Qua chiến sự Nga-Ukraine nhìn rõ thực lực 3 quân đội lớn nhất thế giới (P2): Tấn công tầm xa
Cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn chưa kết thúc, nhưng khoảng cách giữa ba lực lượng quân sự hàng đầu thế giới ngày càng được nới rộng. Quân đội Hoa Kỳ là vô song, không lực lượng nào có thể sánh kịp; Quân đội Nga và Trung Quốc sẽ vẫn nằm trong top ba trong thời điểm hiện tại, nhưng sức mạnh quân sự tổng hợp của họ khó có thể sánh được với Mỹ.
Qua chiến sự Nga-Ukraine nhìn rõ thực lực 3 quân đội lớn nhất thế giới (P1): Tình báo
Quân đội Nga đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong thực chiến, bao gồm thông tin tình báo, các cuộc tấn công chính xác tầm xa, không chiến và không kích, liên hiệp tác chiến, hiểu biết chiến thuật của hạ sĩ quan, tiếp tế, lập kế hoạch tổng thể, tổ chức và chỉ huy, v.v.
Tấn công chính xác tầm xa
Trong thời đại vũ khí lạnh hàng nghìn năm, cung tên là vũ khí chủ lực để tấn công tầm xa. Các tướng lĩnh nổi tiếng ở Trung Quốc cổ đại hầu hết đều là những người có tài bắn cung xuất sắc, cách 100 bước bắn xuyên lá liễu là kỹ năng cơ bản của võ tướng, nếu từ khoảng cách xa bắn chết tướng địch thì có thể dẫn đến chiến thắng chung cuộc, khích lệ tinh thần quân sĩ; Trận chiến giữa 2 hai bên thường bắt đầu bằng việc bắn tên.
Pháo binh và tên lửa có thể tăng tầm bắn và khả năng sát thương, nhưng không đủ chính xác, thường thường cần phải tiến hành oanh tạc trong một phạm vi lớn. Các tên lửa tầm xa có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác, chủ yếu được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất có giá trị cao của đối phương, chẳng hạn như radar, trung tâm thông tin liên lạc và chỉ huy, sân bay, v.v..cũng có thể tấn công chiến hạm của địch.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1991, Mỹ đã phóng 291 tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu mặt đất khác nhau ở Iraq. Khi đó, tỷ lệ phóng thành công là 95% và tỷ lệ trúng đích là 85%, điều này đã mở ra một mô hình chiến tranh hiện đại mới, các nước lần lượt bắt chước theo. Trong Chiến dịch Desert Fox năm 1998, Hoa Kỳ đã phóng 325 tên lửa hành trình Tomahawk, 292 tên lửa trong số đó trúng mục tiêu đã định, tỷ lệ trúng gần 90%. Trong Chiến tranh Iraq năm 2003, Mỹ đã bắn 802 tên lửa hành trình Tomahawk.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa do quân đội Hoa Kỳ thực hiện, bao gồm thu được mục tiêu, dẫn đường chính xác và đánh giá kết quả, đã xóa tan mối đe dọa từ các cuộc không kích và chiến tranh mặt đất tiếp theo. Tỷ lệ phóng thành công được cải thiện và độ chính xác của các tên lửa khác nhau tiếp tục tăng lên. Ngược lại, Nga cũng đã phóng một lượng lớn tên lửa vào Ukraine, nhưng cho đến nay kết quả không mấy khả quan.
Tàu Hải quân Hoa Kỳ bắn tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu ở Iraq trong Chiến dịch Desert Fox ngày 17/12/1998. (Ảnh: Todd Cichonowicz / Hải quân Hoa Kỳ / Getty)
Tên lửa của Nga thua ở 4 phương diện
Sáu tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine, nước này đã bắn hơn 1.500 tên lửa các loại, một con số không hề nhỏ. Nga tuyên bố đã phá hủy hệ thống phòng không của Ukraine,… điều này làm suy yếu rất nhiều khả năng tiềm ẩn của quân đội Ukraine, nhưng thực tế không phải như vậy.
Nga đã không thể chiếm được thủ đô và thành phố lớn thứ hai của Ukraine, binh sĩ mặt đất của Nga bị tổn thất nặng nề, máy bay chiến đấu liên tục bị bắn hạ cho thấy cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga không hề làm suy yếu hiệu quả chiến đấu của Ukraine. Hệ thống phòng không Ukraine vẫn đang hoạt động, các máy bay chiến đấu vẫn bay, chỉ huy trận địa, thông tin liên lạc thông suốt và nhiều trận phục kích chất lượng cao liên tục được tung ra.
Thực tế cho thấy cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã bộc lộ những lỗ hổng trong 3 khâu: thu nhận mục tiêu, dẫn đường chính xác và đánh giá kết quả, bản thân chất lượng tên lửa cũng gặp nhiều vấn đề.
Trước hết, Nga gặp bất lợi trong cuộc chiến tình báo và không thu được chính xác nhiều mục tiêu có giá trị. Tên lửa của Nga đã tấn công các tòa nhà quân sự và chính trị, tháp truyền hình, sân bay, v.v. Tuy nhiên, các nhân viên chính, thiết bị và máy bay của Ukraine đã sớm được dời đi, bao gồm cả hệ thống phòng không cũng được cất giấu kịp thời. Như thế tên lửa của Nga bắn ra nhưng không thu được hiệu quả.
Thứ hai, nhiều tên lửa của Nga đã đi chệch mục tiêu và hạ cánh xuống các khu dân cư, v.v. Bản thân hệ thống dẫn đường của tên lửa có thể không đủ hoàn hảo và có thể có lỗ hổng về độ chính xác của việc dẫn đường qua vệ tinh. Tất nhiên, quân đội Mỹ cũng có thể đã thực hiện gây nhiễu đa hướng và quân Nga không có khả năng khắc phục sự cố này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thay Nga tuyên truyền, nói rằng “Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M, tên lửa hành trình Iskander-K, tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 và tên lửa chống bức xạ phóng từ trên không Kh-31P, có độ chính xác trong vòng 20m, tên lửa Iskander có độ chính xác trong vòng 5m” . Nhưng ở trong thực chiến điều này rất nhanh đã bị lộ tẩy.
Thứ ba, các kết quả do Nga công bố thường chỉ là ước tính và không có hình ảnh, video hay bằng chứng thực tế tại chỗ, cho thấy Nga đã không đánh giá hiệu quả tác động của các cuộc tấn công bằng tên lửa, hoặc thậm chí còn không tiến hành đánh giá. Nếu không tiếp cận được những thông tin quan trọng này, thì rất khó để các chỉ huy chiến trường đưa ra quyết định cho bước tiếp theo.
Cuối cùng, tỷ lệ hỏng hóc của tên lửa Nga dường như khá cao. Có thời điểm giới chức Mỹ đánh giá rằng trong số tên lửa dẫn đường chính xác được Nga sử dụng để tấn công Ukraine, một số không rời bệ phóng, một số không trúng mục tiêu, và tỷ lệ thất bại thay đổi theo từng ngày, tùy thuộc vào loại tên lửa được phóng. Đôi khi tỷ lệ hỏng hóc có thể vượt quá 50%, cũng có thông tin tình báo quân sự Mỹ cho rằng tỷ lệ hỏng hóc của tên lửa hành trình phóng từ đường không của Nga là từ 20% đến 60%.
Mặc dù không có thông tin chi tiết nào có thể được xác minh, nhưng tình hình trận chiến cuối cùng đã nói rõ hết thảy. Nga đã từ bỏ việc tấn công Kyiv, rõ ràng là các cuộc tấn công chính xác tầm xa của Nga đã không hiệu quả. Điều này có thể khiến trái tim của lực lượng tên lửa ĐCSTQ lạnh hơn rất nhiều.
Cảnh sát Ukraine kiểm tra đống đổ nát của một tên lửa Nga bên cạnh tòa nhà chính của một nhà ga ở Kramatorsk, miền Đông Ukraine, ngày 8/4/2022. (Ảnh: Fadel Senna / AFP qua Getty Images)
Con át chủ bài của quân đội ĐCSTQ có thể suy yếu đáng kể
Lực lượng tên lửa được coi là quân át chủ bài của quân đội ĐCSTQ, cho dù họ đang nhắm tên lửa DF-15, DF-16 vào Đài Loan hay nhắm tên lửa DF-26 vào Guam, nhắm tên lửa DF-21 vào tàu sân bay của Mỹ, hay mới nhất là tên lửa DF-17, thì những điều này luôn được ĐCSTQ lấy ra để phô trương.
Công nghệ tên lửa của ĐCSTQ, ban đầu chủ yếu là bắt chước Nga, cũng cố gắng sao chép Hoa Kỳ, Israel và các nước châu Âu, nhưng hầu hết các tên lửa của ĐCSTQ vẫn giữ nguyên vẻ đặc trưng của tên lửa Nga. Hiệu quả từ cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ít nhiều cũng khiến cho lực lượng tên lửa của ĐCSTQ hiện nguyên hình.
ĐCSTQ kiểm soát tập trung cả tên lửa chiến lược và tên lửa chiến thuật trong tay, quản lý chúng theo mô hình phân công chuyên nghiệp kiểu mẫu, điều này cho thấy quân đội ĐCSTQ có khả năng thiếu nhân tài chuyên nghiệp. Còn các tên lửa chiến thuật lục địa của các cường quốc quân sự khác về cơ bản được giao trực tiếp cho binh lính mặt đất để đáp ứng nhu cầu của chiến trường bất cứ lúc nào.
Mục tiêu lớn nhất của tên lửa chiến thuật tầm ngắn của ĐCSTQ là Đài Loan, ĐCSTQ lẽ ra đã liệt kê một loạt mục tiêu từ lâu, nhưng nếu ĐCSTQ sẵn sàng ra trận thì sẽ bị quân đội Hoa Kỳ phát hiện rất sớm, cũng giống như cách Mỹ nắm bắt chính xác các chuyển động của Nga. Sau khi Đài Loan nhận được thông tin, họ sẽ cố gắng bảo toàn sức chiến đấu hết mức có thể; Khi các bệ phóng tên lửa của ĐCSTQ được phóng ra, ngay cả khi chúng có thể đánh trúng vị trí đã định trước, thì cũng không đạt được hiệu quả tấn công như mong đợi.
Nếu những cuộc tấn công bằng tên lửa của ĐCSTQ không đạt được nhiều kết quả, thì cần phải làm gì tiếp theo? Nếu hệ thống phòng không của Đài Loan vẫn hoạt động, các máy bay chiến đấu của ĐCSTQ sẽ bị phong tỏa một khi chúng vượt qua giới tuyến trung tâm ở eo biển Đài Loan, và các trận không chiến, không kích hay đổ bộ đường không đều có nguy cơ rất lớn. Tất cả các tàu của ĐCSTQ sẽ là mục tiêu của tên lửa chống chiến hạm. Lúc này ĐCSTQ có tiếp tục thực hiện kế hoạch đổ bộ, hay phải thay đổi mục tiêu đánh chiếm Đài Bắc thành đánh chiếm Kim Môn?
Lực lượng tên lửa của ĐCSTQ phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn
Nếu ĐCSTQ tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa, thì về hướng dẫn mục tiêu và đánh giá kết quả có lẽ cũng không mạnh hơn Nga. Sự can thiệp của Mỹ cũng sẽ trở nên trực tiếp hơn, như thế ĐCSTQ cũng khó mà hóa giải. ĐCSTQ cho rằng tên lửa tầm ngắn DF-16 chính xác hơn DF-15, nhưng sai số của nó cũng lên đến hàng chục mét, nó vốn dĩ không bằng tên lửa Iskander của Nga, nhưng ĐCSTQ lại dám khẳng định độ chính xác nằm trong tầm 5m.
Tên lửa của Nga đã để lộ những lỗ hổng trong thực chiến, và tên lửa của ĐCSTQ có thể còn tệ hơn trong thực chiến. Ukraine về cơ bản không có khả năng phòng thủ tên lửa chứ chưa nói đến khả năng phản công bằng tên lửa, nhưng Đài Loan lại có cả hai. Đài Loan sẽ nhận được sự hỗ trợ tình báo từ Hoa Kỳ. Chỉ cần tên lửa của ĐCSTQ rời bệ phóng, chúng có thể bị theo dõi trên mọi nẻo đường. Tên lửa Patriot và tên lửa Thiên Cung của Đài Loan đều có thể tiến hành đánh chặn lại.
Đài Loan đã được trang bị tên lửa Patriot 2 của Mỹ, hiện đang được nâng cấp; Mới nhất là lần mua 300 tên lửa Patriot 3, sau khi triển khai, tổng số tên lửa Patriot có thể lên tới 650 quả. Tên lửa Thiên Cung-3 do Đài Loan tự phát triển cũng có thể dùng để đánh chặn tên lửa. Đài Loan cũng có tên lửa đất đối đất Vân Phong của riêng mình, có thể tấn công phủ đầu một khi họ có được thông tin về các vị trí tên lửa của ĐCSTQ do Hoa Kỳ cung cấp. Nếu Mỹ cũng tham gia đánh đòn phủ đầu, thì lực lượng tên lửa của ĐCSTQ sẽ hoàn toàn lúng túng.
Vào ngày 17/3/2022, Hoa Kỳ đã trình diễn cuộc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với tên lửa Patriot của Lữ đoàn Phòng không số 35 được triển khai tại Hàn Quốc. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Tấn công dày đặc và bão hòa
Trong hơn 40 ngày, quân đội Nga đã phóng hơn 1.500 tên lửa, tổng số lượng không nhỏ nhưng cũng không phải dày đặc, mỗi ngày có hàng chục quả tên lửa, và dường như không quá 100 quả tên lửa trong một ngày, bao gồm tên lửa phóng từ mặt đất, trên không và trên biển. Nga đã cố gắng duy trì cường độ tấn công, nhưng nó đã không chân chính đạt được sự tấn công dày đặc, chứ chưa nói đến tấn công bão hòa.
Điều này cho thấy không dễ để đạt được một cuộc tấn công dày đặc hoặc bão hòa, Nga có thể không có khả năng tổ chức, quản lý hoặc không đủ năng lực trang bị để hỗ trợ. Để đối phó với Mỹ, trước tiên Nga nên đưa ra khái niệm tấn công bão hòa tên lửa, nhưng nó chưa được áp dụng trong thực chiến, và tấn công bão hòa tên lửa vẫn chỉ là trên lý thuyết. Trên thực tế, cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga diễn ra rải rác trên nhiều mặt trận ở Ukraine và không đủ lực uy hiếp.
Liệu lực lượng tên lửa của ĐCSTQ có đủ khả năng thực hiện các cuộc tấn công tên lửa dày đặc vào Đài Loan, chẳng hạn như hơn 100 tên lửa mỗi ngày hay không, vẫn còn là một dấu hỏi. Liệu lực lượng tên lửa của ĐCSTQ có thể đối phó cùng lúc với hạm đội tàu sân bay Hoa Kỳ hay không thì lại là một câu hỏi đáng nghi ngờ hơn; Hạm đội Hoa Kỳ là một mục tiêu biến động, rõ ràng là khó hơn nhiều để đạt được mục tiêu trong thời gian thực và điều chỉnh mục tiêu.
Chỉ cần tên lửa của ĐCSTQ bắt đầu tấn công, Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ lập tức phản công, tên lửa của 2 hoặc 3 bên sẽ tấn công lẫn nhau, có thể trở thành phiên bản mới của trận địa pháo. Việc tấn công các bệ phóng tên lửa của đối phương sẽ trở thành điểm chính, khả năng trinh sát và nắm bắt mục tiêu của ĐCSTQ rõ ràng sẽ bị tụt lại phía sau.
Mỹ và Nhật Bản cũng đang đề phòng tên lửa của ĐCSTQ tấn công các căn cứ ở Okinawa và Guam cùng lúc. Hiện tại, có vẻ như lực lượng tên lửa của ĐCSTQ không thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ tấn công dồn dập nhằm vào Đài Loan, Okinawa, Guam và hạm đội Hoa Kỳ cùng một lúc. Chiến trường Nga-Ukraine là một ví dụ điển hình. Lực lượng trên thế giới có thể điều phối các cuộc tấn công tên lửa đa dạng và dày đặc như vậy có lẽ chỉ có quân đội Mỹ.
Kết luận
Các cuộc tấn công bằng tên lửa do Nga thực hiện trên chiến trường Ukraine có hiệu quả kém xa so với khi quân đội Mỹ tác chiến tại Iraq. Khoảng cách giữa lực lượng đứng đầu và đứng thứ hai trong hàng ngũ quân sự trên thế giới là quá lớn.
Quân đội đứng thứ ba là ĐCSTQ sợ rằng còn chưa đạt đến trình độ của Nga. Nếu không tham gia thực chiến, có lẽ có thể tiếp tục giữ một chút bí ẩn. Quân đội ĐCSTQ đã xa rời thực chiến trong một thời gian dài. Các sĩ quan và binh lính ĐCSTQ nên cầu nguyện nhiều hơn để không phải đối mặt trực tiếp với quân đội Hoa Kỳ, và không phải trải qua tổn thất lớn hơn so với Nga. (còn tiếp)
Tác Giả: Chu Điền
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của BBT Tinh Hoa.
Tử Vi (Theo NTDTV )