Quá trình chuẩn bị tiến đánh Đại Việt lần thứ 4 của nhà Nguyên
Thất bại liên tiếp trước Đại Việt khiến nhà Nguyên cần có thời gian để hồi phục sức mạnh, tình hình nội bộ nhà Nguyên lại rất bất lợi thời...
Năm 1288, quân Nguyên thất bại lần thứ 3 khi tiến đánh Đại Việt, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt không nuốt trôi được nỗi tức giận, muốn chuẩn bị cho cuộc tiến quân lần thứ tư. Tuy nhiên thất bại liên tiếp trước Đại Việt khiến nhà Nguyên cần có thời gian để hồi phục sức mạnh, tình hình nội bộ nhà Nguyên lại rất bất lợi: Ở trong nước dân chúng nổi dậy khắp nơi, đế quốc Mông Cổ rộng lớn không đoàn kết được, các Hãn quốc thường xảy ra xung đột, ở phía bắc họ liên kết chống lại Hốt Tất Liệt. Hãn quốc Sát Hợp Đài tấn công nhà Nguyên, tình hình nguy cấp, năm 1289 đích thân Hốt Tất Liệt phải mang quân lên phía bắc chống trả Hãn quốc Sát Hợp Đài, cuộc chiến nhiều năm khiến đế quốc Mông Cổ suy yếu.
Bang giao hai nước
Sau khi cuộc chiến chống quân Nguyên Mông kết thúc, Đại Việt nối lại việc triều cống nhằm có được hòa bình, nhưng Hốt Tất Liệt vẫn nuôi hận. Năm 1290, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông qua đời, Nguyên Thế Tổ muốn nhân cơ hội này tiến đánh Đại Việt.
Tuy nhiên thời điểm này mới chỉ kết thúc chiến tranh 2 năm, nhà Nguyên thua trận chưa thể hồi phục được. Các đại thần đều tâu chưa nên đánh Đại Việt mà nên cho sứ thần sang trước nghe ngóng tình hình, uy hiếp vua Trần phải sang chầu. Hốt Tất Liệt thuận theo.
Năm 1291, đoàn Sứ bộ nhà Nguyên do Lễ bộ Thượng thư Trương Lập Đạo đứng đầu sang Đại Việt đưa chiếu thư của Nguyên Thế Tổ yêu cầu vua Trần sang chầu:
“Các vị tổ tông ta đã quy định rằng phàm các nước quy phụ, nước nào thân hành tới chầu thì nhân dân được an cư lạc nghiệp như thường, còn nước nào kháng cự không phục tùng, thì bị tiêu diệt, điều ấy khanh đã biết rồi.” (Theo An Nam chí lược)
Vua Trần lấy cớ đang có tang nên không sang được. Trương Lập Đạo liên tục dùng lời nói đe dọa yêu cầu vua Trần phải sang chầu, thể hiện được sự thần phục, nhưng nhà Vua nhất quyết không đi.
Thấy thế Trương Lập Đạo gửi thư riêng cho vua Trần nói rằng:
“Phía bắc đến cõi Am Sơn, vốn là nơi thánh triều dựng nghiệp, phía nam ra quá Viêm Hải, hết thảy vua các nước xưng thần. Tù trưởng các vùng Hồi Hột, Tây Vực qua bãi Lưu Sa mà đến cống, quốc chúa các nước Cao Ly, Đông Di vượt biển Doanh Hải để vào chầu. Vua các rợ Khiết Đan, Tây Hạ, Nữ Chân, vì trái trời mà nước bị diệt, chúa các nước Côn Ngô, Thổ Phồn, Bạch Thất bởi theo mệnh nên được kết hôn. Các vua Vân Nam, Kim Xỉ, Bồ Chân gửi con trai làm chí tử, các miền Đại Hạ, Trung Nguyên, Vong Tống hết toàn bộ làm thần dân. Duy nước An Nam là nước bé nhỏ, ngoài mặt thì tùng phục, trong lòng chưa đổi thay.” (Theo Nguyên sử).
Thấy vua Trần vẫn nhất quyết không sang chầu, Trương Lập Đạo đành về không.
Năm 1293 nhà Nguyên cho sai Sứ sang yêu cầu vua Trần đến chầu nhưng vua Trần Nhân Tông lại lần nữa nói có tang mà từ chối. Không thuyết phục được, Sứ bộ nhà Nguyên lại yêu cầu Thái tử sang chầu và cũng bị từ chối.
Nhà Trần cũng cho dàn quân mỗi khi đón tiếp Sứ, tỏ rõ sự cứng cỏi không sợ hãi, một lần nữa Sứ thần nhà Nguyên không thể làm gì được đành trở về.
Sau khi Sứ thần nhà Nguyên về nước, Đại Việt cũng cho đoàn Sứ bộ do Đào Tử Kỳ dẫn đầu sang. Hốt Tất Liệt ôm hận trong lòng vì Đại Việt không chụi thần phục nên sai giam lại.
Sau đó quân Nguyên theo đường biển tiến đánh Trảo Oa, dù chiếm nhưng không giữ được, lại phải rút về. Nguyên Thế Tổ thấy rõ vị trí quan trọng của Đại Việt trên con đường tiến xuống phía nam, chiếm được Đại Việt sẽ thuận lợi rất nhiều cho việc tiến đánh các nước còn lại.
Nhà Nguyên chuẩn bị binh mã
Theo Nguyên sử, sau khi hạ quyết tâm tiến đánh Đại Việt lần thứ 4, Nguyên Thế Tổ lập An Nam hành tỉnh, giao cho Lưu Quốc Kiệt làm tướng soái chuẩn bị binh mã, chiến thuyền.
Việc giam giữ Sứ giả, chuẩn bị đánh Đại Việt cũng được ghi chép trong “An Nam chí lược” như sau:
“Qua năm Quý Tỵ hiệu Chí Nguyên (1293) sai sứ thần là Đào Tử Kỳ tới dâng lễ cống hiến, Hoàng Thượng lấy cớ qua vời nhiều lần mà không đến chầu, bèn giữ Tử Kỳ ở đất Giang Lăng, lập An nam Hành Tỉnh, sai Lưu Quốc Kiệt cùng chư hầu Vương Nhĩ Cát Đạt, v.v… kéo quân qua đánh, do Đại Vương Ích Cát Lý Đãi tổng quản việc chinh phạt. Mùa đông năm ấy, trú binh tại Tịnh Giang, chờ mùa thu sang năm tiến phạt.”
Lúc này Tù trưởng tên Hoàng Thánh Hứa ở châu Thượng Tư (thuộc Thượng Lang, Cao Bằng ngày nay) đơn phương nổi dậy, đem hàng vạn quân tiến đánh Ung Châu.
Nhà Nguyên lấy việc đánh Hoàng Thánh Hứa để che dấu việc đánh Đại Việt, quân lương tập trung ở Tĩnh Giang (thuộc Quảng Tây ngày nay), phao tin là để chuẩn bị tiến đánh Hoàng Thánh Hứa.
Việc tiến đánh Đại Việt đang gấp rút hoàn tất thì ngày 18/2/1294, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt qua đời, Nguyên Thành Tông lên kế vị.
Xem thêm: Trần Quốc Tuấn và lá số thánh nhân bất bại – P2
Bãi binh, cải thiện bang giao
Nguyên Thành Tông vốn không có mối hận đối với Đại Việt, liền sai thả Sứ giả, bãi binh, đồng thời cho gửi thư sang Đại Việt báo rằng:
“Đức Tiên Hoàng đế mới thăng hà, ta nối nghiệp lớn lao. Ban đầu lên ngôi, đại xá cả thiên hạ, ân lớn ấy thấm đến tất cả mọi nơi không phân biệt trong ngoài gần xa. Khanh cũng được hưởng sự khoan hồng của ta, nên ta đã hạ sắc dụ cho các quan bãi binh, còn tên bồi thần là Đào Tử Kỳ cũng cho về nước. Nay sai Thị Lang Bộ Lễ là Lý Hãn, Lang Trung Bộ Binh là Tiêu Thái Đăng phụng chiếu cho biết từ nay về sau, phải giữ gìn và tôn thờ thiên oai. Khanh phải nên xem mà tuân theo lời chiếu.” (Theo An Nam Chí Lược).
Sự kiện này được “Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi chép như sau:
“Nhà Nguyên sai Binh bộ thượng thư Lương Tằng dụ Vua vào chầu. Vua lấy cớ có bệnh từ chối, sai Đào Tử Kỳ sang tặng phương vật. Nhà Nguyên giữ Tử Kỳ ở Giang Lăng, lập An Nam hành tỉnh, lấy bọn Bình chương Lưu Nhị Bạt Đô (chỉ Lưu Quốc Kiệt, Bạt Đô nghĩa là dũng sĩ) cầm quân đóng ở Tĩnh Giang đợi lệnh tiến đánh. Tháng giêng năm sau, nguyên Thế Tổ băng. [Nguyên] Thành Tông lên ngôi, xuống chiếu bãi binh, thả Tử Kỳ về nước”.
Từ đó quan hệ bang giao giữa nhà Nguyên và Đại Việt trở nên tốt đẹp. Uy danh 3 lần đánh bại đế quốc Mông Cổ khiến lân bang như Chân Lạp, Chiêm Thành, Ai Lao đều bội phục. Nhờ chiến thắng của Đại Việt, cũng như việc giúp Chiêm Thành chống Nguyên, Đại Việt đã che chắn cho các nước lân bang ở Đông Nam Á khỏi vó ngựa quân Mông Cổ.
Trần Hưng
Mời xem video :