Phục hồi thị trường lao động ngoài nước
Việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang trên đà phục hồi.
Theo Bộ Lao động , Thương binh và Xã hội, dự kiến năm nay, lượng lao động đi nước ngoài làm việc sẽ vượt mục tiêu khoảng 10%.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, 6 tháng đầu năm, 68.000 lao động Việt Nam đã xuất cảnh, nhiều nhất là Nhật Bản, Đài Loan, rồi Hàn Quốc, châu Âu... Những lao động có tay nghề, trình độ, kỹ năng luôn có nhiều sự lựa chọn.
Ảnh hưởng dịch bệnh, nên chị Hà - thực tập sinh ngành chế biến thực phẩm tại Nhật Bản, tháng 8 năm nay mới nhập cảnh nước này, muộn hơn so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, chị rất kỳ vọng cơ hội đi thực tập 3 năm.
"Tôi cũng như các bạn đi cùng đều mong muốn mức thu nhập 25 triệu. Công ty luôn song hành và sẵn sàng giúp chúng tôi đảm bảo việc học tập và sang Nhật tốt nhất", chị Mai Thị Hà, thực tập sinh, chia sẻ.
"Tình hình khả quan và các nước có chính sách phù hợp để phục hồi kinh tế, chúng ta có thể đưa lao động đi đạt được kế hoạch đầu năm đề ra là 90.000 người trong năm nay", ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho hay.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, định hướng thời gian tới sẽ giảm đưa lao động phổ thông, tập trung đưa lao động có kĩ năng - tay nghề, để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động thế giới, nâng vị thế của lao động Việt Nam.
Phía đối tác nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ chi phí tuyển chọn, đào tạo kỹ năng, trình độ..., do đó người lao động được giảm chi phí ban đầu.
Thị trường lao động Đức đang tiếp tục cơn "khát" nhân lực khi chính phủ nước này muốn thu hút mỗi năm 400.000 người nước ngoài và đã biết một nghề cụ thể.