Quái chiêu tạo hình nghệ thuật Đông Sơn: Cán dao găm đúc hình rắn và hổ nuốt chân voi
Có một điều lạ cần phải nói ngay: đây là loại dao găm rất hiếm của nghệ thuật Đông Sơn. Các loại dao găm Đông Sơn thì hiện tìm thấy...
Thứ tư, 18/01/2023
Cách đây gần 80 năm, phi công anh hùng người Pháp Saint-Exupery cho ra đời cuốn sách Le Petit Prince (Hoàng tử bé) mà sau này đã trở thành kiệt tác văn chương tầm thế giới. Truyện có nhiều tình tiết hấp dẫn đến bất ngờ, trong đó có hình minh họa – do chính tác giả vẽ – mà ai cũng tưởng là một chiếc mũ nhưng hóa ra một con trăn đang nuốt cả con voi to đang đứng. Phi lý! Nhưng đó là ý tưởng nghệ thuật được đánh giá cao và rất gần gũi với trường phái Siêu thực – Surrealisme đang rất “hot” thời ấy với các danh họa Salvador Dali, Max Ernst, René Margritte…
Chuyện “cá lớn nuốt cá bé” là phổ biến trong thiên nhiên. Tất nhiên ngược lại thì hiếm nhưng không phải không có: đó đây thi thoảng ta vẫn thấy những con vật nhỏ dám tiêu diệt con vật lớn hơn, mạnh hơn. Chỉ có điều rất ít khi người ta biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật, bởi sẽ dễ sa đà vào tả thật, gây cảm giác khó chịu vì rùng rợn mà lại trái quy luật. Nhưng nếu vượt qua được để nêu bật hiệu quả nghệ thuật thì sẽ gây ấn tượng mạnh – như minh họa của Saint-Exupery kể trên – nhằm đề cao trí tưởng tượng chứ không định miêu tả 2 con vật giết nhau.
Táo bạo và cao thủ hơn có kiểu tạo ra cấu trúc nghệ thuật với các động vật nuốt chân nhau nhưng không hàm ý tiêu diệt mà công kênh nhau lên để tôn vinh giá trị văn hóa của con người. Sáng tạo kỳ lạ như thế đã tạo nên biểu tượng huyền thoại thậm chí có tới 2 hay 3 tầng ý nghĩa! Ít ai ngờ rằng ý tưởng này lại nảy sinh từ thời Đông Sơn với những nghệ nhân – nghệ sĩ vô danh cách đây tận 2 thiên niên kỷ. Xét theo nhãn quan nghệ thuật hiện đại, chúng tôi dám tin rằng các cụ tổ nghệ sĩ của chúng ta không hề kém cạnh những danh họa của trường phái Siêu thực lẫy lừng thế giới! Chỉ tiếc phần ý nghĩa của biểu tượng thì lại bí truyền, hiện chưa học giả nào giải mã được một cách thuyết phục. Chúng tôi chỉ là họa sĩ, không có chuyên môn về lịch sử, khảo cổ và dân tộc học nên không dám lạm bàn, chỉ dám luận về giá trị nghệ thuật và văn hóa…
Nào, chúng ta cùng ngắm nghía mấy tác phẩm thiên cổ kỳ danh đó nhé…
1- Mấy cán dao găm kỳ lạ
Theo những thông tin phổ biến trên sách báo và mạng internet, hiện chỉ có 04 dao găm Đông Sơn kiểu này, đều được đúc đồng, cả cán lẫn lưỡi.
– Cán dao thứ nhất đúc đôi rắn (hoặc trăn) đang quấn nhau và vươn lên nuốt chân một con hổ, lưỡi dao có đồ án trang trí nét hoa văn hình học rất mạch lạc ở cả hai bên mặt. Tổng chiều dài của dao: 20cm.
– Cán dao thứ 2 vẫn đúc đôi rắn đang cuốn nhau và vươn lên ngậm chân một con voi đang mang trên lưng một khối hình trụ có eo thắt lại, tựa như trống đồng. Tiếc rằng dao này gãy mất mũi nhọn. Dao nặng 500g, tổng chiều dài 12,3cm, phần cán dài 6,8cm, phần lưỡi gãy nên chỉ còn 5,5cm, chiều ngang chỗ rộng nhất ở cán là 3,5cm (có nguồn tài liệu khác: tổng dài 12,6cm, cán dài 6,6cm, lưỡi còn 6,0cm).
– Cán dao thứ 3 đúc đôi hổ cùng đứng trên 4 chân sau, vươn lên áp bụng vào nhau để ngậm chân cùng vòi voi và giơ chân trước lên đỡ bụng con voi đó. Tiếc rằng một trong 2 thân hổ bị gãy ngang, phải gắn lại. Tổng chiều dài dao này là 27,5cm, riêng cán dài 12cm.
– Cán dao thứ tư rõ nét đôi hổ cùng đứng trên 4 chân sau, vươn cao, áp bụng, há miệng ngậm chân và đỡ một con voi đang đội cả một nhà sàn Đông Sơn trên lưng. Tổng chiều dài dao này là 35,9cm.
Mặc dù phần tượng kích thước rất nhỏ, chỉ tính bằng cm nhưng đặc điểm giống loài của động vật được biểu tả khá rõ nét. Đôi rắn quấn nhau là điều mà nhiều người đã từng thấy trong thiên nhiên. Đầu và miệng rắn cũng khá giống với rắn thực ngoài đời. Có tài liệu còn mô tả một con rắn có mào, con kia không – tức là tác giả chủ ý tả cặp rắn đực-cái. Con hổ bị rắn ngậm chân có nét vằn trên cổ và những nét vằn khác là tập hợp các chấm trang trí thành dải. Đôi hổ đứng ngậm chân voi còn rõ đặc điểm hơn nữa: đầu tròn, tai nhú, các khía vằn xẻ thành rãnh nông kế tiếp liên tục từ cổ xuống tận chân và đuôi; các rãnh ở thân hổ còn được dặm thêm dải chấm lõm rất rõ. Các bàn chân hổ đều xòe ngón. Voi rõ đầu, vòi, ngà, thân và 2 cặp chân chụm vào miệng hổ. Dù hình voi thứ hai gãy vòi và ngà nhưng cấu trúc đầu voi còn lại vẫn khó lẫn với con vật khác.
Ba dao găm 1-2-3 đang trong các bảo tàng Việt Nam. Riêng dao thứ tư, hầu như nguyên vẹn và rõ nét nhất, hiện thuộc về Bảo tàng Barbier-Mueller của thành phố Genève nổi tiếng tận bên nước Thụy Sĩ xa xôi.
2- Dao găm thứ 2 có cán đúc đôi rắn ngậm chân voi là Bảo vật quốc gia Việt Nam
Đây là hiện vật nhỏ nhất trong số 4 dao găm kể trên, tổng chiều dài chỉ có 12,3cm (hoặc 12,6cm, theo nguồn tin khác), so với 20cm, 27,5cm và 35,9cm của 3 dao kia. Đây cũng là con dao kém nguyên vẹn nhất trong số 4 con dao găm vì bị gãy mũi dao, con voi thì gãy vòi và ngà, hình kiểu trống đồng trên lưng voi thì sứt một miếng. Dao được khai quật tại di chỉ Làng Vạc năm 1973, từ đó đến nay lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An.
Ngày 25/12/2017 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đợt 6, dao găm kể trên đứng đầu (số 1) trong danh sách 24 bảo vật đợt này. Theo công bố trên mạng, “Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia”. Bản danh sách có ghi cụ thể về con dao găm này như sau: “Dao găm chuôi hình rắn ngậm chân voi (niên đại: cách ngày nay khoảng 2000-2500 năm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An)”. Đương nhiên phải có giá trị đặc biệt về văn hóa và lịch sử thì mới được công nhận là BVQG, chúng tôi xin phân tích sau.
3- Xuất xứ của 4 con dao găm có cán đúc hình động vật
Có một điều lạ cần phải nói ngay: đây là loại dao găm rất hiếm của nghệ thuật Đông Sơn. Các loại dao găm Đông Sơn thì hiện tìm thấy rất nhiều, nếu xét về hình thái tay cầm (cán hoặc chuôi), có thể chia ra 05 loại: thứ nhất có tay cầm đơn giản, chỉ để cầm nắm, không hề tạo dáng nghệ thuật, số lượng dồi dào, ước đoán đến hàng vài nghìn chiếc, hiện trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân; thứ hai với tay cầm có ý tạo dáng nhưng chỉ là khối hình học hóa, không tạo dáng động vật, số lượng có thể hàng trăm chiếc; thứ ba có tay cầm tạo hình người, rõ giới tính và trang phục, số lượng khoảng vài chục chiếc; thứ tư ước chừng khoảng chục chiếc với cán dao như loại thứ nhất hay thứ 2 nhưng đầu chót cán dao có gắn thêm tượng động vật cỡ mini như voi, gấu, người với ngựa, nhóm người ôm chim công hay nhóm người và chó… ; thứ năm có tay cầm tạo hình động vật liên kết rắn-hổ, rắn-voi, hổ-voi, chỉ có 04 chiếc như kể trên.
3 chiếc dao găm 1,2,3 lược kê ở mục 1 bên trên đều được khai quật năm 1973 tại Nghệ An. Đó là đợt khai quật di chỉ Làng Vạc đầu tiên do Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Ty Văn hóa Nghệ An tiến hành tại xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, nay là thị xã Thái Hòa, Nghệ An. Bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ An có tới 164 dao găm Đông Sơn nhưng ngoài 3 chiếc kể trên, không còn chiếc nào tương tự về tạo hình.
Chiếc dao găm thứ tư hiện trong sưu tập của Bảo tàng Barbier-Mueller, Thụy Sĩ, được ghi chú là Văn hóa Đông Sơn (Culture de Dong Son), xuất xứ từ phía Bắc sông Hồng (nord du fleuve Rouge) nhưng không công bố địa điểm cụ thể cũng như thời gian tìm thấy.
4- Một số suy luận của các học giả về nội dung – ý nghĩa của các cán dao
Bởi đây là những hiện vật quá cổ xưa, có độ tuổi tới hơn 2000 năm, lại không kèm theo tài liệu thành văn hay truyền miệng dân gian nào nên chúng có vẻ hết sức bí hiểm, chỉ rất ít học giả dám mạnh dạn giải mã nội dung- ý nghĩa.
Tiến sĩ khảo cổ học Trịnh Sinh bình luận: “Có lẽ là rắn đực và rắn cái, thể hiện sự phồn thực, âm dương giao hòa. Biểu tượng phồn thực mong cho mọi loài sinh sôi nảy nở, mùa màng cũng bắt chước loài vật mà bội thu”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Chu Quang Trứ trong sách “Tượng cổ Việt Nam” coi kết cấu rắn-voi là biểu tượng âm-dương với rắn là “giống lạnh”, là Âm, còn voi “máu nóng” là Dương. Ông bình luận: “từ sự hòa hợp âm-dương có thể còn là linh khí của núi-sông, của đất- nước để rồi là cơ sở của chủ quyền quốc gia, Tổ quốc, gắn với sự ra đời của các Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc?”
Nhà nghiên cứu Dương Đình Minh Sơn trên www.kienthuc.net.vn cho biết thêm một số thông tin quý: “Sách Lịch sử Tư tưởng Việt Nam cho rằng rắn nuốt voi là một huyền thoại phổ biến khắp Đông Nam Á cổ cho đến bờ sông Dương Tử” và “đình Phố Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang trước đây có thờ hiện vật biểu tượng đôi rắn quấn nhau đang nuốt một con voi bằng gỗ sơn màu gụ”. Ông lý giải ý nghĩa bí truyền của biểu tượng rắn hay hổ nuốt voi là do tục “hèm” hay “bùa chú” dân gian, buộc phải dấu kín nội dung thì vật thiêng mới linh nghiệm. Sau rất nhiều thế kỷ, các thế hệ sau không còn hiểu được ý nghĩa gốc do thế hệ đầu đặt ra cho vật thiêng nữa. Ông ví cặp rắn quấn nhau như “dây tơ hồng”- biểu tượng của một đôi vợ chồng. Ông kết luận: “Ý nghĩa của biểu tượng “rắn nuốt voi” có bốn cấp độ. Một là trí khôn con người. Hai là nói về sự hòa hợp giữa đôi vợ chồng thì “tát bể đông cũng cạn”và “nuốt được cả con voi”. Ba là ý chí của cộng đồng “thuận bè thuận bạn, tát cạn bể Đông”. Bốn là khẳng định sức mạnh của dân tộc, nhờ có “trí khôn” và đoàn kết sẽ chiến thắng thiên nhiên, ác thú và kẻ thù”.
Người viết không phải là chuyên gia về lịch sử- khảo cổ- dân tộc học nên chỉ xin mạo muội nhận xét như sau: ý tưởng của các nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ và Dương Đình Minh Sơn có vẻ đậm ý thức công dân và giàu màu sắc chính trị hiện đại. Trong khi thời điểm chế tác các dao găm Đông Sơn là lúc dân tộc ta mới hình thành, quốc gia sơ khởi của người Việt mới ra đời, xem ra ý thức công dân và dân tộc khó mà thể hiện sâu sắc đến thế. Ngay cả quan hệ vợ chồng như cặp đôi – phối ngẫu – cố kết, cũng chỉ đang hình thành trên tầng lớp thủ lĩnh bộ tộc, chưa đạt mức phổ biến khắp xã hội như thời phong kiến sau này. Đó là thời của chế độ mẫu hệ với Hai Bà Trưng, Bà Triệu… khi nữ thủ lĩnh lãnh đạo cả bộ tộc cùng làm, cùng hưởng chứ khó lòng đã có thể thức kinh tế gia đình với cặp đôi vợ chồng phối hợp làm ăn và nuôi con như thời phong kiến độc lập Đại Việt sau đó cả nghìn năm. Ai đó có thể viện dẫn đến Hùng vương nhưng dường như đó là huyền sử chưa được chứng minh triệt để. Có lẽ vì chưa dám chắc vào ý tưởng đưa ra mà ông Chu Quang Trứ phải tự đánh dấu chấm hỏi sau lời bình luận của chính mình.
Chỉ có ý tưởng về âm dương và phồn thực của tiến sĩ Trịnh Sinh và phần nào đó của ông Chu Quang Trứ là có vẻ tương đồng với tư duy và thể cách cảm nghĩ của người Đông Sơn đương thời…
Tuy nhiên, lại chưa có ai luận giải về hình tượng nhà và trống đồng trên đỉnh của hình tượng…
5- Giá trị nghệ thuật và văn hóa của biểu tượng đa tầng rắn-voi, rắn-hổ, hổ-voi và nhà sàn với trống đồng Đông Sơn
5.1- Nghệ thuật cấu trúc
Chỉ cần quan sát bình thường, chúng ta cũng có thể thấy được 4 cán dao kể trên có cấu trúc phân thành 2 và 3 tầng. Cặp rắn quấn nhau hay đôi hổ đứng áp bụng là tầng thứ nhất. Hổ hay voi bị ngậm chân là tầng thứ 2. Nhà sàn hay hình khối kiểu trống đồng là tầng thứ 3. Có kẻ còn cố tính cả lưỡi dao thành tầng thứ tư nhưng tiếc thay đó không nằm trong giới hạn tạo hình cán dao.
Bất luận tán tụng kiểu gì thì bản chất đây vẫn là đồ vật có tính thực dụng, nghĩa là phải cầm nắm được, cắt xẻ hay đâm được, bỏ vào bao hay gài đai lưng được… Vì thế đôi rắn quấn hay hổ áp bụng phải ép thành khối trụ vững chắc, đủ dài và gọn trong lòng bàn tay nắm. Hai đầu của khối trụ phải phình ra cho tay cầm khỏi bị tuột. Một đầu xòe ra rộng bản, ngăn cán với lưỡi dao để an toàn khi sử dụng. Đầu kia là 2 đầu rắn hay hổ ngửa ra ngậm chân voi. Chính khoảng trống giữa bụng voi với đầu rắn hay các chân trước của hổ là chỗ mà người ta có thể lợi dụng để treo dao, lên cột hay vách chẳng hạn. Hình voi và hổ bị ngậm chân làm tăng thêm hình khối phình ra cuối cán dao.
Ngoạn mục hơn nữa khi chót cuối 2 cán dao có thêm hình nhà dài hoặc khối kiểu trống đồng. Ngôi nhà dù không ngăn sàn nhưng các trụ chân và mái dài cong nhọn đầu hai bên rất giống kiểu nhà sàn Đông Sơn điển hình trên mặt các trống đồng cũng như kiểu nhà hậu duệ vẫn bảo lưu dai dẳng rải rác khắp Đông Nam Á như mái nhà các dân tộc Ê đê, H’rê, Batak, Toraja… Mái nhà dài được trang trí đơn giản nhưng rất quen thuộc bằng các chấm lõm thành dải và các tập hợp vạch liên tiếp để tả chất mái lá hay rơm rạ (cũng là cách tả nét đơn giản và hiệu quả nhất mà sinh viên mỹ thuật ngày nay dùng khi đi vẽ thực tế nông thôn).
Kết cấu cán dao như vậy vừa thực dụng vừa đẹp với nhiều tầng, nhiều lớp nghĩa, khi quấn xoắn, lúc xòe ra, khối đặc đan cài với khoảng rỗng, biến hóa đa dạng trong một chiều kích hết sức chật hẹp. Không có nhiều đất diễn mà vẫn diễn rất đặc sắc! 4 cán dao có cấu trúc phân tầng rắn – hổ – voi – nhà sàn – trống đồng đã vượt hẳn nghệ thuật mô phỏng hay cách điệu từ hình tượng có sẵn ngoài thiên nhiên. Kết cấu còn tinh tế với các “mối nối” hữu cơ kiểu động vật: quấn, ngậm, đỡ, đội… gây cảm giác cố tình một cách hữu lý mà không gượng ép. Lại còn thấy cả vết dây buộc trống đồng vòng xuống cổ và đuôi voi nữa.
5.2- Giá trị văn hóa
Được nâng niu, ngự trị trên đỉnh của kết cấu khối phức hợp rắn-hổ-voi là nhà sàn dài và trống đồng – những giá trị mang tính tụ họp, quyền lực, tâm linh hết sức thiêng liêng đối với người Đông Sơn, cũng là người Việt cổ, tổ tiên của chúng ta ngày nay. Thật kỳ diệu, các cụ tổ nghệ nhân đã đặt được giá trị văn hóa và tâm linh lên đỉnh của cấu trúc nghệ thuật này.
Cũng xin lưu ý một chi tiết kỹ thuật: khi dao được treo, gài, bỏ bao… thì bao giờ cán cũng ở bên ngoài và hướng lên trên nên vị trí nhà sàn và trống đồng bao giờ cũng ở trên đỉnh… Trên mặt trống đồng thường có tới 2-3 kiểu nhà nhưng đẳng cấp nhất là nhà mái cong nhọn 2 đầu – nơi tụ họp, hội hè của bộ tộc, nơi làm lễ phồn thực “trồng nụ trồng hoa”. Giá trị của nhà sàn dài tựa như ngôi đình làng Việt sau này.
Rất tiếc khối trụ tròn thắt eo trên lưng voi không được rõ nét nên chúng tôi đành dè dặt đoán định đó là trống đồng. Nhưng nếu vặn lại cũng khó: chẳng có hình khối nào hợp lý hơn trống đồng ở đây. Tương đương đẳng cấp với hình tượng nhà sàn Đông Sơn thì chỉ có trống đồng. Đó là báu vật linh thiêng của người Việt cổ. Sử sách cũ còn chép rằng (đại ý) thời ấy, kẻ nào gom được vài ba trống đồng thì có thể “tiếm hiệu xưng vương”! Không chỉ đơn thuần là nhạc cụ, mà còn để làm lễ cầu mưa cho cư dân nông nghiệp lúa nước, là tài sản thờ cúng của bộ tộc, là biểu hiện quyền lực của thủ lĩnh…
Cấu trúc đan cài chặt chẽ và tôn vinh giá trị tâm linh- văn hóa là hết sức độc đáo. Chúng tôi xin cố gắng lý giải sự độc đáo ở phần tiếp theo…
6- Liệu còn các sáng tạo quái chiêu tương đương về hình tượng ở các văn hóa-văn minh cổ khác gần với Đông Sơn hay không?
Chúng tôi chỉ mới tìm tòi sơ bộ từ Nam và Đông Nam Á, chưa thấy các kết quả từ khu vực Hoa Nam cổ đại. Tuy nhiên, tạm thời câu trả lời là: có, cũng khá quái chiêu nhưng “đất diễn” của họ rộng hơn mà kết cấu kém chặt, thường chỉ có 2 tầng cấu trúc. Họ may mắn hơn ở chỗ vẫn còn truyền đời được sự tích và ý nghĩa của hình tượng.
6.1- Tích thần Vishnu cứu vua voi Gajendra bị cá sấu ngoạm chân
Đây là một trong vô số dị bản của thần thoại Ấn Độ. Vua của các loài voi là Gajendra bị vua của các loài thủy quái Makara hóa thành cá sấu, định ăn thịt vua voi. Tuy nhiên voi to quá nên cá sấu chỉ mới ngoạm được một chân. Gajendra kêu cứu ầm ĩ. Thần Vishnu – Đấng Bảo vệ nghe thấy bèn cùng chim thần Garudha (chiến xa- vật cưỡi của thần) bay xuống đánh cá sấu, cứu thoát vua voi.
Ở đền Banteay Srei, tỉnh Siem Reap, Campuchia cũng có phiến đoạn chạm đá, mô tả một dị bản của tích này. Đây chỉ là minh họa chuyện thần thoại Ấn Độ, không hình thành biểu tượng nhiều tầng ý nghĩa.
6.2- Tích Voi trắng sinh ra từ miệng Thủy quái Makara của Thái Lan
Một huyền thoại Thái Lan, chỉ nhằm ý nghĩa tăng cường sức mạnh gấp bội: đã mạnh như thủy quái lại còn cộng thêm sức mạnh thuần khiết của voi trắng nữa. Tượng voi trắng vươn ra từ miệng thủy quái thường xây đắp bên ngoài cửa một số ngôi chùa ở miền Bắc Thái Lan. Hình tượng này của người Thái cũng ngoạn mục và phần nào gần gụi với hình tượng rắn nuốt chân voi của Đông Sơn nhưng chỉ có 2 tầng ý nghĩa.
6.3- Hóa thân rùa Kurma của thần Vishnu trong thần thoại Ấn Độ
Đó là sự tích nổi tiếng “Khuấy biển Sữa”. Sau trận Đại hồng thủy, nhiều báu vật chìm xuống đáy biển. Các thần hợp sức với quỷ khuân hòn núi Mandara cao ngất cắm xuống biển làm trụ để khuấy nước nhằm bắt các báu vật nổi lên, lại dùng con rắn thần Vasuki quấn quanh núi để xoay. Nhưng càng xoay thì núi càng chìm dần xuống đáy biển sâu. Để cứu vãn, thần Vishnu hóa rùa khổng lồ Kurma lặn xuống đỡ núi trên lưng trong khi con rắn Vasuki tiếp tục đà xoay…
Một dị bản của tích này kể rằng để cho núi vững chắc còn phải cần đến 4 con voi đứng trên lưng rùa, ghé lưng đỡ 4 góc chân núi. Hình minh họa tích này cho thấy các con vật tương đồng là rắn và voi với tận 4 tầng ý nghĩa theo kiểu vũ trụ luận – nhiều tầng hơn hẳn kết cấu cán dao găm Đông Sơn nhưng các con vật chỉ đơn thuần được xếp chồng lên nhau mà thôi… Đây xứng đáng là một biểu tượng nhưng lại không gắn với một hiện vật thực dụng như kiểu con dao.
7- Thay lời kết
Sơ bộ mấy hình tượng từ Nam và Đông Nam Á, có đôi chút gần gũi với kết cấu và các con vật của cán dao găm Đông Sơn. Tuy nhiên rất khó để gọi là tương đồng khi khác biệt khá xa. Cấu trúc được nhiều tầng thì lại chẳng có kếu cấu hữu cơ, động vật ngậm chân và nâng nhau- chúng chỉ được xếp trên lưng nhau thôi. Nếu có con vật này nuốt chân con khác thì lại chỉ có 2 tầng ý nghĩa đơn giản, kết cấu không khúc triết và biến hóa. Như vậy mới thấy sự độc đáo của 4 dao găm Đông Sơn mà chúng ta đang chiêm ngưỡng và bình luận. Căn cứ vào số lượng rất hiếm và có 3 dao khai quật từ cùng một di chỉ (dao thứ tư vẫn còn thiếu thông tin), có thể đoán định kiểu dao găm này không phổ biến rộng và chỉ được sử dụng hay cúng tế của một hay hai pháp sư – shaman nào đó thôi.
Ngoài những điều đặc biệt đã luận bên trên, 2 trong số 4 cán dao găm Đông Sơn còn thêm được một điểm cộng đặc biệt nữa: sự tôn vinh giá trị văn hóa và tâm linh của riêng Đông Sơn trên đỉnh của cấu trúc phân tầng. Đó cũng là hình thái văn hóa bản địa rất đặc trưng: nhà sàn mái cong 2 đầu và trống đồng. Chính điều đó khiến cho các cán dao găm càng dân tộc, độc đáo, quái chiêu nhưng đầy nhân văn!
Chưa kể đến mấy cán dao này thì nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn đã rất phong phú, đẹp đẽ, tinh xảo, chưa bị sa đà vào cầu kỳ đến mức phô diễn, tạo thành một kho tàng đầy chất lượng nghệ thuật, dù từng bị kẻ thù phá hủy một cách tàn bạo. Nhưng khi tính thêm 4 cán dao kỳ lạ này, nghệ thuật Đông Sơn có thêm những phẩm chất vượt hẳn tầm phổ quát: hình tượng siêu thực, kết cấu quái chiêu, biến hóa độc đáo! Nó đã trở thành BIỂU TƯỢNG linh thiêng, dù ý nghĩa thực đã thất truyền.
Họa sĩ Đức Hòa
Tác giả gửi Trí Thức VN
Xem thêm cùng tác giả :