“Quả bom” nợ ở Lào

Chia sẻ Facebook
01/10/2022 08:22:04

Ở châu Á, nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp đang đứng trên bờ vực sụp đổ do một loạt yếu tố như nợ không bền vững trong đại dịch COVID-19, kinh tế gặp khó, chính sách không phù hợp và vay nợ quá nhiều từ Trung Quốc để cải thiện cơ sở hạ tầng kém hiệu quả. Việc đồng USD tăng mạnh cũng khiến tình trạng khủng hoảng nợ ngoại tệ thêm trầm trọng.

“Quả bom” nợ ở Lào

Không chỉ ở châu Á, trên khắp thế giới, dự trữ ngoại hối sụt giảm, thị trường tiền tệ chao đảo, còn các Chính phủ cũng như chủ nợ của họ rơi vào hoảng loạn. IMF ước tính rằng ít nhất 1/3 thị trường mới nổi và khoảng 60 quốc gia kém phát triển nhất ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng khó trả nợ. Trong đó, Lào ở Đông Nam Á và Pakistan ở Nam Á là hai trong những quốc gia châu Á đang gần bờ vực hơn cả.

Phần trăm sụt giảm về dự trữ ngoại hối so với cuối năm 2021

Quốc gia Đông Nam Á nghèo khó, không giáp biển này đang gặp rất nhiều rắc rối về nợ nần. Không khó để nhìn thấy cảnh hàng dài xe cộ xếp ở các trạm xăng tại thủ đô Viêng Chăn và các thị trấn khác khi giá nhiên liệu tăng vọt và tình trạng khan hiếm trở nên tồi tệ hơn trong suốt mùa hè. Sau đó là giá các mặt hàng tiêu dùng thông thường, thậm chí cả nguyên liệu làm bánh mì, cũng lên cao.

“Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy cuộc sống của mình bị ảnh hưởng tới như thế này. Giá tất cả loại hàng hoá đều tăng, còn chúng tôi vẫn phải tồn tại”, một chủ cửa hàng bán dừa và gạo ở Viêng Chăn than phiền.


Giữa năm 2022, lạm phát ở Lào tăng kỷ lục 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá xăng tăng 107.1%. Giá của đồng nội tệ, Kip, lại giảm mạnh, giao dịch ở mức 19,000 Kip đổi 1 USD trên thị trường chợ đen vào tháng 9. Cách đó 1 năm, tỷ giá chính thức chỉ là 9,400 Kip đổi 1 USD .

Để thoát khỏi cảnh khốn khó này, hàng ngàn người dân Lào đã vượt sông Mekong sang nước láng giềng Thái Lan. Ngày càng nhiều xe mang biển số Lào xuất hiện trên các con phố yên tĩnh ở Nong Khai, một thị trấn của Thái Lan ở bờ tây sông Mekong và cũng là biên giới giữa hai nửa.


Bảng cân đối ngân sách quốc gia của Lào cho thấy dự trữ ngoại hối của nền kinh tế 18 tỷ USD này đang dao động ở 1.3 tỷ USD , đủ để thanh toán cho 2.2 tháng nhập khẩu hàng hoá. Nhưng đồng thời, Lào cũng đang gánh khoản nợ nước ngoài hàng năm là 1.3 tỷ USD , hơn một nửa trong số đó là nợ từ Trung Quốc.

Jeremy Zook, giám đốc xếp hạng tín nhiệm khu vực châu Á tại Fitch Ratings và là nhà phân tích về Lào cho biết: “Thâm hụt tài khoá và tài khoản vãng lai cao khiến Lào dễ bị tổn thương, đẩy nước này đến điểm tới hạn”. Tháng 6, cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody's Investors Service tiếp tục hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Lào xuống mức “rác” (junk), một động thái tương tự với Fitch hồi tháng 08/2021.

Fitch Raings cho biết vào cuối tháng 8 năm nay rằng họ sẽ rút xếp hạng với Lào, một động thái nhấn mạnh tình hình tài chính bất ổn của nước này. Việc này diễn ra một năm sau khi Fitch hạ xếp hạng của Lào xuống CCC với lưu ý rằng quốc gia này có khả năng vỡ nợ.

Lào là một trong những ví dụ cho thấy trật tự cho vay đối với các dự án phát triển ở nước ngoài và cán cân thanh toán đang thay đổi như thế nào. Trước đây, Ngân hàng Thế giới (WB) là đơn vị cấp vốn vay cho các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng, còn IMF là cơ quan bơm tiền mặt để giải quyết các vấn đề về cán cân thanh toán. Tuy nhiên, Trung Quốc đang là quốc gia làm hai việc này ở quy mô lớn hơn.


Năm 2021, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cung cấp một khoản vay khẩn cấp trị giá ước tính 300 triệu USD cho ngân hàng trung ương Lào để tăng dự trữ ngoại hối, theo AidData, một phòng nghiên cứu tại trường đại học William & Mary tại Mỹ. Bradley Parks, giám đốc điều hành tại AidData, nói với Nikkei: “Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để đảm bảo Chính phủ Lào có đủ thanh khoản để trang trải ít nhất một số khoản nợ tồn đọng của họ”.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

Chia sẻ Facebook