Quán bún măng vịt quận 8: Tô 30k ngập thịt, chủ lấy số lượng làm lời
Cứ tới giờ mở cửa, quán ăn với tuổi đời 3 năm lại đông nghẹt khách. Sự kết hợp hài hòa của bộ ba mang tên bún - thịt - nước lèo làm người đã ăn khó lòng mà quên được.
Tọa lạc tại địa chỉ 99A Tám Danh (phường 4, quận 8, TP.HCM), quán bún măng vịt chính gốc Gò Công được xem là "điểm dừng chân" lí tưởng của những người "nghiện" món này. Bên cạnh hương vị đặc trưng thì giá cả phù hợp với túi tiền chính là yếu tố giúp nơi đây thu hút được lượng lớn khách hàng dù chỉ mới mở bán được khoảng 3 năm.
Theo lời khuyên của em dâu, chủ quán đã tận dụng khoảng trống trước nhà để kinh doanh nên không mất tiền mướn mặt bằng. Bún măng vịt ở đây được nấu theo kiểu miền Tây. Ngoài bà chủ túc trực bên tủ đồ ăn cùng nồi nước lèo sôi sùng sục thì xung quanh còn có thêm 3-4 người phụ giúp một tay để khách hàng không phải chờ đợi quá lâu.
Tuy diện tích không quá rộng, chỉ đủ chỗ cho vài chiếc bàn nhưng quán này vẫn cho thấy khả năng hút khách đỉnh cao. Trong khoảng 2 tiếng đồng hồ mở cửa (từ 6h cho tới 8h), người tới ăn phải nói là xếp hàng "rồng rắn", từ trẻ con cho tới người già đều có đủ. Giờ cao điểm (6h30) thậm chí còn không có chỗ ngồi nên nhiều trường hợp phải chọn cách... gói mang về.
Chàng trai 10x bán bún bò khoe nhẹ gia đình "thầu hết chợ"
Nước lèo của quán được hầm từ thịt vịt nên độ đậm đà, thơm ngon là không cần bàn cãi. Đồ ăn kèm sẽ bao gồm các loại như vịt xé, vịt chặt, đùi, cánh, lòng, mề, huyết thường và huyết nếp... Vịt ở đây được lựa chọn kĩ càng, phải nặng hơn 3kg vì sau khi rút xương thì mỗi con chỉ cho khoảng 300g thịt nạc mà thôi. Chưa kể, chúng còn là vịt đồng nên thịt ăn dai và ít hôi lông.
Trung bình một tô bún được bán ra với mức giá 30.000 đồng. Vì chủ lấy số lượng làm lời nên chỉ với nhiêu đó tiền, mặt tô đã được lấp đầy bởi thịt. Trường hợp khách gọi thêm đồ ăn như mề hay huyết thì giá tiền mới tăng lên. Một lưu ý nhỏ là phần măng khô chỉ được cho vào tô khi khách yêu cầu chứ không có trong nồi nước lèo do người này ăn được còn người khác lại không.
Nhắc đến những tọa độ bún măng vịt "nổi đình nổi đám" ở Sài Gòn thì không thể bỏ qua Hồng Phương nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường 6, quận 10). Không có mặt bằng sang chảnh nhưng không gian rộng rãi, sạch sẽ cùng hương vị thơm ngon của món bún giúp nơi đây dễ dàng "bỏ bùa" thực khách. Mức giá cơ bản cho một phần bún măng ở đây là 40.000 đồng. Một điểm cộng khác là quán mở cửa gần như cả ngày, từ 7h sáng tới 23h đêm thay vì 1-2 tiếng như nhiều nơi khác.
Quán bún măng vịt 9/2 Đào Duy Từ (phường 17, quận Phú Nhuận) cũng làm "say lòng" biết bao thực khách. Nước dùng thanh ngọt, vịt chắc thịt đảm bảo ăn một lần là "dính". Điểm khác biệt là phần ăn ở đây sẽ bán theo các đĩa thịt còn bún/miến sẽ thành món ăn kèm. Mức giá bán ra cũng không quá đắt, chỉ dao động trong khoảng từ 30.000 - 95.000 đồng.
Phải có lí do thì giữa vô vàn những địa chỉ ở Sài Gòn, những hàng quán này lại "lọt vào mắt xanh" của những "người chơi hệ bún măng". Còn bạn thì sao, đã từng thử qua chỗ nào trong bộ ba đã nhắc tới ở trên chưa? Hãy chia sẻ ý kiến cùng chúng tôi nhé!
MẸO HAY GIÚP BẠN TỪ VỤNG VỀ THÀNH CHUYÊN NGHIỆP KHI NẤU NƯỚNG
Đi ăn ngoài hàng tiện thì tiện thật nhưng không phải ai cũng ưng cái bụng đâu. Trên thực tế, không ít chị em sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để "lăn vào bếp" chế biến những món ngon. Để chuyện bếp núc trở nên đơn giản và thuận tiện hơn, việc "bỏ túi" những mẹo nhỏ sau đây là cực kì cần thiết. Chúng bao gồm:
- Cho thêm vào nồi nước sôi một vài giọt nước chanh để rau giữ được màu xanh sau khi luộc. Áp dụng tương tự với việc luộc thịt, trường hợp không thích chanh, bạn có thể thay bằng giấm.
- Nên "bén duyên" cùng nồi áp suất nếu muốn xương/giò heo khi hầm được nhanh mềm. Trường hợp bất khả kháng phải sử dụng nồi thường, chị em cần chờ nước sôi, cho thêm nước đá vào nồi rồi đậy nắp.