PVN đề xuất làm tổ hợp lọc hóa dầu 18 tỉ USD, bộ nói cần nghiên cứu kỹ
Theo PVN, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2020 là 18 triệu tấn, dự báo tiếp tục tăng 25 triệu tấn/năm vào năm 2025 và 33 triệu tấn/năm vào năm 2030. Khu vực phía Nam chiếm 45% nhưng chưa có nhà máy LHD nào được xây dựng.
Việc đầu tư bổ sung nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam cần được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ mọi khía cạnh, nhất là nguồn nguyên liệu dầu thô và hiệu quả kinh tế của dự án.
Một lãnh đạo Bộ Công thương đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về đề xuất của PVN liên quan đến việc xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu (LHD) và kho dự trữ xăng dầu quốc gia tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu), với quy mô hơn 18 tỉ USD.
Trước đó, Bộ Công thương cũng đã được Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xử lý kiến nghị của PVN, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền để xem xét quyết định.
Nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn cung?
Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước là Nhà máy LHD Dung Quất và Liên hợp LHD Nghi Sơn khoảng 12,2 triệu tấn, dự kiến tăng lên 13,5 triệu tấn. Vì vậy, khả năng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu sản phẩm xăng dầu, 40% cho các năm 2030 và 20% vào năm 2045. Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 19,5 triệu tấn xăng dầu vào năm 2030 và 25 triệu tấn vào năm 2035...
Đánh giá về năng lực cung ứng của các nhà máy lọc dầu hiện hữu, PVN cho rằng năng lực sản xuất các sản phẩm xăng dầu vẫn còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ. Hằng năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỉ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu để phục vụ nhu cầu trong nước. Đặc biệt, việc vận hành không ổn định của Nhà máy LHD Nghi Sơn như thời gian qua, khả năng dự trữ xăng dầu trong nước còn hạn chế.
Cũng theo PVN, khu vực phía Nam là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, chiếm 45% nhưng chưa có nhà máy LHD nào được xây dựng, nguồn cung cho thị trường này chủ yếu được vận chuyển từ hai nhà máy LHD nằm ở miền Trung và nhập khẩu, nên chi phí cao.
Trong khi đó, Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn cũng đã có quy hoạch xây dựng kho ngầm dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu nếu kết hợp đầu tư xây dựng đồng thời sẽ đảm bảo được nhu cầu dự trữ và giảm chi phí.
Trả lời Tuổi Trẻ về kế hoạch xây dựng thêm nhà máy LHD này, đại diện Vụ Dầu khí và than (Bộ Công thương) cho rằng việc xây dựng nhà máy LHD ở khu vực phía Nam cũng sẽ góp phần đảm bảo nhu cầu xăng dầu, an ninh năng lượng của cả 3 miền.
"Tuy nhiên, việc nghiên cứu đầu tư, xây dựng nhà máy LHD trước hết phụ thuộc vào cân đối cung cầu năng lượng quốc gia, chủ trương, chính sách cũng như các yếu tố về nguồn cung cấp dầu thô trong nước, hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư trong suốt vòng đời của dự án...", vị này nói.
Phải cân nhắc hiệu quả kinh tế
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Quốc Thập - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho rằng các nhà máy LHD đang có chỉ mới đáp ứng được 70% nhu cầu trong nước, nên không đầu tư thêm nhà máy lọc dầu, thị phần nội địa sẽ giảm đi do nhu cầu tăng trong tương lai. Tuy vậy, theo ông Thập, việc triển khai nhà máy lọc dầu mới này cần rút kinh nghiệm, bài học từ 2 nhà máy trước đây nhằm đảm bảo tính tối ưu.
Trong đó, nguồn cung nguyên liệu của nhà máy LHD phải đảm bảo được đáp ứng trong bối cảnh nguồn khai thác dầu thô trong nước ngày càng suy giảm. Bởi việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài cần phải có hợp đồng dài hạn, đảm bảo an toàn hơn.
"Trước đây Nhà máy LHD Dung Quất xây dựng với nguồn cung từ mỏ Bạch Hổ là chính, và khi mỏ này suy giảm thì ta phải đa dạng nguồn cung. Việc cam kết nguồn cung cố định thì luôn phải bị ràng buộc vào những điều kiện khác, nên hoàn toàn phải có ứng xử linh hoạt chứ không cứng nhắc như chúng ta đang làm tại hai nhà máy lọc dầu đã vận hành" - ông Thập nói.
Đại diện Vụ Dầu khí và than cũng cho rằng một nhà máy LHD chỉ được thiết kế phù hợp cho một số chủng loại nguyên liệu dầu thô nhất định, nên sự ổn định nguồn dầu thô rất quan trọng. Do đó, việc thiết kế bắt đầu từ việc xác định nguồn dầu thô đầu vào (tính chất, thành phần...) để từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp chế biến nguồn dầu thô.
Trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam có xu hướng suy giảm, việc đáp ứng nhu cầu cho dự án trong dài hạn là khó khăn.
GS.TS Hồ Sĩ Thoảng, chuyên gia lĩnh vực dầu khí, cũng cho rằng việc xây dựng tổ hợp LHD và kho dự trữ là chủ trương phù hợp để chủ động, đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy vậy, cần cân nhắc nhiều yếu tố như quy mô công suất phù hợp, tính toán khả năng cân đối nguồn vốn của Nhà nước và doanh nghiệp, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.
Cũng theo ông Thoảng, với nguồn cung năng lượng tái tạo ngày càng tăng lên, giảm nguyên liệu truyền thống, việc thu hẹp đầu tư sản phẩm lọc dầu là cần thiết. "Việc mở rộng và tăng thêm sản phẩm lọc dầu cần cân nhắc kỹ và có thể không cần mở rộng vì không nhất thiết nguồn cung xăng dầu trong nước phải đáp ứng tới 100% nhu cầu. Nhưng với sản phẩm hóa dầu ngày càng đắt giá, có thể xem xét mở rộng đầu tư", ông Thoảng nói.
Phải phù hợp với cam kết về giảm phát thải
Theo một chuyên gia ngành dầu khí, sản lượng dầu thô khai thác tại Việt Nam khoảng 8-10 triệu tấn/năm, trong đó cung cấp 3-5 triệu tấn/năm cho Nhà máy LHD Dung Quất. Trong khi đó, sản lượng khai thác qua các năm có xu hướng suy giảm, hoạt động tìm kiếm, thăm dò gặp nhiều khó khăn nên việc đáp ứng nhu cầu nguyên liệu dầu thô cho dự án trong dài hạn là khó khăn.
Hơn nữa, dầu thô khai thác trong nước có giá thành cao nên muốn đảm bảo nguồn cung ổn định cho dự án nhà máy lọc dầu mới sẽ phải nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nguồn dầu thô từ nước ngoài tiềm ẩn rủi ro, bất ổn về nguồn cung. Hơn nữa, các dự án LHD yêu cầu công nghệ hiện đại, vốn đầu tư rất lớn, giá dầu thô nhập khẩu biến động theo thị trường thế giới.
Vì vậy, việc tính toán hiệu quả kinh tế của dự án, phương án thu xếp vốn, tính khả thi của dự án trong bối cảnh phải cạnh tranh với nguồn xăng dầu nhập khẩu, có thuế nhập khẩu bằng 0% hoặc sẽ giảm xuống 0% trong thời gian sắp tới, từ các nhà máy LHD trong khu vực đã hết khấu hao... là các vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
"Hơn nữa, Việt Nam đang triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Do vậy, việc đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu mới cần được xem xét phù hợp với kế hoạch triển khai thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050", vị này nói.
Đầu tư năm 2024, vận hành thương mại năm 2028?
Theo đề xuất của PVN, tổ hợp LHD và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu sẽ được xây dựng tại KCN dầu khí Long Sơn, với các sản phẩm chính là xăng dầu, hóa dầu. Dự kiến tổ hợp sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate trong nước, với nguyên liệu thiếu hụt sẽ nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ. Nhà máy lọc dầu sẽ sản xuất nhiên liệu có tích hợp hóa dầu với công nghệ tiên tiến.
Quy mô công suất của dự án LHD này được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư nhà máy với công suất 12-13 triệu tấn dầu thô/năm, tạo ra 7-9 triệu tấn sản phẩm xăng dầu và 2-3 triệu tấn hóa dầu.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư bổ sung, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm hóa dầu với công suất 5,5-7,5 triệu tấn/năm và giảm công suất sản phẩm xăng dầu còn 3-5 triệu tấn/năm. Dự án kho dự trữ quốc gia sẽ có quy mô dự trữ dầu thô là 1 triệu tấn/năm và 500.000m 3 /năm với sản phẩm xăng dầu.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được trình Chính phủ hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1-2023, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Thực hiện phê duyệt quyết định đầu tư vào quý 1-2024, lựa chọn nhà thầu EPC và xây dựng tổ hợp này trong 3 năm, đến năm 2027.
Dự án dự kiến đi vào vận hành thương mại từ quý 1-2028. Khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư của tổ hợp này khoảng 17-18,3 tỉ USD, trong đó giai đoạn 1 là từ 12,5-13,5 tỉ USD và giai đoạn 2 là 4,5-4,8 tỉ USD.
Theo Ngọc An