PV Oil: Lợi nhuận của quý 1 đạt gần 60% kế hoạch cả năm 2022

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 12:59:22

Quý 1/2022, PV Oil ước tính doanh thu vượt 58,2% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước tính là 295 tỷ đồng, đạt gần 60% kế hoạch cả năm. (Ảnh: dms.gov.vn)

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), đơn vị cung ứng xăng dầu có thị phần lớn thứ hai ở Việt Nam cho biết lợi nhuận trước thuế trong 3 tháng đầu năm ước tính là 295 tỷ đồng, đạt gần 60% kế hoạch cả năm 2022.

Tại cuộc họp hoạt động kinh doanh quý 1/2022 tổ chức hôm 8/4 vừa qua, lãnh đạo PV Oil cho biết tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu của 3 tháng đầu năm đạt 875.000 m3/tấn, vượt 5,2% kế hoạch quý 1 và đạt 26,3% kế hoạch năm 2022.

Tuy sản lượng tăng không nhiều (khoảng 5%) nhưng giá bán xăng dầu tăng cao giúp doanh thu hợp nhất của PV Oil ước đạt 17.800 tỷ đồng trong quý 1, vượt 58,2% kế hoạch quý và đạt 39,6% kế hoạch năm nay.

Theo đó, PV Oil cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 295 tỷ đồng, vượt 136,1% kế hoạch quý và gần 60% kế hoạch năm 2022. So với cùng kỳ năm 2021, doanh thu đã tăng trưởng 52% và lợi nhuận tăng 43%.

Đây đồng thời là mức lợi nhuận cao nhất mà PV Oil ghi nhận được trong một quý kinh doanh từ khi nhà bán lẻ xăng dầu này niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (mã cổ phiếu OIL, sàn UpCOM), theo trang Zing.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 9 kỳ điều chỉnh giá, trong đó có 6 kỳ tăng liên tiếp, đưa giá xăng trong nước lên mức cao kỷ lục 28.980 đồng/lít với xăng E5 RON92 và 29.820 đồng/lít với xăng RON95 vào ngày 11/3, cao hơn khoảng 25% so với 2 tháng trước đó.


Dù đã giảm liên tục trong 3 kỳ điều chỉnh gần nhất, giá xăng trong nước ở kỳ điều chỉnh gần nhất hôm 12/4 vẫn cao hơn 14% so với đầu năm. Hiện xăng RON95 có giá 27.310 đồng/lít; E5 RON92 giá 26.470 đồng/lít; dầu Diesel giá 24.380 đồng/lít,…

PV Oil lý giải về sự biến động của thị trường xăng dầu liên quan đến chiến sự đang diễn ra của Nga-Ukraine; dịch COVID-19 còn phức tạp và nguồn hàng thiếu hụt do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất đã khiến giá cả tăng cao trong thời gian 3 tháng đầu năm.

Trong bối cảnh trên, PV Oil cho biết đã có những giải pháp bảo đảm nguồn hàng ổn định cho toàn hệ thống cửa hàng xăng dầu, khách hàng và hỗ trợ thêm những khách hàng không thường xuyên của doanh nghiệp này.

Tại thị trường Việt Nam, PV Oil hiện là nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 với khoảng 20% thị phần (xếp sau Petrolimex với khoảng 50% thị phần). Đồng thời, doanh nghiệp này cũng là đơn vị đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu lớn trong nước.


Về nguồn cung xăng dầu trong nước, vào đầu tháng 2/2022, tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa được báo chí phản ánh có liên quan đến vấn đề thiếu hụt nguồn cung từ những đơn vị đầu mối. Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), khi kiểm tra hôm 7/2 tại An Giang đã có 9 cây xăng thuộc hệ thống PV Oil đóng cửa vì thiếu xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời (5 cửa hàng tại huyện Châu Thành, 4 tại huyện An Phú). Sự việc “thiếu xăng” tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác như: TP.HCM , Cần Thơ, Đắk Nông, Đắk Lắk, …

Theo lý giải của các cơ quan chức năng, một phần nguyên nhân thiếu hụt xăng dầu trong những tháng đầu năm là do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đột ngột thông báo giảm công suất, nguồn hàng nhập khẩu chưa về kịp,… bên cạnh đó cá biệt có một số trường hợp doanh nghiệp cố ý “găm hàng” chờ giá tăng để thu lợi bất chính.

Để xử lý vấn đề trên, ngày 17/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cho biết đã lập 3 đoàn thanh tra đối với 33 doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu để kiểm tra hoạt động từ ngày 1/1/2021 đến ngày 11/2/2022. Theo Bộ Công thương, nguyên nhân thanh tra là do trong giai đoạn xăng dầu bị thiếu hụt ở nhiều tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên, có hiện tượng “găm hàng” chờ giá tăng của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như báo chí phản ánh.


Quang Minh

Bộ Công thương-Tài chính: Lượng dự trữ xăng dầu bao nhiêu là một 'ẩn số' Bộ Tài chính nói rõ Việt Nam đang hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Hiện lượng xăng dầu dự trữ là chưa xác định.

Chia sẻ Facebook