“Quá sớm để thay đổi chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản”

Chia sẻ Facebook
19/01/2023 14:40:52

Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng kể từ năm 2013 và chưa có dấu hiệu dừng lại bất chấp lạm phát tăng vọt.


Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản cho biết nền kinh tế nước này vẫn chưa ở giai đoạn có thể bình thường hóa chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng mà ngân hàng trung ương nước này hiện đang duy trì.


“Tại thời điểm hiện tại, con đường phía trước của nền kinh tế vẫn chưa rõ ràng. Do đó, tôi hiểu rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tiếp tục giữ nguyên lập trường chính sách hiện tại”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura phát biểu trước một hội thảo tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Ông Nishimura cho biết, các chính sách khác nhau của chính phủ đã giúp lạm phát ở Nhật Bản tăng chậm hơn so với các nước khác.


“Việc các doanh nghiệp tăng kế hoạch đầu tư và cam kết tăng lương là những dấu hiệu tốt cho nền kinh tế. Việc nới lỏng tiền tệ có thể dừng lại trong tương lai. Tất nhiên, chúng ta đang tiến gần đến giai đoạn đó”, ông Nishimura kỳ vọng.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Arab News

Hôm 18/1, ngân hàng trung ương Nhật Bản tuyên bố họ sẽ tiếp tục chính sách lãi suất cực thấp và bảo vệ kế hoạch kích thích kinh tế của mình bất chấp lạm phát tăng vọt.

Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Thống đốc ngân hàng BoJ Haruhiko Kuroda cho biết, ngân hàng sẽ duy trì chương trình kiểm soát đường cong lợi suất ở mức -0,1% đối với lãi suất ngắn hạn và lãi suất trái phiếu 10 năm ở mức khoảng 0%.

Thông báo duy trì đường cong lợi suất không thay đổi đã gây bất ngờ cho thị trường và khiến đồng Yên lao dốc, nhưng ông Kuroda bảo vệ chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản. Ông cho rằng các biện pháp này mới được thực hiện gần đây và sẽ mất nhiều thời gian hơn để chúng “bắt đầu có tác dụng điều chỉnh thị trường”.

BoJ đã thực hiện một chính sách cực kỳ nới lỏng kể từ khi ông Kuroda nắm quyền vào năm 2013, và vị thống đốc đã bảo vệ cách tiếp cận này khi nói rằng các biện pháp này đã đưa Nhật Bản thoát khỏi vòng xoáy giảm phát đã bao trùm quốc gia kể từ năm 1998.

Ông Kuroda nói rằng ông lấy làm tiếc vì Nhật Bản vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát 2%, nhưng lãi suất sẽ vẫn ở “mức hiện tại hoặc thấp hơn”.

Diễn đàn Kinh tế thế giới đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 16/1-20/1 với nhiều bài phát biểu của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ chủ chốt, cũng như các cuộc thảo luận về địa kinh tế và địa chính trị khác nhau như đối thoại về chiến lược quốc gia, đối thoại ngoại giao và các cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới.


Sự kiện này cũng sẽ quy tụ các cộng đồng kinh doanh hàng đầu của WEF, chẳng hạn như Hội đồng Kinh doanh Quốc tế, cộng đồng Chủ tịch và Thống đốc ngành .


Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, Reuters, La Prensa Latina)

Chia sẻ Facebook