Quả chuối, con heo có thực sự đang giúp bầu Đức cứu HAGL thoát lỗ?
Mặc dù doanh thu thuần của HAGL tăng bằng lần tuy nhiên, các khoản chi phí lại khá lớn. Lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh cốt lõi không đủ chi trả cho các khoản chi phí này.
Đằng sau con số lợi nhuận tăng gấp 65 lần
Trong khoảng một năm trở lại đây, cụm từ “thoát lỗ” được nhắc đến trên nhiều tít (title) bài báo khi viết về Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) nhờ trồng chuối, nuôi heo. Nhiều cổ đông cũng kỳ vọng bầu Đức có thể “rũ bùn” để đi lên sau nhiều lần thất bại với mảng nông nghiệp từ cao su, bò, mía đường, chanh dây, dầu cọ,….
Tuy nhiên, cũng nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu rằng các mảng kinh doanh cốt lõi của HAGL có thực sự tốt như bầu Đức vẫn nói hay chỉ là “lãi trên sổ sách”?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 sau soát xét của công ty, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 2.030 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Bóc tách từng mảng kinh doanh có thể thấy doanh thu từ trái cây chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 51%, tương đương 1.035 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi mảng nuôi heo chiếm 22% tương đương 453 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Biên lợi nhuận gộp của heo khoảng 27% (tương ứng với mức lãi gộp chỉ 122 tỷ đồng) thấp hơn mảng trái cây là 30% (tương ứng lãi gộp 310 tỷ đồng).
Trong khi đó, chỉ tính riêng chỉ phí lãi vay đã lên tới 386 tỷ và các khoản chi phí khác 71 tỷ đồng. Nếu lấy số lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này để chi trả cho 2 khoản chi phí trên, coi như HAGL hết lãi.
Chưa kể, công ty phải trả các chi phí khác như chi phí bán hàng (143 tỷ đồng), các khoản chi phí tài chính khác ngoài lãi vay (675,4 tỷ đồng), lỗ khác (41 tỷ đồng)....
Để chi tất cả chi phí, lợi nhuận gộp của HAGL phải gấp 3 lần với số hiện tại.
Vậy khoản nào giúp HAGL lãi sau thuế gần 523 tỷ đồng? Trong kỳ báo cáo tài chính đến hết 30/6, khoản hoàn nhập dự phòng các khoản thu khó đòi của HAGL tăng đột biến lên 1.030 tỷ đồng.
Điều này giúp khoản chi phí doanh nghiệp thậm chí không bị hao hụt mà còn thặng dư thêm 955 tỷ đồng (trên báo cáo tài chính phần trong ngoặc thể hiện số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra).
Cũng từ khoản này mà lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 522 tỷ đồng, cao hơn cả lợi nhuận gộp, tăng gấp 65 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, nếu không có khoản hoàn nhập dự phòng mà chỉ tính riêng doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lỗi, số tiền lãi gộp không thế nào chi trả được các chi phí phát sinh trong kỳ và doanh nghiệp vẫn chìm trong thua lỗ.
Trước đó, trong thư gửi cổ đông về tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022, bầu Đức cho biết giá chuối xuất khẩu rơi vào chu kỳ thấp nhất trong năm chỉ còn bình quân 6,5 - 8,5 USD/thùng kéo dài trong 2 tháng 5 và 6.
Trong 6 tháng đầu năm HAGL tiêu thụ được 109.807 tấn chuối (trong đó 28.238 tấn chuối dùng làm thức ăn cho heo) và 82.529 con heo thịt.
Ông Đức kỳ vọng giá chuối giá tăng mạnh từ tháng 9 bởi thường đây là thời điểm giá cao nhất trong năm. Đồng thời nếu giá heo hơi tiếp tục tăng khoảng 20% so với mức kế hoạch lập (khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg) và sản lượng heo bán tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm, công ty có thể hoàn thành kế hoạch cho cả năm, thậm chí vượt kế hoạch 20 - 30%.
Năm nay, HAGL đặt mục tiêu doanh thu hơn 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính vẫn chưa đủ để trang trải trải chi phí, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra nghi ngại trước mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng.
Trong khi đó, HAGL vẫn đang loay hoay xử lý các khoản nợ tồn đọng và cần nguồn vốn để thực hiện kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng Bapi Foods, nâng đàn heo lên 1 triệu con và đàn gà 5 triệu con.
Tại ngày 30/6, công ty chưa thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn là 2.060 tỷ đồng. Tuy nhiên, HAGL cho biết công ty đã có kế hoạch thanh toán khoản lãi vay này.
Cuối tháng 9, công ty thông báo trả khoản nợ gốc trái phiếu hơn 600 tỷ đồng với nguồn tiền thu nợ từ CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) và nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Tôi quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi. Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều".
Mới đây, HĐQT của HAGL đã thông qua việc tiếp tục triển khai chào bán hơn 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Như vậy, nếu phát hành thành công, công ty dự kiến thu về khoảng 1.700 tỷ đồng, được phân bổ cho các công ty con và trả nợ gốc các khoản trái phiếu do tập đoàn phát hành cuối năm 2016.
Giá heo hơi đang trong đà giảm
Bầu Đức đang kỳ vọng giá heo hơi tăng khoảng 20% so với kế hoạch lập đầu năm, tức giá sẽ lên mức 66.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Công Thương, giá heo hơi trong tháng 9 quanh mức 54.000 - 62.000 đồng/kg, tùy khu vực, giảm mạnh so với mức đỉnh khoảng 75.000 đồng/kg thiết lập hồi tháng 7. Con số này thấp hơn so với kỳ vọng của HAGL.
Bộ Công Thương dự báo giá heo sẽ còn tiếp tục giảm trong những ngày tới. Tuy giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao nhưng nguồn cung thịt heo trong nước dần khôi phục bởi người dân cũng tái đàn trở lại.
Theo cáo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý III/2022, sản lượng thịt heo của cả nước ước đạt 1.132 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, lượng thịt heo nhập khẩu giảm cũng là cơ hội cho nguồn cung trong nước tăng lên.
Trong khi đó, giá heo hơi của Trung Quốc, thị trường có ảnh hưởng đối lớn đối với với giá heo Việt Nam, cũng đang dần hạ nhiệt khi chính phủ nước này xả kho thịt heo dự trữ để ổn định thị trường.
Mặc dù vậy, thời điểm cuối năm nhu cầu thịt heo tăng mạnh. Đây là yếu tố tích cực thúc đẩy giá heo hơi trong thời gian tới.
Minh Khôi