Pyn Elite Fund: Kinh tế Việt Nam đủ khả năng chống chọi với mọi cuộc khủng hoảng, thị trường chứng khoán đang rẻ một cách "đặc biệt"
Pyn Elite Fund cũng dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta có thể đạt mức 7,5% trong năm nay. Tuy nhiên, báo cáo hạ dự phóng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm xuống mức 5,5% trong năm 2023 do lo ngại xuất khẩu có thể chậm lại bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tại Châu Âu và Mỹ.
Trong báo cáo mới cập nhật, Pyn Elite Fund đến từ Phần Lan đã đánh giá lãi suất sẽ tăng nhanh và mạnh trong thời gian tới. Để kiềm chế lạm phát, các NHTW buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm nhu cầu tiêu dùng dù cho nguyên nhân đẩy lạm phát lên đến đỉnh điểm chủ yếu xuất phát từ việc nguồn cung bị hạn chế do các cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt thương mại.
Theo Pyn Elite, với sự trợ giúp của chính sách tiền tệ, NHTW các nước sẽ cố gắng giảm nhẹ tăng trưởng kinh tế trong cuộc chiến chống lạm phát, tuy nhiên đi kèm với đó là việc khó tránh khỏi khủng hoảng tại các nền kinh tế. Dù vậy, báo cáo tin tưởng nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những áp lực và tốc độ tăng trưởng có thể chống chọi lại với khủng hoảng.
Dựa theo số liệu thống kê trong 25 năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm nhất trong cuộc khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19. Mức tăng trưởng chỉ đạt 2-3%/năm trong bối cảnh lệnh giãn cách xã hội được áp dụng trong nhiều tháng liên tiếp, các chuyến bay quốc tế cũng bị tạm dừng trong khoảng 2 năm. " Nhưng ngay cả vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng thay vì dừng lại", Pyn Elite Fund nhấn mạnh.
Với những cuộc khủng hoảng xảy ra tại các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Châu Âu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường sụt giảm 1-2%/năm. Tương tự đối với cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng do bong bóng bất động sản gây ra, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự chậm lại trong tăng trưởng, song vẫn đạt mức 5%/năm nhờ tiêu dùng và xuất khẩu tăng mạnh.
Trong kịch bản kém lạc quan nhất, quỹ Pyn Eilte cho rằng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm trong năm 2023. Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tới hơn 5% trong năm sau.
Trong tháng 9, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, với triển vọng ổn định. Điều này phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện. Sự đa dạng của các ngành hàng xuất khẩu cũng là yếu tố được Pyn Elite Fund cho rằng sẽ giúp nền kinh tế nước ta giảm thiểu rủi ro. Tỷ lệ nợ công so với GDP cũng đã giảm từ 61,4% xuống 43,1% trong giai đoạn 2017-2021. Chính tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và cơ cấu nợ công hợp lý tạo điền kiện cho việc triển khai các dự án mới như sân bay mới của TP Hồ Chính Minh, hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh hay các dự án năng lượng mặt trời.
"Các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam quản lý tài chính rất tốt. Cơ cấu nợ chiếm tỷ trọng tương đối thấp và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ sẽ cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng nhận thêm tài trợ vốn cho các khoản đầu tư",
Pyn Elite Fund dự phóng tăng trưởng thu nhập tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết của Việt Nam có thể đạt 25% trong năm 2022.
Đặc biệt ngay cả khi xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm sút trong năm tới, tác động tới triển vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết cũng chỉ ở một mức độ hạn chế vì các công ty xuất khẩu lớn nhất thuộc sở hữu của công ty mẹ ở nước ngoài. Những công ty này đã nhận được lợi ích về thuế nhiều năm để đổi lấy các khoản đầu tư của họ do đó các chủ sở hữu sẽ tài trợ các khoản tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu trên.