển buồm kịp.

“Bèn lấy hướng kim Dậu (Tây), nhằm Quảng Ngãi mà lùi. May nhờ phúc lớn của triều đình, về đến cửa bể Thái Cần mà tạm đỗ. Cuối cùng không việc gì.


(Sách “Đông hành thi thuyết thảo” của Lí Văn Phức)


Hoàng Xuân Hãn
Trích “Tập san Sử Địa” số 29 – Đặc Khảo về Hoàng Sa – Trường Sa


Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Các vua chúa trước đây vẫn chú trọng bảo vệ biển đảo


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook