Quan chức Bộ Tài chính: Mỹ thiếu công cụ ngăn chặn trộm cắp công nghệ từ TQ

Chia sẻ Facebook
01/06/2023 16:57:26

Theo một quan chức của Bộ Tài chính, Hoa Kỳ đang thiếu một công cụ hiệu quả để chống lại hoạt động gián điệp lan rộng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ do chế độ cộng sản Trung Quốc gây ra.

Tại phòng máy chủ của Symantec tại thành phố Culver, California, công ty đã tìm thấy bằng chứng hacker Trung Quốc chiếm được công cụ mạng của NSA (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Paul Rosen, sau nhiều năm cạnh tranh với Trung Quốc và tình trạng trộm cắp tài sản trí tuệ đang diễn ra, Hoa Kỳ vẫn không phát triển các công cụ cần thiết để ngăn chặn việc công nghệ nhạy cảm của nước này tiếp tục bị chuyển giao sang Trung Quốc.


“Chúng ta có nguy cơ để lại lỗ hổng đối với một số mối quan ngại về an ninh quốc gia,” ông Rosen phát biểu trong phiên điều trần ngày 31/5 của Ủy ban Thượng viện về Các vấn đề Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị.


Ông cho biết thêm Chính quyền Biden đã cam kết “sốt sắng” bảo vệ các lợi ích an ninh của Hoa Kỳ và sẽ ưu tiên những lợi ích đó hơn phát triển kinh tế nếu cần, nhưng đòi hỏi nhiều công cụ hơn để có thể làm được như vậy.


“Hoa Kỳ sẽ đảm bảo lợi ích của chúng ta cũng như lợi ích của các đồng minh và đối tác của chúng ta.”


“Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp với những lo ngại về an ninh quốc gia, ngay cả khi buộc phải đánh đổi bằng lợi ích kinh tế,” trích lời ông Rosen.

Phát ngôn của ông Rosen xác nhận lời khai chuyên môn được đưa ra trước Quốc hội Hoa Kỳ vào năm ngoái, trong đó tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tham gia vào các hoạt động chống cạnh tranh cũng như chống thị trường tự do trên phạm vi toàn cầu, và Hoa Kỳ thiếu các công cụ phi an ninh thích hợp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Các chính sách ‘có lợi’ cho doanh nghiệp

Thượng nghị sĩ Sherrod Brown, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về Các vấn đề Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị, nhận định rằng Hoa Kỳ đã thúc đẩy một hệ thống chính sách trong suốt nhiều thập kỷ giúp củng cố sức mạnh của Trung Quốc bằng cái giá phải trả của người dân Mỹ. Ông nói, các cuộc đấu tranh hiện tại của quốc gia nhằm chống lại Trung Quốc là do các chính sách mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thay vì phúc lợi của người Mỹ.


“Đã quá lâu, chính sách của chúng ta đối với Trung Quốc phục vụ cho các tập đoàn đa quốc gia và các gia đình không lao động. Nó đã phá hủy các cộng đồng địa phương, nó làm xói mòn cơ sở sản xuất và khả năng cạnh tranh quốc tế của chúng ta,” trích lời ông Brown.


Ông Brown phân tích thêm rằng những nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ “ biết trước” các tập đoàn sẽ cắt giảm hàng triệu việc làm của nước này để ủng hộ lao động giá rẻ ở Trung Quốc, nhưng vẫn trao cho chế độ cộng sản này quy chế thương mại tối huệ quốc vĩnh viễn vào những năm 1990. Kể từ đó, các chính quyền đã liên tiếp thất bại trong việc điều chỉnh sự mất cân bằng theo hướng có lợi cho Trung Quốc.


Vì thế, theo ông Brown, “những rủi ro do ĐCSTQ gây ra” đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức.


“Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng Trung Quốc là một mối đe dọa thực sự và đang gia tăng. Ủy ban của chúng ta phải đóng vai trò lãnh đạo trong việc chống lại mối đe dọa đó.”

Thượng nghị sĩ Tim Scott, thành viên cấp cao của Ủy ban, đồng ý với nhận định này, nhưng cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang “khuyến khích ngược lại” cho các công ty xây dựng trụ sở ở Trung Quốc trong khi không khuyến khích kinh doanh tại quê nhà do các quy định quá chặt chẽ.

Theo ông Scott, trong bối cảnh hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, các hoạt động thương mại không công bằng và các nỗ lực khác nhằm làm xói mòn sự đổi mới của Mỹ là một mối đe dọa, thì Hoa Kỳ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để buộc các công ty công nghệ xây dựng hoạt động của họ tại nước này thay vì chuyển giao chúng cho Trung Quốc.


Ông nói: “Sẽ không bao giờ có một thế giới mà một doanh nghiệp thấy rằng Trung Quốc là nơi dễ làm ăn hơn hoặc là một môi trường kinh doanh tốt hơn. Nỗ lực thúc đẩy an ninh quốc gia sẽ không bao giờ thành công nếu chính phủ làm suy yếu an ninh kinh tế và cơ hội kinh tế của những người dân Mỹ bình thường.”


Vy An (Theo The Epoch Times)

Ông Blinken kêu gọi TQ 'mở đường dây liên lạc' sau sự cố máy bay Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken kêu gọi Bắc Kinh đồng ý tăng cường liên lạc sau sự cố máy bay chiến đấu vào tuần trước.

Chia sẻ Facebook