Pin cúc áo - dị vật nguy hiểm đối với trẻ

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 16:06:25

Nếu dị vật thực quản là 1 cấp cứu trong chuyên ngành Tai Mũi Họng thì dị vật pin cúc áo là tối cấp cứu - thường gặp ở trẻ nhỏ.


Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự gia tăng của thiết bị điện tử có sử dụng pin cúc ( pin cúc áo ) thì nguy cơ trẻ em nuốt phải viên pin vào đường tiêu hóa, nhét vào mũi hay vào đường hô hấp khi cầm chơi ngày càng gia tăng, nhất là ở trẻ từ 1- 3 tuổi.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhi T.B.N. (8 tuổi trú tại Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) trong tình trạng nôn nhiều, tăng tiết đờm dãi.

Qua lời kể của gia đình, trước vào viện khoảng 1 giờ, bệnh nhi cầm viên pin cúc áo chơi với em trai, do tranh giành chơi nên bệnh nhi cho viên pin vào miệng giấu, không may viên pin rơi xuống cổ. Khi phát hiện bệnh nhi nôn, gia đình đã đưa ngay đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông.

Phim X-quang dị vật nằm tại thực quản bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ thăm khám, chỉ định chụp phim X-quang cổ và ổ bụng, kết quả có hình ảnh dị vật cản quang là 2 hình tròn đồng tâm ngang mức cổ 6, 7.

Bệnh nhi nhanh chóng được chuyển lên Khoa Gây mê để tiến hành lấy dị vật. Qua nội soi thực quản ống cứng, các bác sĩ lấy ra được dị vật là viên pin cúc áo đường kính 2cm, phủ dịch rỉ nâu đen, tại thực quản vị trí dị vật nằm đã có hiện tượng viêm hoại tử niêm mạc.

Sau lấy dị vật, bệnh nhi được điều trị và được nội soi tiêu hóa ống mềm ngày thứ 2 đánh giá kết quả, tổn thương tại vị trí dị vật nằm còn rất nặng nề.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật gắp dị vật cho bệnh nhi cho biết: Dị vật pin cúc áo có thể gây biến chứng nặng nề ảnh hưởng tới tính mạng nếu dị vật nằm quá lâu ở thực quản. Khác với các dị vật vô cơ khác, khi viên pin mắc lại thực quản sẽ gây ra một loạt các biến chứng như loét, hoại tử dần dần các lớp của thành thực quản dẫn tới thủng thực quản, tổn thương các mạch máu thực quản hoặc để lại di chứng hẹp thực quản về sau.

Mức độ tổn thương thực quản phụ thuộc vào kích thước dị vật, độ mới của của dị vật và thời gian gắp được dị vật. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, thời gian dị vật viên pin lưu lại chỉ từ 30 phút trở lên đã có thể gây ra tổn thương niêm mạc tại vị trí dị vật nằm.

Việc phòng tránh tích cực dị vật viên pin ở trẻ nhỏ là rất quan trọng. Trong sinh hoạt hàng ngày các bậc phụ huynh, các cô giáo, nhân viên bảo mẫu phải hết sức lưu ý, kiểm soát thật tốt không để trẻ cầm chơi, ngậm các viên pin cúc hay các thiết bị điện tử có sử dụng pin.

Khi phát hiện trẻ nuốt pin cần nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng gần nhất để được xử trí sớm nhất có thể, tránh các di chứng đáng tiếc về sau.

Chia sẻ Facebook