Putin muốn chuộc lại sát thủ Nga đang bị Đức giam giữ

Chia sẻ Facebook
05/04/2024 04:51:26

Tổng thống Nga Putin dường như đã thừa thừa nhận rằng đất nước ông đang tìm cách giải cứu sát thủ Vadim Krasikov, người đang thi hành án chung thân tại Đức do tội giết người vào năm 2019.

Nguồn hình ảnh, Bellingcat

Chụp lại hình ảnh, Tòa án phát hiện ra Vadim Krasikov đã hành động theo lệnh từ Điện Kremlin khi ám sát một người Chechnya ly khai

Tác giả, Jake Lapham Vai trò, BBC News 2 tháng 4 2024

Đã một năm trôi qua kể từ khi nhà báo Mỹ Evan Gershkovich bị bắt giữ trong chuyến đi đưa tin ở Nga. Hy vọng tốt nhất để thả Gershkovich có thể nằm ở Vadim Krasikov, người bị kết tội giết người theo lệnh của Điện Kremlin và đang ngồi tù tại Đức.

Mùa hè 2013, một chủ nhà hàng ở Moscow đã bị bắn chết ngay thủ đô nước Nga. Một người đàn ông đội mũ trùm đầu nhảy ra khỏi xe đạp và bắn nạn nhân hai phát trước khi bỏ chạy.

Sáu năm sau, một chỉ huy Chechnya lưu vong tên là Zelimkhan Khangoshvili bị sát hại tại một công viên đông đúc ở Berlin trong hoàn cảnh tương tự đến kỳ lạ. Khangoshvili bị một người đàn ông đi xe đạp bắn với khẩu Glock 26 giảm thanh giữa thanh thiên bạch nhật.

Sát thủ bị bắt sau khi vứt súng và tóc giả xuống sông Spree gần tòa nhà Reichstag, nơi đặt trụ sở quốc hội Đức.

Cảnh sát tìm được hộ chiếu mang tên "Vadim Sokolov" trên người kẻ này nhưng nhà chức trách nhanh chóng kết luận đó không phải là tên của hắn ta.

Gã đàn ông đầu hói, vạm vỡ mà họ đã bắt giữ thực ra là Vadim Krasikov, một công dân Nga có quan hệ với Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) - và là nghi phạm chính trong vụ án mạng năm 2013 ở Moscow.


Trong cuộc phỏng vấn gần đây với nhà báo Mỹ Tucker Carlson , Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như xác nhận các thông tin rằng đất nước ông đang tìm cách lấy lại tự do cho "nhà yêu nước" Krasikov bằng cách trao đổi nhà báo Mỹ Evan Gershkovich.

Tháng 3/2024 đánh dấu một năm kể từ khi Gershkovich - phóng viên tờ Wall Street Journal - bị bắt giữ ở Nga với cáo buộc gián điệp. Đây là điều mà cả Gershkovich, tờ báo của ông và chính phủ Mỹ đều phủ nhận.

Evan Gershkovich không phải là người Mỹ duy nhất đang bị giam giữ ở Nga mà có thể được trao đổi với Krasikov. Cựu lính thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan và nhà báo Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva cũng bị cầm tù ở Nga với những cáo buộc được cho là có động cơ chính trị.

Nguồn hình ảnh, Reuters/EPA

Chụp lại hình ảnh,

Từ trái sang phải: Paul Whelan bị bắt giữ từ năm 2018, Alsu Kurmasheva bị bắt vào tháng 10/2023 và Evan Gershkovich bị bắt vào tháng 3/2023


Đồng minh của Alexei Navalny - cố thủ lĩnh phe đối lập Nga và đang trong quá trình thụ án 19 năm tù trước khi chết - cho biết Navalny cũng đã có thể trở thành một phần trong vụ trao đổi tù nhân liên quan đến Krasikov. Sau cuộc bầu cử ở Nga, Tổng thống Putin nói rằng trước đó ông đã đồng ý trả tự do cho Navalny để đổi lấy "một số người" bị giam giữ ở phương Tây, nhưng Nhà Trắng cho hay đây là lần đầu tiên họ nghe nói về một thỏa thuận như vậy.

Nếu Putin không thay đổi ý định, cách khả thi nhất để lấy lại tự do cho những công dân Mỹ trên là một cuộc trao đổi tù nhân phức tạp cho Krasikov. Điều này cần đến sự hợp tác của cả Đức, Mỹ và Nga.

Trả lời BBC, chính trị gia người Đức Roderich Kiesewetter cho biết thỏa thuận này sẽ buộc Berlin rơi vào tình trạng "ngoại giao con tin". Vậy tại sao Putin lại có vẻ rất muốn giải cứu Krasikov đến thế?

Việc giết người được nhà nước phê chuẩn

Những manh mối đầu tiên cho thấy khả năng Điện Kremlin nhúng tay vào vụ án mạng ở Berlin đến từ lý lịch của Krasikov.

Tổ chức điều tra Bellingcat thu thập được những tài liệu cho thấy Krasikov bị truy nã vì vụ giết người ở Moscow năm 2013. Tuy nhiên, lệnh truy nã bị rút lại sau hai năm và danh tính "Vadim Krasikov" dường như tan vào hư không.

Và đó là thời điểm "Vadim Sokolov", 45 tuổi, xuất hiện. Năm 2015, hắn ta được cấp hộ chiếu và năm 2019 thì hắn có mã số thuế.

Một tòa án Đức khẳng định hồ sơ này chỉ có thể được Điện Kremlin phê chuẩn, do đó Krasikov đã được Nga hỗ trợ để thực hiện vụ ám sát.

"Chính quyền Nga đã ra lệnh cho bị cáo ra tay với nạn nhân," thẩm phán nói sau khi tuyên án Krasikov tù chung thân.

Nguồn hình ảnh, Getty ImagesChụp lại hình ảnh, Đức trục đã xuất hai nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ sát hại Zelimkhan Khangoshvili

Nạn nhân của Krasikov, Zelimkhan Khangoshvili, là một chỉ huy quân nổi dậy Chechnya từ năm 2000 đến năm 2004, khi Chechnya đang chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập chống lại Nga.

Đối với các nhà quan sát phương Tây, Khangoshvili dường như là một phần trong chuỗi ám sát những người Chechnya lưu vong ở châu Âu và Trung Đông do Moscow chỉ đạo.

Điện Kremlin phủ nhận việc tổ chức vụ sát hại ở Berlin và tố cáo phán quyết dành cho Krasikov là "có động cơ chính trị".

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Tucker Carlson, Tổng thống Putin dường như đã thừa nhận khi cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành để trả tự do cho một "nhà yêu nước" Nga, người đã "trừ khử một tên cướp" tại một thủ đô châu Âu.

Ulrich Lechte, thành viên ủy ban đối ngoại của chính quyền Đức, nói với BBC rằng mong muốn chuộc lại Krasikov của Tổng thống Putin là "sự thừa nhận tội lỗi rõ ràng và cho thấy Nga đã có thể hành động vô liêm sỉ và ngang nhiên như thế nào ở đất nước chúng tôi".

Nga đã nghe lén cuộc họp trực tuyến của tướng Không quân Đức như thế nào? 8 tháng 3 năm 2024 Hai năm chiến tranh Ukraine đã thay đổi nước Nga như thế nào? 23 tháng 2 năm 2024 Người Việt ở Kyiv: 'Đất nước và dân tộc Ukraine còn ở đây thì mình vẫn ở đây' 24 tháng 2 năm 2024

Hợp đồng của FSB với sát thủ

Theo các công tố viên tại phiên tòa xét xử Vadim Krasikov, người này thuộc đơn vị 'Vympel' cực kỳ bí mật của FSB.

“Nhiệm vụ chính thức của đơn vị này là các hoạt động chống khủng bố ở trong nước, nhưng theo nhiều cách, họ đã quay trở lại cội nguồn ban đầu của mình, với tư cách là một đơn vị được giao nhiệm vụ bí mật - phá hoại và ám sát - tại nước ngoài," Mark Galeotti, chuyên gia về Putin và an ninh Nga, nói với BBC.

Trong cuộc phỏng vấn với The Insider, người anh em cột chèo với Krasikov, cho biết sát thủ đã đích thân gặp Putin tại một trường bắn khi làm việc cho Vympel. Người này còn sở hữu một chiếc BMW, một chiếc Porsche và thường xuyên đi công tác.


Mối liên hệ giữa Krasikov và FSB có thể đưa ra lời giải thích tại sao Vladimir Putin, một cựu sĩ quan tình báo từng hoạt động ở nước ngoài , lại sẵn sàng trao đổi một tù nhân có giá trị như Evan Gershkovich.

Mark Galeotti nhận định thỏa thuận trao đổi này nói lên nhiều điều về các cam kết của Nga với các đặc vụ ở nước ngoài hơn là về giá trị của cá nhân Krasikov.

"Nga sẽ nói 'nhìn này, nếu anh bị bắt, chúng tôi sẽ đưa anh về, bằng cách này hay cách khác. Có thể tốn nhiều thời gian, nhưng chúng tôi sẽ đưa anh về'," ông Galeotti nói.

"Điều này là rất quan trọng để khiến họ sẵn sàng nhận các nhiệm vụ có thể là cực kỳ nguy hiểm," ông nói tiếp.

Nhưng liệu Krasikov có được phép trở lại Nga hay không cuối cùng tùy thuộc vào chính phủ Đức.

BBC đã tiếp cận ba thành viên ủy ban đối ngoại của chính quyền, tất cả đều phản đối việc thả Krasikov.

Ulrich Lechte, người thuộc Đảng Dân chủ Tự - đảng thành viên trong chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz, nhấn mạnh rằng Đức "không được phép làm điều này cho Nga".

Ông Lechte nói với BBC: “Vụ trao đổi sẽ như một kiểu ân xá và gửi tín hiệu chính trị rằng Nga có thể thực hiện thêm các vụ giết người trên lãnh thổ của chúng tôi, mà những kẻ này sau đó sẽ được thả và không bị trừng phạt gì.”

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các chính trị gia trong ủy ban đối ngoại (của quốc hội) Đức nói vụ sát hại Zelimkhan Khangoshvili là "khủng bố do nhà nước tổ chức"

"Không được phép để xảy ra tình trạng công dân ngoại quốc có thể bị bắt giữ tùy tiện nhằm lợi dụng họ cho việc trao đổi tù nhân," ông Lechte nói.

Jurgen Hardt, thuộc Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, cho biết ông "không thấy bất kỳ sự ủng hộ chính trị nào" đối với tin đồn trao đổi tù nhân liên quan đến Krasikov.

Ngay cả khi Berlin có ý chí chính trị để trả tự do cho Krasikov thì vẫn không có cơ chế pháp lý rõ ràng để thực hiện điều đó..

Người này có thể được tổng thống ân xá hoặc bị trục xuất để chấp hành phần còn lại của bản án ở Nga - điều gần như chắc chắn sẽ không xảy ra sau những bình luận của Putin.

Một trường hợp điển hình là "lái buôn tử thần" người Nga Viktor Bout. Tay buôn vũ khí khét tiếng này được thả khỏi nơi giam giữ ở Mỹ trong cuộc trao đổi tù nhân với ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner. Bout đã chuyển sang hoạt động chính trị và giành được một ghế trong cuộc bầu cử địa phương ở Nga.

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Cuộc biểu tình chống lại Putin diễn ra ở Berlin trong thời gian bầu cử Nga

Nicola Bier, một luật sư người Đức chuyên về luật dẫn độ, nói với BBC rằng "không có cơ chế pháp lý nào thực sự được thiết kế cho tình huống cụ thể này", vì vậy bất kỳ động thái nào cũng sẽ gây tranh cãi và mang tính chính trị cao.

Bill Browder, nhà hoạt động chính trị chống lại Điện Kremlin, đang tổng hợp danh sách hơn 50 tù nhân Nga ở các nước phương Tây có thể được dùng cho việc thương lượng nhằm trả tự do cho các nhà hoạt động và nhà báo bị giam giữ ở Nga.

Browder hy vọng nỗ lực này có thể giúp trả tự do cho nhà báo người Anh gốc Nga Vladimir Kara-Murza - người bị kết án 25 năm tù về tội phản quốc do lên tiếng phản đối cuộc chiến ở Ukraine - cũng như Evan Gershkovich.

Browder thừa nhận chiến dịch của mình "không phải là phương án lý tưởng" nhưng cần thiết để cứu những mạng sống này.

Sau cái chết của Alexei Navalny, Browder cho rằng những con tin khác cũng đang đối mặt với các rủi ro tương tự.

Chia sẻ Facebook