Quận Ba Đình đề nghị giữ lại bức phù điêu ở tòa nhà Pháp cổ đang tháo dỡ
Cùng ngày Tuổi Trẻ có bài 'Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh Quảng trường Ba Đình', chiều 4-4, UBND quận Ba Đình đã có công văn đề nghị chủ đầu tư bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu ghi dấu lịch sử trên bức tường tòa nhà đang phá dỡ.
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh trong bài Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh Quảng trường Ba Đình , nhiều người yêu di sản Hà Nội đang ngỡ ngàng, tiếc nuối khi dãy nhà 2 tầng chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, cạnh Quảng trường Ba Đình, đang bị phá dỡ để xây cao ốc.
Dãy nhà nằm trên khu đất số 61 Trần Phú , đối diện với tòa nhà Văn phòng Quốc hội bên kia đường Trần Phú, cách Quảng trường Ba Đình chỉ vài trăm mét.
Đáng chú ý, trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ và thông tin cho biết chính tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5-1967.
Bức phù điêu nhắc nhớ về lịch sử hào hùng của những năm "thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ" với những cô gái "súng bên vai sao vuông đầu mũ", mắt tươi sáng và "chân bước hiên ngang" như trong lời bài hát Bài ca Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Thanh.
Nhưng khi tòa nhà đang bị phá dỡ thì trao đổi với Tuổi Trẻ Online , cả Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội và UBND quận Ba Đình đều cho biết không được hỏi ý kiến về việc bảo vệ bức phù điêu.
Các ý kiến chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trong bài báo nêu trên cho rằng Hà Nội ít nhất nên bảo tồn bức phù điêu này.
Ngày 4-4, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình tổ chức cuộc họp nghe đại diện Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) báo cáo về phương án bảo vệ bức phù điêu.
Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư cho biết dự án xây dựng công trình đa năng đã được UBND TP cấp giấy phép vào tháng 6-2017, hiện nay đơn vị thi công đang phá dỡ để triển khai thực hiện dự án.
Theo UBND quận Ba Đình, hiện nay bức phù điêu đang thuộc danh mục quản lý của UBND quận này.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, UBND quận Ba Đình đề nghị Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện và các đơn vị liên quan bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu, báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội và UBND quận Ba Đình về phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục bức phù điêu tại vị trí ban đầu trước khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Việc báo cáo phải hoàn thành trước 17h ngày 7-4.
Liên quan tới việc mất mát các di tích cách mạng, năm 2020, Hà Nội cũng phá dỡ ngôi biệt thự tại ngõ 128C phố Đại La thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai, nơi ghi dấu lịch sử là nơi phát thanh viên Ngân Thanh đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19-12-1946, là bản tin được dùng làm mật lệnh để cả nước nổ súng, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.
Nhiều người yêu di sản Hà Nội đang ngỡ ngàng, tiếc nuối khi dãy nhà 2 tầng chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, cạnh Quảng trường Ba Đình, đang bị phá dỡ để xây cao ốc.