PTBT Báo Văn nghệ phản tố Dạ Thảo Phương có cơ sở pháp lý không, xử lý vụ kiện ra sao?
Luật sư Đặng Văn Cường Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Tp Hà Nội cho biết: “Mọi công dân đều có quyền tố cáo, tố giác tội phạm khi quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại nghiêm trọng.“Nếu ông Lương Ngọc An thấy rằng việc đưa tin là sai sự thật, vu khống thì ông Lương Ngọc An có quyền tố cáo tới cơ quan điều tra”, luật sư Đặng Văn Cường nói.Ngoài ra, Luật sư Đặng Văn Cường cũng thông tin: “Người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam”.
Chiều 14/4, xác nhận với VietNamNet, ông Lương Ngọc An – Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ ( người bị Dạ Thảo Phương tố cáo cưỡng dâm nhiều năm trước - PV ) cho hay, ông đã báo cáo sự việc liên quan tới bà Dạ Thảo Phương lên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam
"Tôi đã làm đơn tố cáo lên công an vì thấy mình đang bị bà Dạ Thảo Phương vu khống'' - ông Lương Ngọc An nói.
Điều được nhiều người quan tâm hiện nay là việc ông An gửi đơn tố cáo ra công an có cơ pháp lý hay không, các tình huống pháp lý tiếp theo sẽ như thế nào khi bà Phương hiện không sinh sống tại Việt Nam?
Nhằm giải đáp những vấn đề nêu trên, Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đậu Huy Giang, Liên đoàn Luật sư TP Hà Nội.
PTBT Lương Ngọc An có đơn gửi công an do “thấy mình đang bị bà Dạ Thảo Phương vu khống”, theo luật sư, việc tố cáo của ông An dựa trên cơ sở nào?
Luật sư Đậu Huy Giang: Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Đối tượng của tố giác chính là các hành vi có dấu hiệu của tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Như vậy ông Lương Ngọc An có thể tố giác bà Dạ Thảo Phương đến Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền nếu như ông An nhận thấy những dấu hiệu hành vi vi phạm có thể cấu thành tội vu khống được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 từ những hành vi của bà Phương đã thực hiện trong thời gian qua như gửi đơn tố cáo đến Hội Nhà văn, Báo Văn nghệ với những thông tin không tính chính xác, biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Bà Phương hiện đang sinh sống tại nước ngoài. Việc này liệu có gây khó khăn, cản trở gì trong quá trình khởi kiện của ông Lương Ngọc An hay không?
Luật sư Đậu Huy Giang: Ở đây sẽ có hai tình huống xảy ra:
Tình huống thứ nhất: Trường hợp bà Dạ Thảo Phương mang quốc tịch nước ngoài và vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Xem xét việc bà Thảo Phương vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam, tức là công dân Việt Nam (Quyền và nghĩa vụ phát sinh vẫn được giải quyết và đảm bảo tuân thủ trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam). Tuy nhiên bà Thảo Phương hiện đang sinh sống ở Cộng hòa Síp thì giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phải trên cơ sở tôn trọng các điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc gia nhập, phải tuân theo các quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã kí kết.
Đối với các nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì việc thụ lí giải quyết sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam (Điều 2 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).
Cụ thể, theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Cũng theo Điều 469 Bộ luật trên quy định về Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, theo đó:
“1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;
c) Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam”.
Như vậy với trường hợp này, ông An vẫn có quyền khởi kiện bà Phương ra Tòa án nhân dân tại Việt Nam có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên phải tôn trọng quy định điều ước quốc tế, hiệp định tương trợ tư pháp, cụ thể là giữa Việt Nam và Cộng hòa Síp.
Trường hợp thứ hai: Bà Dạ Thảo Phương sinh sống ở nước ngoài và đã thôi quốc tịch Việt Nam:
Theo Điều 470 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
“1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
c) Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam…”
Như vậy, ông An vẫn có quyền khởi kiện bà Phương trong trường hợp giữa chính phủ hai nước có Hiệp định tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.
Vậy những tình huống pháp lý có thể xảy ra sau khi các cơ quan chức năng tiếp nhận đơn khởi kiện của ông Lương Ngọc An sẽ là gì, thưa luật sư?
Luật sư Đậu Huy Giang: Sự việc đã xảy ra từ lâu, thật không dễ dàng cho các cơ quan chức năng khi tiến hành điều tra làm rõ. Đến thời điểm hiện tại chưa có đủ chứng cứ cụ thể chứng minh hành vi của ông Lương Ngọc An theo lời bà Dạ Thảo Phương, đồng thời cũng chưa thể nhận định bà Dạ Thảo Phương đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ.
Do vậy, để vụ việc được đánh giá khách quan và đúng bản chất nhất có thể chúng ta hãy cùng chờ những kết luận của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, là một luật sư có quan tâm theo dõi những diễn biến của vụ việc, tôi sẽ đưa ra những tình huống pháp lý có thể xảy ra như sau:
-Thứ nhất: Có căn cứ chứng minh hành vi vu khống của bà Dạ Thảo Phương
Trong trường hợp này ông Lương Ngọc An chứng minh được hành vi của bà Dạ Thảo Phương thuộc những dấu hiệu Theo Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội Vu khống: Bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Ở đây, có thể thấy bà Phương có lan truyền những thông tin liên quan đến ông Lương Ngọc An và đã gây ra những ảnh hưởng nhất định tới hình ảnh, danh dự và cuộc sống của ông Lương Ngọc An.
Tuy nhiên, để xác định đây có phải hành vi vu khống hay không thì vẫn cần thêm nữa những minh chứng chứng minh từ phía ông Lương Ngọc An và sự điều tra, làm rõ từ phía các cơ quan chức năng.
Diễn biến này hoàn toàn có thể xảy ra bởi lời khẳng định từ phía bà Dạ Thảo Phương: “Nếu ông Lương Ngọc An kiện tôi ra tòa về hành vi vu khống, thì tôi rất vui mừng. Bởi tôi sẽ được trình bày, đối chất câu chuyện này và là cơ hội để đưa sự việc ra pháp luật”.
- Thứ hai: Không có căn cứ chứng minh hành vi vu khống của bà Dạ Thảo Phương
Có thể thấy việc bà Dạ Thảo Phương đưa vụ việc từ 23 năm trước ra ánh sáng mang một ý nghĩa khác chứ không với mục đích trừng trị kẻ có tội. Bởi đến thời điểm hiện tại vụ việc này đã hết thời hiệu khởi kiện nên việc trừng trị kẻ có tội đã là muộn màng.
Song, nó có thể cho tất cả mọi người thấy được bộ mặt thật của ác nhân, những nỗi dằn vặt và đau đơn bà Phương đã phải chịu đựng trong suốt những năm tháng thanh xuân.
Nếu công lý đứng về phía bà Phương thì đây sẽ là một câu chuyện truyền cảm hứng tới thời đại bởi tinh thần dũng cảm đối diện và chiến đấu đến cùng với cái ác của nạn nhân hiếp dâm và bạo lực tình dục.
Những hành vi của bà Phương trong trường hợp này như thông tin đến báo chí, mạng xã hội,… gây ảnh hưởng đến đời sống của ông Lương Ngọc An có thể được xem là những hành vi gây sức ép, kêu gọi sự ủng hộ và củng cố niềm tin trong quá trình giải quyết vụ việc. Đồng thời cũng là việc làm cần thiết để bảo vệ bản thân, đòi lại sự công khai, công bằng cho tội ác đã được che giấu ngần ấy năm.
Xin cảm ơn Luật sư !
N. Huyền (thực hiện)