Phục dựng "di sản số" về liệt sĩ bằng AI
"Hàng triệu người đã ngã xuống trong công cuộc cách mạng của dân tộc, do đó cần một lượng người dùng AI rất lớn để cùng tham gia dự án di sản số..."
Trò chuyện cùng Người Đưa Tin , anh Nguyễn Văn Khánh - đồng sáng lập dự án AICOMIC - có những chia sẻ về hành trình cùng các cộng sự thực hiện dự án phục dựng lại hình ảnh của các nghệ sĩ bằng công cụ AI, gần đây nhất là chân dung 10 liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc.
Giàu giá trị nhân văn
Chia sẻ về nguồn cảm hứng ra đời của AICOMIC, anh Nguyễn Văn Khánh nói: " Cách đây hơn một năm, sau khi thấy một số hình ảnh mà cộng đồng nước ngoài làm, tôi thấy rất ấn tượng, tìm hiểu thì mới hiểu đó là AI generative, thấy hay nên tìm hiểu và rủ thêm một số anh em cùng tham gia bởi tôi thấy đây có lẽ là một cách lập trình bằng ngôn ngữ tự nhiên đơn giản nhất, ai ai cũng có thể làm được.
Điều mà từ rất lâu rồi tôi vẫn ấn tượng với câu nói của một anh cựu Tổng Giám đốc công ty về công nghệ: "Bao giờ 30 triệu người dân Việt Nam mình có thể lập trình được nhỉ?" và tôi nghĩ: 60 triệu người Việt có thể vẽ được ảnh, lập trình được nội dung mình mong muốn với công cụ này".
Với mong muốn chứng minh AI đầy hiệu quả và áp dụng được nhiều vào đời sống thực tiễn, nhóm của anh Khánh đã quyết định lựa chọn phục dựng hình ảnh của các liệt sĩ để tạo cảm hứng cho nhiều người thấy rằng, AI không chỉ đơn thuần là tạo ra được hình ảnh đẹp mà có giá trị nhiều hơn thế.
"Từ những hình ảnh ít ỏi hoặc thậm chí không có gì, chỉ qua sự tưởng tượng cũng có thể xây dựng được những sản phẩm mang nhiều ý nghĩa và rất thực tiễn. Ngày 27/7 vừa qua, những hình ảnh được cộng đồng phục dựng trước đó vẫn còn những tồn tại nhất định, nhóm quyết định dùng AI hoàn thiện hơn rồi đưa vào những hình ảnh đời sống bình thường.
Từ đó, cộng đồng hay người thân có thể cảm nhận rõ hơn các anh hùng của chúng ta hồn nhiên, đáng yêu và sống động như thế nào. Để tuổi trẻ ngày nay thấy rõ hơn những hy sinh, những khó khăn của thế hệ trước...", anh Khánh bày tỏ.
Những hình ảnh phục dựng chân dung 10 liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc bằng AI được giới thiệu đến công chúng, nhiều người bày tỏ niềm tri ân trước sự sống động về những nữ thanh niên xung phong anh hùng của dân tộc. Nhiều bình luận để lại như: "Vẻ đẹp của chứng tích và thời gian", "Tuổi xuân xanh luôn sống trong lòng công chúng",...
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đóng góp về sự mức độ chân thật ở các khía cạnh như biểu cảm, thần sắc,... của các sản phẩm do AI tạo ra.
Số hoá "di sản số'
Nói về các giai đoạn triển khai dự án số hoá "di sản số", anh Nguyễn Văn Khánh cho biết: Giai đoạn 1 khởi nguồn từ lietsi.com với thông tin, nội dung do cộng đồng đóng góp đưa lên, nhưng chưa có hình ảnh, giai đoạn 2 sẽ đào tạo cộng đồng để trước mắt là phục dựng chân dung, sáng tạo sống động các anh hùng liệt sỹ, những người có công...
Ngoài ra, anh Nguyễn Văn Khánh ví AI như một em bé, hiện tại đang cần được dạy dỗ và cung cấp thông tin nuôi lớn và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Cái khó của việc phục dựng ảnh bằng công nghệ AI là không đủ dữ liệu để AI có thể học, do có càng nhiều người góp ý, càng nhiều sản phẩm đưa lên thì AI sẽ học tốt hơn.
Bàn về những phản hồi từ công chúng trước các sản phẩm đầu tiên trong chuỗi dự án AICOMIC, anh Khánh bày tỏ: " Như đã nói AI cần phải tiếp tục học, những sản phẩm ban đầu là dữ liệu để tiếp tục nâng cấp, chỉnh sửa. Những hình ảnh ban đầu chỉ là truyền cảm hứng để cộng đồng cùng hưởng ứng tham gia.
Khen là để động viên và tạo động lực cho cộng đồng, chê là để hoàn thiện hơn. Nếu chúng ta sợ chê mà không làm, sẽ ko có gì cho AI nó học, việc này dẫn tới xây dựng di sản số sẽ vô cùng khó khăn. Do đó nhóm luôn sẵn sàng lắng nghe và liên tục học hỏi nâng cao năng lực để cho ra những sản phẩm ngày một tốt hơn nữa".