Quá nhiều phương thức tuyển sinh đại học: Tăng cơ hội hay làm khó thí sinh?
Năm 2022, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học, trong đó có nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển mới.
Vấn đề đặt ra là việc đa dạng về phương thức xét tuyển sẽ tăng cơ hội hay làm khó thí sinh?
Ví như đi giữa ma trận phương thức xét tuyển, đến thời điểm này, Ngô Anh Chi (học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) cũng đã tìm được cho mình 4 con đường để có thể vào đại học là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kỳ thi đánh giá năng lực, học bạ sẵn sàng và kỳ thi tốt nghiệp THPT .
Phải sử dụng nhiều phương thức khác nhau để vào đại học không khác nào việc một chân cùng lúc chèo nhiều thuyền. Tình thế khó khăn này không riêng học trò trải nghiệm mà các thầy cô cũng phải đồng hành tháo gỡ. Đó là lo việc tuyển sinh ồ ạt như vậy liệu có giúp học sinh có đỗ đúng nguyện vọng hay không hoặc bị rối nhiều khi không phân biệt được cái nào phù hợp với mình.
Trong một năm học phải đương đầu với dịch bệnh, việc bùng nổ các phương thức không chỉ gây tâm lý lúng túng, lo lắng trong học sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn dự báo sự lãng phí tốn kém của toàn xã hội.
Vì thế, theo các chuyên gia, trong mùa thi đặc biệt này càng đòi hỏi cao hơn trách nhiệm điều tiết, giám sát của cơ quan quản lý như phải có sự thống nhất để làm sao những bài thi đánh giá năng lực có sự chuyển đổi tương đương lẫn nhau chứ không thể mỗi trường 1 phách được.
Nhìn lại mùa tuyển sinh trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng thừa nhận việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển trong một ngành, phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển chưa hợp lý dẫn đến những hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Một số ngành có điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm vẫn không đỗ.