PV Gas đem 33.000 tỷ đồng - gần 40% tài sản gửi ở ngân hàng
Với doanh thu và lợi nhuận đạt kỷ lục năm 2022, PV Gas cũng nắm giữ lượng tiền, tiền gửi ngân hàng rất lớn, với hơn 1,4 tỷ USD - chiếm 41% tổng tài sản.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas – HoSE: GAS), công ty ghi nhận 22.051 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Biên lãi gộp của PV Gas quý IV/2022 đạt 22,1%, cải thiện so với 17,5% cùng kỳ. Trừ các chi phí, PV Gas lãi sau thuế 3.336 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình về kết quả kinh doanh quý IV/2022, PV Gas cho biết, giá dầu Brent bình quân quý IV/2022 là 88,71 USD/thùng, tăng 8,97 USD/thùng so với cùng kỳ, tức tăng 11% khiến lợi nhuận khí khô tăng tương ứng.
Sản lượng khí khô tiêu thụ tăng 27% so với cùng kỳ. Sản lượng LPG tiêu thụ tăng 16% và sản lượng condensate tăng 48% làm doanh thu và lợi nhuận của PV Gas tăng tương ứng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của PV Gas đạt hơn 100.723 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 15.062 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và tăng 70% so với năm 2021 và là mốc kỷ lục của tổng công ty.
Năm 2022, tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng (kế hoạch này đề ra dựa trên phương án giá dầu bình quân 60 USD/thùng). Như vậy với việc giá dầu neo ở mức cao hơn dự kiến, PV Gas đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và vượt 114% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại thời điểm 31/12/2022, PV Gas nắm hơn 82.806 tỷ đồng tổng tài sản. Trong đó, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của tổng công ty là 34.275 tỷ đồng, chiếm 41% trong tổng tài sản (tương đương 1,4 tỷ USD). So với đầu năm, khoản tiền này tăng thêm 4.176 tỷ đồng.
Năm 2022, PV Gas mang hơn 32.975 tỷ đồng đi gửi ngân hàng dưới hình thức ngắn hạn dưới 1 năm. Khoản đầu tư này đã giúp tổng công ty mang về 1.213 tỷ đồng tiền lãi.
Trong cơ cấu nguồn vốn, doanh nghiệp ghi nhận 21.489 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó 6.082 tỷ là nợ vay, hầu hết là nợ vay dài hạn từ ngân hàng, giảm 24% so với đầu năm, tương đương giảm hơn 1.900 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cuối quý năm của PV Gas là 61.317 tỷ đồng, trong đó quỹ đầu tư phát triển là 21.063 tỷ đồng và khoản lợi nhuận chưa phân phối là 19.242 tỷ đồng.
Trong năm 2022, cổ phiếu GAS đã chứng tỏ sự vượt trội khi tăng 8,4%, trái ngược với mức giảm 16% của ngành dầu khí và 18% của VN-Index. Hiện GAS là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau VCB của Vietcombank, VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes, và BID của Ngân hàng BIDV.
Trong báo cáo phân tích về ngành dầu khí năm 2023, Chứng khoán SSI cho rằng giá dầu có thể giảm từ đỉnh của năm 2022 nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao khoảng 80 - 90 USD/thùng trong năm 2023. Nhân tố hỗ trợ giá dầu có thể là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm phong tỏa Zero Covid, cùng với việc Fed giảm tiến độ nâng lãi suất trong nửa cuối năm.
Ngành khoan dầu có thể hưởng lợi từ hoạt động khoan tích cực hơn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông, mang đến triển vọng tốt hơn cho giá thuê ngày. Nhu cầu chính đến từ các thị trường quốc tế như Indonesia, Malaysia và Trung Đông.
Chứng khoán SSI cho rằng, hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) của Việt Nam trong những năm tới có thể được hỗ trợ bởi Luật Dầu khí sửa đổi.
Vào tháng 11/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Dầu khí sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7/2023), Luật này được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý rõ ràng hơn cho các hoạt động dầu khí, bao gồm cả việc đầu tư mới vào các dự án E&P.
Những thay đổi chính của luật bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi hơn về thuế đối với các nhà đầu tư trong các dự án thăm dò, kéo dài thời gian thực hiện dự án và quá trình thăm dò trong 5 năm và phân bổ vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thành nhà quản lý và nhà đầu tư dự án, giúp rút ngắn quy trình phê duyệt dự án .