Phương Tây chuẩn bị cho tình trạng thiếu năng lượng ngày càng lan rộng
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, các nước phương Tây đang chuẩn bị cho tình trạng thiếu năng lượng ngày càng lan rộng.
Thụy Điển mới đây thông báo, nước này có khả năng mất điện vào mùa đông tới. Trong khi đó, những quốc gia châu Âu khác liên tục phải đưa ra các biện pháp tiết kiệm điện .
Giờ đây, khi đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí từ Nga sang Đức đã ngừng hoạt động vô thời hạn, hệ quả của sự khan hiếm là giá năng lượng tại châu Âu dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Trong mùa đông này, ánh sáng điện liệu có chiếu trên đất nước Thuỵ Sĩ, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới? Câu hỏi này đang làm đau đầu đối với người dân vốn quen với cuộc sống vô lo.
Bà Simonetta Sommaruga, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thụy Sĩ, tuyên bố: "Hôm nay, Hội đồng liên bang quyết định rằng Thụy Sĩ phải đặt ra mục tiêu tiết kiệm tự nguyện 15% khí gas trong những tháng mùa đông. Lý do chúng ta làm điều này là do chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào khí gas nhập khẩu".
Bà Diane Skidmore, người dân Anh, nói: "Một vài năm trước, hóa đơn điện, gas của tôi là khoảng 25 Bảng/tháng, giờ thì mọi thứ đều tăng lên. Năm ngoái, tôi đã phải trả 45 Bảng/tháng, mặc dù giá chưa tăng gấp đôi nhưng như thế đã là quá cao rồi. Còn bây giờ tôi phải trả 65 Bảng/tháng. Tôi thực sự sốc vì giá đã cao hơn gấp đôi. Mọi thứ ngày càng đắt đỏ".
Không chỉ Thụy Sĩ, cuộc xung đột tại Ukraine đã để lộ những điểm yếu trong hệ thống năng lượng của các quốc gia châu Âu.
Bắt đầu từ tháng 10 tới, một loạt quốc gia châu Âu như Đức, Anh sẽ tăng phí tiêu thụ cho việc sử dụng khí đốt và điện .
Hóa đơn tiền điện tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng phi mã và một mùa đông phải lựa chọn giữa "ăn uống hoặc sưởi ấm" đang là thực tế mà người dân châu Âu phải đối mặt.
Bà Rebecca McDonald, Nhà kinh tế trưởng, quỹ Joseph Rowntree, cho biết: "Sự sụt giảm mức sống với quy mô lớn như thế này là điều chưa từng thấy trong hàng thập kỷ qua. Đây thực sự là hồi chuông báo động và cần sự can thiệp mạnh mẽ từ các chính sách quốc gia nhằm chấm dứt thảm họa kinh tế đối với những gia đình có thu nhập thấp".
Giảm nguồn cung khí đốt từ Nga, châu Âu tức tốc tìm kiếm các nguồn thay thế tạm thời. Tuy nhiên, hành động "gom hàng" của châu Âu đã kéo theo cuộc chạy đua giá khí đốt trên toàn cầu.
Ngoài châu Âu, nhiều khách hàng châu Á cũng đã gia tăng lượng nhập khẩu khí đốt trong những tháng qua và một cuộc đua không lành mạnh đã diễn ra
Ước tính giá khí đốt nhập khẩu toàn cầu đã tăng hơn 60% trong 3 tháng qua, đe dọa tới đà phục hồi kinh tế thế giới.
Cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới sẽ kéo theo một cuộc khủng hoảng lương thực. Đây là tuyên bố của Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić. Theo Tổng thống Vucic, sau cuộc khủng hoảng năng lượng, cuộc khủng hoảng lương thực sẽ diễn ra. Ngay cả khi kiềm chế được giá cả, sẽ vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt sản phẩm. Ông Vucic cũng dự đoán về sự nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng năng lượng và tài chính ở châu Âu do sự gia tăng hành động thù địch ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Vucic nhấn mạnh, Serbia đang tìm kiếm một giải pháp chiến lược và lâu dài cho các vấn đề này.