Quan chức Ukraine kêu gọi Gruzia mở 'mặt trận thứ hai' với Nga
Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đề xuất Gruzia "mở mặt trận thứ hai" nhằm vào Nga để thể hiện sự ủng hộ với Kiev.
Trong chương trình phát trên kênh 1+1 ngày 26/3, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov kêu gọi các nước "mở mặt trận thứ hai" nhằm vào Nga để "cung cấp hỗ trợ chất lượng" cho Ukraine.
Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine là cơ quan xây dựng, điều phối chính sách về an ninh quốc gia cho tổng thống. Các thành viên hội đồng do tổng thống Ukraine bổ nhiệm, nhưng phải bao gồm thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng nội vụ, ngoại trưởng. Ông Danilov trở thành người đứng đầu hội đồng này từ ngày 3/10/2019.
Ông Danilov đề xuất Gruzia trở thành một bên tham chiến và tiến công Nga khi nước này "bận rộn ở Ukraine", đồng thời chỉ trích quan điểm trung lập của Tbilisi khi họ từ chối áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva do lo ngại tổn hại kinh tế.
"Gruzia đang hành xử không phù hợp", ông Danilov nói và kêu gọi Gruzia giành lại kiểm soát các vùng lãnh thổ ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia.
Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Gruiza bác bỏ đề xuất của ông Danilov. Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của quốc hội Gruzia Nikoloz Samharadze, thuộc đảng Giấc mơ Gruiza cầm quyền, thậm chí bày tỏ hoài nghi một quan chức cấp cao của Ukraine có thể đưa ra tuyên bố như vậy.
"Tôi mong đây là một lời nói dối. Thư ký hội đồng an ninh Ukraine kêu gọi Gruzia và các nước khác từ bỏ chính sách khôi phục toàn vẹn lãnh thổ một cách hòa bình để mở mặt trận thứ hai, rồi các thành phố và làng mạc sẽ bị phá hủy, phụ nữ và trẻ em Gruzia thiệt mạng. Thật không vậy?", ông Samharadze đăng trên Twitter.
Mikhail Sardzhveladze, một nghị sĩ đảng Giấc mơ Gruzia, đưa ra quan điểm tương tự và cho biết khơi dậy thêm các cuộc xung đột "sẽ không giúp ích hay giải tỏa cho Ukraine".
Quan hệ Nga - Gruzia luôn căng thẳng kể từ sau xung đột quân sự nổ ra vào tháng 8/2008, khi Gruzia tấn công hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia.
Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia từ ngày 8/8 và kết thúc sau 5 ngày giao tranh. Gruzia chịu thiệt hại nặng về lực lượng và cơ sở hạ tầng quốc phòng. Nga công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia song hầu hết cộng đồng quốc tế không coi là hợp pháp.
Nga duy trì hiện diện quân sự tại Abkhazia và Nam Ossetia, khẳng định đây là hành động phù hợp với nguyện vọng của người dân địa phương. Tuy nhiên, chính quyền Gruzia và phương Tây phản đối, cho rằng đó là hành động "xâm chiếm trái phép". Nga và Gruzia đã cắt quan hệ ngoại giao.
Nga ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukriane". Sau hơn một tháng, lực lượng Nga kiểm soát một số thành phố của Ukraine, đồng thời áp sát hoặc bao vây các đô thị khác.
Quân đội Ukraine ngày 28/3 cho biết một số đơn vị Nga đã rút khỏi ngoại ô thủ đô Kiev, qua khu vực Chernobyl để về Belarus tập hợp lại quân. Belarus là nước đồng minh thân cận của Nga, đóng vai trò là nơi tập trung quân đội, tên lửa và máy bay của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Điện Kremlin ngày 28/3 cho biết phái đoàn Nga - Ukraine sẽ đàm phán trực tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/3. Tuy nhiên, Moskva khẳng định các cuộc đàm phán đến nay chưa đạt được bất cứ đột phá hay tiến triển thực chất nào.
Nguyễn Tiến (Theo RT )