Pravda Ukraine: “Trung Quốc — Đại tà ác”

Chia sẻ Facebook
09/04/2023 09:24:07

Pravda Ukraine, một tờ báo phản ánh đường lối của chính quyền Kyiv, đã đăng bài viết "Trung Quốc đại tà ác" hôm 8/4.

Pravda Ukraine , một tờ báo phản ánh đường lối của chính quyền Kyiv, đăng một bài xã luận có tính định hướng chính trị rõ rệt hôm 8/4 tại vị trí nổi bật. Dưới đây toàn văn nội dung bài xã luận này, mà ở đó Trung Quốc từ ‘Đế chế Thiên quốc ’ trong con mắt Ukraine đã đột ngột biến thành ‘ Đại tà ác ’ của toàn nhân loại như thế nào.

“Trung Quốc — Đại tà ác” — Từ ‘Đế chế Thiên quốc’ thành ‘Đại tà ác’ của nhân loại, bài xã luận của Kyiv đã phân tích thế nào với cái nhìn phê phán cùng cực nhắm vào ĐCSTQ? (Ảnh minh họa cho bài viết này của tờ báo Pravda Ukraine)


Nga là tà ác tuyệt đối. Sau ngày 24/2/2022, quan điểm này đã trở thành một tiên đề đối với hàng triệu người Ukraine. Nhưng chiến tranh và đau thương là cơ hội để chúng ta có thể nhìn ra rất rõ ràng những tà ác bên ngoài Liên bang Nga. Tà ác mà trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã lỡ không nhận ra hoặc chưa đủ nghiêm túc để nhận ra.


Để Ukraine cuối cùng nhận ra chế độ Lukashenko là tà ác, hắn phải góp phần vào cuộc xâm lăng tổ quốc chúng ta. Suốt nhiều năm trong quá khứ, kỳ thực nhà độc tài Belarus ấy vẫn là nhà lãnh đạo nước ngoài được người dân Ukraine thích nhất. Tại Ukraine, không chỉ những tên ‘trộm vặt’ đồng cảm với tên lưu manh xứ Minsk này, mà hơn thế nữa, mà cả một phần đông người yêu nước chúng ta cũng tin Lukashenko là một tổng thống mạnh mẽ có tài quản lý và cứu Belarus khỏi bị Nga sáp nhập.


Để Ukraine phát hiện chủ nghĩa truyền thống Hồi Giáo ở Tehran là tà ác, chúng ta cần phải nếm mùi Shahed của Iran. Trước đây, chế độ độc tài tàn bạo của Ayatollah không làm chúng ta ghê tởm. Không ai trong chúng ta cảm thấy xấu hổ về những hợp tác lâu dài với Iran và hỗ trợ vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đáng buồn thay là đến một ngày, chúng ta chứng kiến tiềm năng công nghệ của Ukraine đầu tư vào vũ khí của Iran đang góp phần trong những tấn công vào các thành phố của chúng ta.


Tuy nhiên, Belarus và Iran là giai đoạn đã qua. Bây giờ chúng ta chứng kiến một âm mưu mới, và người Ukraine có nhận ra rằng chế độ độc tài lớn nhất hành tinh —Trung Quốc cộng sản— là đại tà đại ác hay không?

Tượng Lenin lớn nhất Ukraine, cao 20 mét nặng 40 tấn ở Zaporizhia bị dỡ bỏ năm 2016, cùng với gần 1.000 tượng Lenin khác bị dỡ bỏ theo đạo luật “phi xô-viết hóa” của tổng thống Petro Poroshenko. (Nguồn: Yurchyks / Shutterstock)


Mãi cho đến năm 2022, người Ukraine chúng ta hiển nhiên nhìn Đế chế Thiên quốc với đầy ắp tôn trọng và vinh diệu. Ukraine ngả mũ nghiêng mình kính nể trước sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc.

(Ghi chú: Celestial Empire — Đế chế ở Trên trời, Đế chế Thiên quốc.)


Chúng ta dễ dàng nhắm mắt làm ngơ trước những đàn áp tự do và coi thường nhân quyền diễn ra khắp nơi ở Trung Hoa Đại Lục. Đối với hàng triệu đồng bào của chúng ta, thì Bắc Kinh hiện đại chính là đại biểu của một chính quyền với ‘bàn tay cứng rắn’ đáng mơ ước.


Những thành tựu đáng kinh ngạc của nền kinh tế Trung Quốc rót đầy trong tai người dân thường Ukraine chúng ta, nhưng hiếm có ai trong chúng ta thử nghĩ nghiêm túc về cái giá của chúng.


Kỳ thực, chủ nghĩa tư bản tàn nhẫn vốn đã chết từ lâu ở phương Tây, nay đang ẩn nấp sau lớp vỏ trang trí cộng sản Trung Quốc: Nhân công rẻ mạt, bóc lột người lao động đến tận xương tủy, và không có bất kỳ bảo đảm xã hội nào.


“Ở Trung Quốc, người ta xử bắn tội tham nhũng!” — Các nhà bình luận Ukraine đã viết như vậy, nghẹn ngào thán phục! Nhưng không ai trong số họ tự hỏi một câu hỏi đơn giản: Tại sao việc hành quyết các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ? Tại sao tham nhũng không biến mất khỏi Đế chế Thiên quốc? Lẽ nào các án tử hình còn chưa đủ ngăn chặn được tham nhũng và không góp phần diệt trừ nó?

(Ghi chú: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump 3 năm trước nói rằng không nên đổ tiền vào Ukraine vì đây là nơi tham nhũng nhất thế giới, và một trong những lời hứa đã làm nên thành công của ông Zelensky trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đó là hứa hẹn sẽ giải quyết nạn tham nhũng.)


Khi những tin tức đầu tiên về COVID-19 xuất hiện, đồng bào của chúng ta đã ngưỡng mộ hiệu quả của ban lãnh đạo Trung Quốc và các phương pháp chống dịch ở đó. Mặc dù sau đó đã phát hiện ra đó chỉ là chính quyền Bắc Kinh đã cố tình bóp méo và che giấu thông tin, thì chúng ta vẫn ngưỡng mộ họ. Trên thực tế, chúng ta chưa ý thức được rằng chính Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan nhanh chóng của virus corona gây thảm họa trên khắp hành tinh.


Khi vạch trần những tội ác của chế độ toàn trị trong quá khứ, chúng ta đã đặt Stalin cùng vị trí với Hitler, nhưng đã quên rằng vị trí ấy còn có Mao Trạch Đông, người vẫn được tôn thờ như một nhà cầm lái vĩ đại ở Trung Quốc cho đến tận hôm nay. Người Ukraine chúng ta không cảm thấy ghê tởm khi đứng trước tượng đài của tên đao phủ tanh máu nhất mọi thời đại ấy, kẻ đã giết nhiều người hơn cả Hitler và Stalin cộng lại.


Chúng ta liên tục nhắc nhở nhân dân toàn thế giới về nạn Holodomor Ukraine, nhưng Holodomor Trung Quốc năm 1959-1961 vẫn là một trang lịch sử hắc ám mà hầu hết người Ukraine chúng ta không biết. Chúng ta không biết gì về cái chết của hàng chục triệu người Trung Quốc do nạn đói tạo ra bởi Mao Trạch Đông, không biết gì về nạn ăn thịt người hàng loạt ở Trung Quốc, và không biết gì về hàng tỷ đô la được ĐCSTQ đầu tư để phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân trong cùng thời gian những năm đó.

(Ghi chú: Nạn

Holodomor

Ukraine là nói về nạn đói chết hàng trăm ngàn người ở địa phương nay là Ukraine quãng 1932–1933, được coi là nguyên nhân làm giảm 10% dân số ở nơi có truyền thống xuất khẩu lương thực này, và được một số cộng đồng quốc tế nhìn nhận rằng trách nhiệm được tính lên đầu Stalin. Holod = đói, mor = chết.

Đại Nhảy vọt

là chiến dịch chính trị của ĐCSTQ quãng 1958–1962, khiến 15–55 triệu người chết. Theo Wikipedia.)

Bao nhiêu người chết đói trong thảm họa “Đại nhảy vọt”?


Sau năm 2014, các blogger và nhà báo trong nước chúng ta thường xuyên so sánh Ukraine với Israel, nhưng hầu như không bao giờ so sánh chúng ta với Đài Loan, một quốc gia dân chủ đang chống lại những yêu sách của một nước láng giềng độc tài lớn mạnh, một quốc gia đang ở tình cảnh phần nào tương tự chúng ta. Tuy nhiên, sự tương đồng này không được người Ukraine chúng ta nhận ra, mãi cho đến năm 2022.


Trong tiềm thức của hầu hết chúng ta, Đài Loan tựa như một nhóm ly khai, mà không biết rằng Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Rất ít người trong chúng ta biết từ năm 1971 về trước, chính Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan vốn có vị trí hợp pháp trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Và việc chuyển giao vị trí đó cho chế độ cộng sản đã được vận động hành lang bởi những người phương Tây ủng hộ chính trị thực dụng, giống như những người ngày nay quan tâm đến việc giữ gìn thể diện của Putin.


Kể từ giữa những năm 2010, đã có rất nhiều cuộc thảo luận trong thế giới văn minh về nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Đại Lục. Về hàng trăm ngàn người bị cầm tù không qua xét xử trong “trại cải tạo” . Về cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản. Về những đứa trẻ bị tách khỏi cha mẹ hàng loạt và gửi đến trường nội trú. Nhưng tất cả những điều này chỉ gây được vang không đáng kể trong xã hội Ukraine, và điều đó không chỉ vì chúng ta bận rộn với cuộc chiến hỗn hợp của chính mình.


Trong trí tưởng tượng của chúng ta, tội ác của Trung Quốc quá xa vời và không thể giải thích được, và bản thân Trung Quốc cũng quá lớn và mạnh. Chịu đựng tội lỗi của mình dễ dàng hơn nhiều so với chống lại chúng. Kết quả là mùa hè năm 2021, Ukraine đã rút lại chữ ký của mình trong bản tuyên bố của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ.


Những năm gần đây, sự bành trướng của Trung Quốc đã khiến cả phương Tây lo lắng, nhưng nó hoàn toàn không làm phiền đồng bào chúng ta. Người Ukraine không coi ĐCSTQ là mối đe dọa đối với mình, thay vào đó họ xuất chiêu khác để thúc đẩy nhanh việc nhanh chóng sáp nhập Siberia và Viễn Đông của Nga.


Trong tiềm thức, Trung Quốc cộng sản tự coi mình là một loại đồng minh của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga — kẻ thuần hóa Moscow và là nơi chôn cất tương lai của Liên bang Nga. Mặc dù trong trường hợp này, chúng tôi rõ ràng đã ảo tưởng.


Để Ukraine nhìn Trung Đông theo một cách mới, cần phải có một cuộc chiến toàn diện đẫm máu. Sau ngày 24/2/2022, không thể giả vờ rằng các giá trị phản dân chủ và chống phương Tây của giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn không ảnh hưởng đến người dân Ukraine. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày càng hành động rõ ràng hơn trong vai trò mới – là người bảo vệ kẻ thù của chúng ta.


Rõ ràng là Trung Quốc đã biết về các kế hoạch xâm lược Ukraine của Nga và đã chấp thuận chúng. Rõ ràng là Trung Quốc đang chờ đợi một cuộc tấn công chớp nhoáng trên đất Ukraine và dự kiến ​​sẽ sử dụng nó như một tiền lệ cho việc sáp nhập vũ trang Đài Loan. Rõ ràng là Trung Quốc, như trước đây, không quan tâm đến thất bại quân sự của Liên bang Nga và sẵn sàng cung cấp cho họ một số hỗ trợ.


Câu hỏi đặt ra là sự hợp tác theo tình huống giữa Bắc Kinh và Moscow sẽ tiến xa đến đâu. Liệu Trung Quốc cộng sản có vượt qua ranh giới mà Ukraine sẽ phải công nhận nó là tà ác tuyệt đối hay không. Hoặc, trong mắt người Ukraine, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ giữ nguyên tình trạng nửa xấu xa mà người ta buộc phải chịu đựng — bởi vì nó quá lớn, xa xôi và xa lạ. Nói một cách dễ hiểu, gần giống với nước Nga trong trí tưởng tượng của nhiều cư dân ở thế giới thứ ba.


Theo Pravda Ukraine
(Đây là quan điểm của tờ báo Pravda Ukraine, không nhất định là quan điểm của Trí Thức VN.)

Vương Đan: Dã tâm kinh khủng của Tập Cận Bình Thực tế, vấn đề “thế cuộc trăm năm” này đã có manh mối trong 3 sáng kiến ​​toàn cầu của Tập Cận Bình.

Chia sẻ Facebook