Quán cà phê 'review' vùng heo hút
Huyện biên giới Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn là một nơi cách trở đối với nhiều người. Nhưng hiện tại trên Google và mạng xã hội xuất hiện một quán cà phê được đánh giá 5 sao đang thu hút giới trẻ.
Chúng tôi tò mò chẳng hiểu ở vùng đất hẻo lánh như vậy vì sao lại có quán cà phê nhận được đánh giá cao đến vậy.
Nhưng khi "mục sở thị", thật bất ngờ khi đó là tâm huyết của bốn chàng trai sinh ra và lớn lên ở miền biên viễn này.
Tất cả muốn "review" vùng đất mình sinh sống, giới thiệu với mọi người về quê hương mình và xa hơn là giấc mơ biến Hướng Hóa thành điểm du lịch hút khách. Bởi họ tự hào quê hương mình có nhiều danh thắng tuyệt đẹp nhưng chưa được "phát lộ" trên bản đồ du lịch.
Thêm một vị khách, thêm nhiều hy vọng
Quốc lộ 9 nối từ TP Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo, khi đến xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (giáp giới với thị trấn Khe Sanh) một đoạn đường bỗng có rất đông xe cộ dừng đỗ bên đường, có cả xe của những người dân ở nước bạn Lào sang Việt Nam uống cà phê. Quán có tên Homi. Nhìn vào lượng khách đông nghịt có thể hiểu được sức hút của quán.
Đứng trong quầy, anh Nguyễn Viết Duy (26 tuổi) đang tất bật pha chế. Chàng trai trẻ này là một trong bốn đồng chủ quán, cũng kiêm luôn nhiệm vụ đứng quán, pha chế tất cả các món nước.
Duy bảo rằng đã học qua pha chế và tự tay pha chế, đảm bảo khách tận hưởng những món nước, cà phê ngon nhất. "Quán tụi em lập được 18 tháng. Em là trẻ nhất, còn thêm các anh Nguyễn Ngọc Lân, Nguyễn Quang Cường, Hồ Văn Lành (cùng 29 tuổi).
Bốn tụi em góp vốn mở quán để làm điểm dừng chân cho du khách, mong mọi người biết nhiều hơn về cảnh đẹp và các sản vật của Hướng Hóa. Nhất là cà phê arabica được người Pháp mang đến trồng từ năm 1926", Duy chia sẻ.
Chúng tôi choáng khi Duy cho biết mỗi ngày quán đón từ 400 đến 1.500 khách. Duy bảo rằng đến 90% khách từ các nơi khác đến, phần lớn là lần đầu đến Hướng Hóa và dừng chân tại quán, càng vui hơn nữa khi mọi người đều đánh giá quán rất cao.
Điều đó làm Duy thấy hạnh phúc bởi "thêm một vị khách là thêm nhiều hy vọng" cho vùng đất còn heo hút, vời vợi xa này.
Bốn chàng trai bắt đầu làm quán cà phê này ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh. Người khởi đầu ý tưởng là anh Nguyễn Ngọc Lân. Anh Lân vốn là một người chụp ảnh.
Trong một lần tình cờ anh Lân bay flycam và phát hiện từ vị trí quán cà phê nhìn xuống thung lũng rộng lớn rất đẹp khi dòng suối Tà Đù lững lờ trôi, phía xa xa là những triền đồi xanh tít tận tầm mắt.
Nhận thấy đây là nơi có thể làm điểm dừng chân cho du khách đến Hướng Hóa thưởng lãm cảnh đẹp, anh Lân bàn với 3 người bạn vừa đi tình nguyện trong Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 về. Tất cả đều hứng thú với phương án làm quán cà phê tại sườn núi cho du khách ngắm mây trời biên viễn.
"Tôi đi uống cà phê ở nhiều nơi, nhận ra cà phê arabica ở Hướng Hóa rất ngon có thể mời du khách thưởng thức.
Hơn nữa, tôi nhận ra du lịch ngày một trẻ hóa, nhiều vùng đất được biết đến nhờ vào một điểm du lịch, quán xá thơ mộng, dễ thương được các bạn trẻ review trên mạng xã hội. Chúng tôi cũng muốn Hướng Hóa có một nơi "check-in" và lan tỏa để nhiều người biết về quê mình", anh Lân tâm tình.
Tôi tò mò về Hướng Hóa
Sứ mệnh của quán cà phê trở thành nơi review về Hướng Hóa của bốn người trẻ rất thành công khi nhiều du khách ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng cũng tìm đến đây. Chị Nguyễn Tú Trang Thơ (Hải Phòng) bảo rằng trước đây chị không có "dữ liệu" về Hướng Hóa.
Trong một lần xem người anh họ đi công tác về đăng một số hình ảnh quán cà phê Homi với mây vờn dưới thung lũng đã khiến chị tò mò tìm hiểu. Cũng từ những hình ảnh ấy đã đưa Hướng Hóa vào trong chuỗi đi xuyên Việt lần này của nhóm.
"Phải nói là chúng tôi không uổng công khi lên vùng núi này. Tôi thật sự thích cách các bạn trang trí quán và cả không gian ở đây. Đẹp hơn cả hình ảnh tôi thấy trên mạng", chị Thơ nói.
Nhóm của chị Thơ chỉ tay về phía tấm biển gỗ trong quán giới thiệu "thác chênh vênh, 5 mùa bungalow, cây cô đơn, đèo Cu Vơ, vườn hoa điện gió, Homi camping" và bảo rằng sẽ lấy bớt thời gian ở Huế và Đà Nẵng để ở lại Hướng Hóa thêm một ngày.
Bởi nơi này còn hoang sơ và xứng đáng để trải nghiệm thay vì đến các thành phố lớn tận hưởng tiện ích 5 sao.
Cũng giống như nhóm chị Thơ, anh Trịnh Xuân Đức từ Hà Nội vào Quảng Trị công tác và cũng tìm đến quán.
Anh Đức bảo rằng không nghĩ Hướng Hóa lại đẹp như vậy, trước đây anh chỉ nghe đến địa danh Khe Sanh và Lao Bảo nhưng cũng không nghĩ hai nơi đó lại cùng ở huyện Hướng Hóa. Anh Đức hy vọng trong tương lai vùng đất này sẽ phát triển hơn nữa.
Khi biết quán cà phê của bốn người trẻ tạo nên, anh Đức nói: "Hy vọng các bạn trẻ lan tỏa năng lượng này đến các bạn trẻ ở các vùng lân cận để phát triển Hướng Hóa. Tôi rất khâm phục các bạn khi đã biến một nơi xa xôi thành điểm đến của rất nhiều du khách".
Quán không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn cả nước bạn Lào từ bên kia biên giới sang. Anh Khamtai Khomeai ở tỉnh Savannakhet (Lào) cùng nhóm bạn đến thưởng thức cà phê ở quán Homi. Khomeai nói tiếng Việt rất sành, anh bảo có kết bạn trên Facebook với rất nhiều người Việt Nam nên biết quán.
Trước đây, anh đã nhiều lần đến, thấy quán đẹp và mát mẻ nên lần này rủ bạn bè cùng đến uống cà phê và chụp ảnh.
"Tôi rất thích quán cà phê này, đây là một nơi đẹp mà cả gia đình tôi và bạn bè tôi nữa rất thích. Những ngày cuối tuần, chúng tôi thường đến đây, sau đó đi đến một số nơi khác ở Quảng Trị ăn uống cùng những người bạn Việt Nam của tôi", anh Khomeai nói.
Làm những việc nhỏ thôi
Chúng tôi không gặp được cả bốn chàng trai nhiệt huyết. Duy và Lân bảo rằng Cường và Lành "bận" đi khai phá những nơi heo hút nhưng xinh đẹp khác ở Hướng Hóa.
Anh Lân bảo bốn anh em chỉ làm những việc nhỏ thôi, nhưng nếu mỗi người góp một ý tưởng sẽ khơi dậy sức mạnh chung cho Hướng Hóa.
"Tôi nghĩ không có nơi nào heo hút cả, heo hút lớn nhất là ở suy nghĩ. Khi chúng ta chỉ nhìn thấy khó khăn sẽ không có chỗ cho những giấc mơ. Đã đến lúc những người trẻ ở Hướng Hóa hiện thực hóa giấc mơ cho vùng biên giới này", anh Lân tâm sự.
Tay cuốc, tay liềm với nụ cười rạng rỡ trên môi, chị Tòng Thị Hoài (bản Na Luông, Ẳng Nưa, Mường Ẳng, Điện Biên) đang là người đứng mũi chịu sào của một thương hiệu cà phê địa phương với quyết tâm đưa hạt cà phê thành đặc sản tầm quốc tế.