Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Làm gì để hồi phục nhanh hơn?
Quản trị vận hành chương trình phục hồi là yếu tố quyết định thành công. Chính phủ đã cho thấy quyết tâm hành động với một số điểm nhấn trọng tâm, trọng điểm trong chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững, như thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thời của hành động
Sau một khủng hoảng (như tài chính, thiên tai hay đại dịch), các nhà hoạch định chính sách thường đưa ra nhiều kế sách mới. Tuy vậy, cuộc sống không dừng lại đó. Thực tế rất đúng lúc này: Khi sóng đã rút, trơ lại trên bờ ngổn ngang quá nhiều cái cần dọn dẹp, thì hành động phải gấp rút gấp hai ba lần bình thường.
Cho đến hết quý 1/2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là "nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á" khi yếu tố tiên quyết của nền tảng phục hồi là tình hình tiêm chủng toàn xã hội và ngăn ngừa dịch COVID-19. Nhiều học giả quan tâm đến Việt Nam bất ngờ khi thấy 100% dân số trên 18 tuổi đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 và đang bắt đầu tiêm đại trà cho trẻ từ 5 đến dưới tuổi. Việt Nam hiện vẫn là trong số các nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Cái "thực"này cho phép các chính sách phục hồi Việt Nam tự tin với các giá trị như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng 6,5% năm 2022. Cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, được Quốc hội chuẩn y với gần 90% phiếu thuận, tăng thêm sức mạnh hành động cho guồng máy.
Tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch Ratings cũng nâng hạng BB với triển vọng tích cực cho Việt Nam và dự báo tăng trưởng GDP sẽ tăng tốc lên 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023 (từ mức 2,6% năm 2021).
'Đầu tiên', tiền đâu?
Tỉ lệ tăng trưởng hồi phục này sẽ chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư công, như bất cứ nền kinh tế nào khi rơi vào khủng hoảng. Đây là thời cơ không thể tốt hơn trong một thập kỷ qua, để chúng ta hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại kết nối toàn quốc. Hạ tầng giao thông không chỉ là đường bộ, đường không mà cả đường thủy. Hãy một chút trở lại kinh nghiệm của nước láng giềng Trung Quốc khi họ dành nhiều thập kỷ cải tổ kinh tế để hoàn tất mạng lưới giao thông hiện đại trước khi cất cánh chiếm ngôi vị ngôi sao kinh tế thứ hai, xét về qui mô, của thế giới.
Việt Nam chúng ta, trong hơn 3 thập kỷ đổi mới, thật ra cũng không quên chuyện này, nhưng hành động quyết đoán cao dường như chưa đủ. Nhiều cái lo, như tỉ lệ nợ công, cũng khiến bước đi chậm, mà "không đi thì không thành đường".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh từng bày tỏ băn khoăn về câu chuyện đường ra quốc tế của các sản phẩm của vùng ĐBSCL phải thông qua Thành phố Hồ Chí Minh trong khi hệ thống giao thông tại đây tắc nghẽn. Nông sản phong phú tại ĐBSCL vì thế không bao giờ "ngóc đầu lên nổi" vì phải chui qua các "nút cổ chai" này. ĐBCSL cần một hệ thống cảng biển xứng tầm với tiềm năng phát triển của vùng, quy hoạch đường bộ, đường thủy, logistics gắn với cảng biển.
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khối ASEAN, chúng ta có một "danh sách chờ" rất dài về cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Thế giới dự kiến Việt Nam sẽ chi 25 tỷ USD/năm cho cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới, với khoảng 20% nguồn vốn đó là từ khu vực tư nhân. Trước đây, khu vực tư nhân chỉ chiếm khoảng 10% tổng đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Tận dụng vốn tư nhân bao gồm vốn đầu tư nước ngoài để kiến tạo hệ thống công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật kinh tế số cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là một bước đi thực tế và khôn ngoan trong nghị trình phục hồi sau đại dịch. Tuy vậy, nghị trình sẽ mất đi tính bền vững và trở nên kém thuyết phục, nếu không hướng mục tiêu đến một nền kinh tế xanh, đầy thách thức trong lộ trình phát triển.
Xanh và năng lượng thay thế
Ngay trong tâm dịch năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về môi trường COP 26 và tại Anh, ông đã có những tuyên bố trách nhiệm và thực tế của Việt Nam trong cuộc chuyển đổi kinh tế xanh với quy mô toàn cầu. Cách tiếp cận của Việt Nam cho thấy sự thấu suốt về biến đổi khí hậu. "Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị.
Cũng như đại dịch COVID-19, "không ai an toàn khi còn một người không an toàn", biến đổi khí hậu cũng vậy. Lộ trình phát triển, có thể là "nhanh nhất Đông Nam Á" của Việt Nam như nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đánh giá, vẫn phải tuân thủ hướng "xanh" (thường chậm hơn hướng "xám" - phát triển với bất cứ giá nào).
Trong lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, thách thức lớn nhất là "thói quen" của nền kinh tế. Ví dụ: chúng ta đã quen xài than đá trong tổng năng lượng quốc gia, nên việc đầu tư cho năng lượng sạch như điện gió là thách thức của tư duy nhiều hơn là chỉ là kỹ thuật. Khó mà vượt qua điểm khởi đầu về hiệu quả đầu tư.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây yêu cầu cơ quan lập quy hoạch cập nhật các quy hoạch hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, hạn chế tối đa đầu tư đường dây truyền tải. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết hiện Chính phủ đang chỉ đạo sát sao để có thể hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch Điện VIII trong thời gian sớm nhất.
Kinh tế số
Mặc dù hạ tầng cứng còn rất thiếu, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc hay hạ tầng mềm của Việt Nam đã tiến bộ nhảy vọt trong thập kỷ qua, đủ sức tạo đà cho giấc mơ kinh tế số trở thành hiện thực. Để phục vụ cho nền kinh tế số, Việt Nam đang gấp rút hoàn tất các "kho" dữ liệu lớn về dân cư và các thủ tục hành chính, pháp lý. Đại dịch COVID-19 trong hai năm qua cho thấy sự cần thiết dữ liệu lớn và kinh tế số thiết yếu như thế nào đối với công cuộc phát triển quốc gia.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh mới đây tuyên bố thành phố lớn nhất nước sẽ là "thành phố digital". Thay đổi cả hệ thống thành số hóa quả là thách thức vô cùng lớn. Thách thức đầu tiên chính là từ hệ thống đào tạo, từ các trường dạy nghề cho đến các đại học và viện nghiên cứu. Nếu hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng không gấp rút đổi mới thì siêu dự án số hóa sẽ gặp khó khăn lớn về nhân lực.
Ngoài ra, số hóa đã là công cụ trợ thủ hiệu quả cho việc phát hiện sự lừa dối và thao túng thị trường của một số người. Với số hóa, những người thao túng không dễ dàng "nhạo báng" những căn bản đạo đức kinh doanh. Luật pháp là "xương sống" giữ cho nền kinh tế đi những bước vững mạnh về phía trước. Các chương trình "không tiền mặt" đã được Chính phủ ban hành, nếu được thực thi như lộ trình, sẽ giúp tăng thâm độ "trong suốt và minh bạch" trong nền tài chính và thuế quốc gia.
Xung đột đe dọa tăng trưởng
Chiến tranh vẫn là rủi ro lớn nhất đối với các triển vọng, với những căng thẳng địa chính trị làm gia tăng nguồn cung toàn cầu đối với mọi thứ, từ thực phẩm đến nhiên liệu. Giá nguyên vật liệu toàn cầu tăng vọt gần đây đã tác động đáng kể đến ngành sản xuất của Việt Nam và có thể trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biết: "Áp lực lạm phát đang gia tăng, thúc đẩy bởi giá dầu tăng cao đã thúc đẩy chi phí trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề".
Tuy nhiên, bất luận khó khăn địa chính trị thế giới đang phủ mây trên nền kinh tế thế giới, sức khỏe kinh tế của Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục, nếu không muốn nói là "quá nhanh", quá tốt", "đáng ngạc nhiên" như một số nguồn uy tín thế giới nhận định.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 ước tính đạt 88,58 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đất nước, chiếm 25,2 tỷ USD các lô hàng. Các doanh nghiệp toàn cầu vẫn tiếp tục chuyển sản xuất sang Việt Nam. Báo Nikkei của Nhật ra ngày 29/3/2022 đánh giá: "Doanh số bán lẻ của Việt Nam, bao gồm cả doanh thu dịch vụ, tăng 4,4% trong ba tháng đầu năm 2022 so với cùng thời điểm năm 2021. Điều đó đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ mức giảm 33,7% so với cùng kỳ vào tháng 8 năm 2021 trong bối cảnh hạn chế đại dịch thắt chặt".
Ngày 15/3 vừa qua chúng ta đã quyết định mở cửa đất nước cho khách du lịch nước ngoài, điều này được cho là sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Hiệu ứng 'dứt điểm'
Sau một cơn bệnh lớn như đại dịch COVID-19 thì không có gì lớn hơn niềm hy vọng phục hồi.
Những công trình được hoàn thành dứt điểm, dù chậm trễ so với kế hoạch, vẫn tái tạo "sức sống mới" trong dân chúng. Ví dụ: vào thời khủng hoảng tài chính 2008, công trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại Thành phố Hồ Chí Minh hoàn tất, dù trước đó "năm lần, bảy lượt" tăng vốn, đã mang lại sự thay đổi to lớn trong tâm lý nhân dân.
Trong đại dịch, việc khánh thành đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam, đường sắt Cát Linh-Hà Đông gây nhiều tranh cãi trước đó, đã âm thầm tác động tích cực tâm lý nhiều người. Một số người dân Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch ra Hà Nội chỉ để được trải nghiệm chuyến xe trên cao này, ít nhất để xem chúng có tốt hay không.
Những công trình lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế, như sân bay Long Thành hay tuyến metro số 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ nằm trong chương trình phục hồi, mà còn phải nằm trong "lộ trình dứt điểm" cho đến năm 2025. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy quyết tâm cao với mục tiêu hoàn thành các công trình này.
Như trên đã nói, sau bất cứ khủng hoảng kinh tế nào, việc xây dựng lại phải tập trung nguồn lực vào cơ sở hạ tầng, vì chỉ có cơ sở hạ tầng mới phục vụ lớn nhất cho đại đa số người dân."Tinh thần là cả nước chung tay phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Giao thông tới đâu thì không gian phát triển tới đó và giá trị đất đai tăng lên", Thủ tướng Pham Minh Chính nói. Ông cho rằng cần làm có trọng tâm, trọng điểm, "làm tới đâu dứt điểm tới đó", không bỏ nửa chừng như một số dự án giao thông vừa qua trên cả nước thời gian trước đó.
"Làm đến đâu dứt điểm đến đó" như chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, là mệnh lệnh chiến trường. Hi vọng rằng với hiệu lệnh này, các dự án lớn sẽ sớm hoàn thành dứt điểm,củng cố, tăng cường niềm tin cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè và đối tác quốc tế
Quản trị vận hành chương trình phục hồi là yếu tố quyết định của thành công, từ cải tiến thể chế đến phân bổ nguồn lực và trên hết, nguồn nhân lực. Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh lập trường thấu suốt giữa "sự" và "người", lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Không có con người Việt Nam kiên trì, thông minh, kỷ luật thì chúng ta sẽ không thể phục hồi nhanh và khỏe lâu dài.