Phương Tây nói về 'nỗi đau kinh tế'

Chia sẻ Facebook
26/06/2022 19:31:13

Ở thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 4, truyền thông phương Tây bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những cảnh báo về tác động ngược từ các lệnh trừng phạt áp lên Nga.

Người dân Nga xếp hàng đông nghịt trước cửa hàng thức ăn nhanh mới mở thay thế cho thương hiệu McDonald đã rút khỏi nước này tại phố Bolshaya Bronnaya ở Matxcơva, Nga ngày 12-6 - Ảnh: AP


Tờ New York Times (NYT) ngày 24-6 dưới nhan đề "Liên minh do Mỹ lãnh đạo đối mặt với sự thất vọng và nỗi đau của chính mình vì các trừng phạt chống Nga" viết: "Bốn tháng sau cuộc chiến ở Ukraine, các quốc gia liên kết chống lại Nga phải đối mặt với nỗi đau kinh tế ngày càng tăng trong khi các lệnh trừng phạt và cấm vận năng lượng lại ít ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của tổng thống Nga...".


Tác dụng ngược của cấm vận

Bài báo nhắc: "Các quan chức Hoa Kỳ từng khẳng định với các đòn trừng phạt hiểm nghèo của phương Tây, hệ thống tài chính của Nga sẽ ngã gục và Tổng thống Biden hồi tháng 3 đã tuyên bố các lệnh trừng phạt đang "nghiền nát kinh tế Nga" và sẽ khiến "đồng rúp bị biến thành đống đổ nát". Vậy mà doanh thu từ dầu mỏ của Nga lại lập kỷ lục khi giá dầu thô tăng. Và sau khi lao dốc vào tháng 2, đồng rúp đã đạt mức cao nhất trong bảy năm so với đồng USD trong tuần này".

NYT không phải tờ báo duy nhất chỉ ra tác dụng ngược của các đòn trừng phạt. Cùng ngày, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Balázs Orban, trợ lý cao cấp của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, nói Liên minh châu Âu (EU) càng áp đặt nhiều trừng phạt thì cuối cùng chính "EU sẽ là người thua cuộc".

Vị cố vấn thừa nhận thực tế "càng... nhiều lệnh trừng phạt, chúng ta càng khó khăn, người Nga đón nhận trừng phạt và đã sống sót, và tệ hơn là họ đang tiến binh ở Ukraine". Balázs tin rằng EU cần thay đổi chiến lược của mình. "Đàm phán, ngừng bắn, hòa bình. Ngoại giao. Đây là giải pháp của chúng tôi", ông Balázs Orban tóm gọn các bước đi cấp thiết.

Những lời kêu gọi và cảnh tỉnh của truyền thông thực ra đã xuất hiện từ đầu tháng 6. Ngày 2-6, biên tập viên kinh tế Larry Elliott của báo Guardian (Anh) nhận định: "Nga đã thắng trong cuộc chiến kinh tế" mà phương Tây triển khai chống Matxcơva.

Larry Elliott viết: "Trong 4 tháng đầu năm 2022, V.Putin tự hào có thặng dư tài khoản vãng lai 96 tỉ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021... Đồng rúp, nhờ các biện pháp kiểm soát vốn và thặng dư thương mại tích cực, hóa ra lại trở nên vững mạnh".

Theo quan sát của ông Larry, Nga không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế cho hàng hóa của mình, đặc biệt xuất khẩu dầu và khí đốt sang Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái... Các lệnh trừng phạt đã gây ra tác dụng ngược khi "giá dầu và khí đốt của Nga tăng lên, củng cố đáng kể cán cân thương mại và tài trợ cho hoạt động đặc biệt ở Ukraine".

Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát hằng năm của Vương quốc Anh là 9%, cao nhất trong 40 năm, giá xăng cũng ở mức cao kỷ lục. Các nước châu Âu khác cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Elliott ta thán "cuộc chiến kinh tế đang không diễn ra theo kế hoạch và thực sự rất tồi tệ".

Không chỉ Anh, đầu tàu của các nền kinh tế EU là nước Đức cũng đang gặp khó khăn. Phát biểu trên tờ Der Spiegel ngày 24-6, Phó thủ tướng Đức Robert Habeck thừa nhận Đức đang khủng hoảng khí đốt. Ông cảnh báo việc thiếu hụt khí đốt đang tác động vào nền kinh tế Đức "mạnh mẽ và toàn diện hơn so với tình trạng khan hiếm dầu trong những năm 1970".

Và nếu tình hình hiện nay tiếp tục, một số ngành kinh tế sử dụng khí đốt sẽ chịu thảm họa, tác động không chỉ vào những người sau đó sẽ bị thất nghiệp, mà còn vào những khu vực, mất toàn bộ các liên hợp khu công nghiệp.


Những tín hiệu từ cử tri

Quả thật, thực trạng kinh tế khiến truyền thông phương Tây không thể tiếp tục lạc quan. Đã xuất hiện những tín hiệu đáng lo ngại từ một số chính trường phương Tây.


Ngày 19-6 đảng của Tổng thống Pháp Macron mất đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Một trong những lý do được nhà khoa học chính trị Pháp Dominique Jamet nêu ra trên tờ báo Nga là sự thờ ơ của cử tri Pháp, họ đã quá mệt mỏi sau 2 năm đại dịch và giờ đây phải đối mặt với điều kiện sống tồi tệ hơn trong bối cảnh sức mua giảm và lạm phát tăng.

Hay tại Bulgaria, Quốc hội đã bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Kiril Petkov hôm 23-6. Một trong những lý do là không hài lòng với đường lối kinh tế, tài chính của chính phủ và chính sách chống Nga mạnh mẽ như nhà khoa học chính trị Bulgaria Vadim Trukhachev nói trên tờ Vzglyad.

Bên cạnh các chỉ số lạm phát tăng vọt và viễn cảnh tương lai u ám, thực tế chiến trường Ukraine cũng không khả quan hơn. Trung tá Lục quân Hoa Kỳ Daniel Davis đã nhận định trên Đài Fox News: "Nga có lợi thế áp đảo trong chiến dịch ở Ukraine... Không có lý do gì để nghĩ rằng có thể thay đổi bất cứ điều gì bởi quân Nga đang tiến công và tiêu diệt quân Ukraine".


Ba mặt trận của xung đột

Nhà bình luận chính trị của tờ Financial Times Gideon Rahman nhận định cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra trên ba mặt trận mà trên mỗi mặt trận phương Tây đều tham gia tích cực. Ông viết: "Mặt trận đầu tiên là chiến trường, thứ hai là kinh tế. Mặt trận thứ ba là cuộc chiến của ý chí".

Hai mặt trận đầu tiên nhìn theo góc của nhà báo London thì người Nga đang tạm chiếm ưu thế. Còn mặt trận thứ ba? Tình cờ, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có lần cũng nói ông hình dung cuộc so kè hiện nay giữa Nga và châu Âu là một cuộc chiến tiêu hao, liệu người Nga và châu Âu ai sẽ chịu đựng được lâu hơn? (RIA Novosti ngày 21-6).

Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, thường dẫn đến bùng nổ hoạt động của các "ngân hàng bóng tối" khiến nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng - dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng tài chính.

Chia sẻ Facebook