Phục hồi du lịch: Khách nội quá tải, khách ngoại thưa vắng
Du lịch nội địa bùng nổ với chỉ số thống kê được đáng mừng. Nửa đầu năm 2022 lượng khách nội địa đã đạt chỉ tiêu đặt ra cho cả năm. Tuy nhiên, ở mảng quốc tế thách thức đạt mục tiêu đón 5 triệu khách không dễ, 7 tháng trôi qua chưa đầy 1 triệu lượt khách.
Khách Tây lác đác
Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022. Tính từ thời điểm mở cửa 15/3, ngành du lịch chỉ có khoảng 10 tháng để thực hiện mục tiêu. Tổng cục Thống kê đưa ra con số đáng mừng, hơn 352 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7, tăng 49% so với tháng trước. Như vậy, sau 7 tháng nước ta đón khoảng 954 nghìn lượt khách quốc tế, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 tháng còn lại, du lịch phải đón được hơn 4 triệu lượt khách quốc tế mới có thể cán đích.
Những con số có phần tích cực sau hai năm đóng băng do đại dịch, nhưng nhìn gần ở một số điểm du lịch lớn có thể thấy được bức tranh khách quốc tế chưa mấy tươi sáng. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, lượng khách quốc tế đến di tích quốc gia đặc biệt này chưa nhiều. Văn Miếu là “thước đo” khách quốc tế đến Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, bởi điểm tham quan này vẫn thuộc danh mục những điểm đến đông khách quốc tế nhất cả nước.
Khách quốc tế thưa vắng dù Việt Nam rộng cửa chào đón từ giữa tháng 5. Trong số nhiều nguyên nhân không thể không tính tới đặc thù vốn có ở dòng khách này. Mùa cao điểm khách quốc tế bắt đầu từ cuối tháng 9 tới tháng 4 năm sau. Dù cận kề tới thời điểm đông khách, nhưng theo phản ánh từ các doanh nghiệp (DN), nhu cầu của khách đặt tua đến Việt Nam và lượng khách thực tế ở nhiều điểm đến chưa cao. Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel nêu thực tế, khách Tây vẫn lác đác, lẻ tẻ. Vì vậy, nhiều DN lữ hành quốc tế lớn xác định năm 2022 vẫn chủ yếu phục vụ khách nội địa.
Bà Trần Bảo Thu, đại diện Lữ hành Fiditour: “Từ thời điểm Việt Nam thông tin chính thức về việc đón khách du lịch quốc tế trở lại, chúng tôi nhận được các đoàn khách inbound (quốc tế đến Việt Nam) rải rác từ cuối quý 2 và nhiều dần từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, các đoàn khách thời điểm này phần đông là tua nhóm khách vừa, nhỏ lẻ, ghép đoàn tham qua các chương trình phổ thông”.
Sở Du lịch TPHCM đã tổ chức lễ đón đoàn khách MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện kết hợp du lịch) đến từ Ấn Độ. Đại diện đoàn khách MICE này cho biết sẽ tiếp tục trở lại và đưa khách du lịch từ Ấn Độ đến TPHCM trong thời gian tới, ngoài việc trải nghiệm, tham quan, còn tìm kiếm cơ hội đầu tư cho du khách. Nguồn khách từ Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng, hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam. Khách MICE cũng được nhiều địa phương trông chờ, Đà Nẵng cũng xúc tiến mạnh sản phẩm này tới thị trường Ấn Độ.
Tích cực “kéo” khách Tây
Phát biểu tại hội thảo về quy hoạch du lịch hôm 4/8, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nhận định, du lịch Việt Nam tuy có sự phát triển theo chiều hướng tích cực nhưng còn nhiều bất cập, nhiều điểm nghẽn chưa thỏa đáng. Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Du lịch Việt Nam phát triển nhưng ẩn chứa nguy cơ, thiếu bền vững. Điều này cũng bộc lộ rõ khi COVID-19 bùng nổ, khách quốc tế bị chặn đứng nên khách nội địa trở thành cứu cánh.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, chỉ trong 6 tháng đầu năm, khách nội địa đã vượt mục tiêu cả năm và thậm chí có thể vượt cả giai đoạn đỉnh cao năm 2019. “Thế nhưng ngành du lịch gồm ba trụ cột là nội địa, outbound (khách đi nước ngoài) và inbound (đón khách quốc tế), trong đó nội địa thường chỉ chiếm khoảng 30%. Do đó, thời điểm này chúng ta mới phục hồi chứ du lịch chưa phát triển”, ông Bình nói.
Để phát triển ngành kinh tế không khói, cốt lõi vẫn là thu hút khách quốc tế đến và phát triển đều ở cả ba trụ cột. Ông Vũ Thế Bình đặt vấn đề trong 6 tháng đầu năm, cả nước chỉ đón khoảng 600.000 lượt khách trong khi mục tiêu cả năm là 5 triệu lượt khách. “Trách nhiệm của DN và ngành du lịch là làm sao kéo được khách đến vượt mức kế hoạch. Tuy nhiên, DN không thể nỗ lực một mình mà cần sự hỗ trợ, vào cuộc của tất cả cấp ngành, địa phương”, ông Vũ Thế Bình đề xuất.
Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TST tourist nhận định nếu được quảng bá, xúc tiến tốt, Ấn Độ sẽ là thị trường nguồn to lớn của du lịch. Từ trước đến nay, du khách Ấn Độ thường chọn các thị trường như Thái Lan cho các kỳ nghỉ của mình, thậm chí là đám cưới nhưng gần đây Việt Nam đang nổi lên như là điểm đến hấp dẫn với du khách nước này. “Khách Ấn Độ thích những điều mới mẻ ở Việt Nam, quan trọng là lúc này các DN du lịch có nắm bắt, hiểu họ để xây dựng sản phẩm, xúc tiến rồi đón khách. Chúng tôi đang xúc tiến các thị trường mới để thu hút khách quốc tế, trong đó Ấn Độ và Thái Lan”, ông Lại Minh Duy nói.
Từ cuối năm 2021, Lữ hành Fiditour-Vietluxtour cũng như một số DN lữ hành quốc tế tìm giải pháp phục hồi bằng cách nghiên cứu sản phẩm và hành vi tiêu dùng của du khách ở các thị trường quốc tế. Họ chịu khó đưa ra các sản phẩm mới, độc đáo, được thiết kế tập trung vào các trải nghiệm văn hóa địa phương và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. “Ở thời điểm này, sản phẩm du lịch nội địa sẵn sàng để chào đón trở lại các thị trường khách du lịch quốc tế. Bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch nội địa, DN lữ hành cũng mong đợi có thêm các hoạt động quảng bá, kích cầu, xúc tiến du lịch inbound để thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế...”, bà Trần Bảo Thu Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Fiditour nói.
Chuyên gia quốc tế của Chương trình Phát triển du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) về Tiếp thị Du lịch, ông Kai Partale thực hiện khảo sát và kiến nghị về chiến lược du lịch Việt Nam sau COVID-19. Bên cạnh rào cản, khó khăn do đại dịch gây ra, du lịch Việt Nam vẫn có thế mạnh và cơ hội riêng. Ông Kai Partale nêu một số cơ hội như: nhiều tuyến, điểm tham quan và tài nguyên chưa được khám phá có thể nâng cao việc cung cấp sản phẩm. Du lịch Việt có thể xây dựng và sử dụng các trải nghiệm đỉnh cao quan trọng, phát triển các lĩnh vực ngoài trời sau đại dịch để thu hút các nhóm khách du lịch mới...
Đại sứ Việt Nam tại các nước thuộc Trung Đông gồm UAE, Qatar, Kuwait và Saudi Arabia mới đây họp trực tuyến với Vietravel về kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch, kết nối hàng không giữa Việt Nam và các nước tại Trung Đông. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietravel cho biết Trung Đông là nhóm khách hàng mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam do có mức chi tiêu cao khi đi du lịch. Đây cũng là thị trường mới nổi trong những năm gần đây. “Du khách ở các thị trường này quan tâm tới những điểm đến mới, trong đó có Việt Nam, nếu chúng ta nắm bắt cơ hội quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến với chiến lược phù hợp sẽ tận dụng được cơ hội”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.