Phụ nữ Việt Nam làm việc nhà gấp đôi nam giới, 20% đàn ông không làm việc nhà

Chia sẻ Facebook
17/11/2022 23:37:50

Sự bình đẳng có thể bắt đầu bằng những điều rất giản dị như chia sẻ việc nhà. Chia sẻ việc nhà chứ không phải là giúp vợ hay giúp mẹ làm việc nhà. Bởi việc nhà không phải của riêng phụ nữ trong gia đình. Việc nhà là việc chung, là trách nhiệm của mọi thành viên, không phải ai đang giúp ai.

Nặng gánh việc nhà - nỗi bất công không mấy người nhìn thấy. Có câu nói "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" nhằm chỉ đến trách nhiệm chính của mỗi người trong gia đình, người chồng lo việc lớn bên ngoài, phụ nữ vun vén tổ ấm. Nhưng cũng với suy nghĩ mang nhiều định kiến ấy, nhiều người đàn ông đã đặt toàn bộ gánh nặng của "việc trong nhà" lên vai vợ mình.

Một ngày quen thuộc của không ít chị em phụ nữ là sau giờ tan sở, phụ nữ cũng muốn nghỉ ngơi nhưng về đến nhà lại "bù đầu, bù cổ".

Theo kết quả một khảo sát mới đây, gần 50% phụ nữ chia sẻ, họ phải làm việc nhà vì không ai làm. Chỉ có 30,5% phụ nữ thực hiện những công việc này vì yêu thích.

Với một phụ nữ đã về hưu như bà Vân, một ngày cũng bắt đầu từ 4-5 giờ sáng, luôn chân luôn tay tới 21h mới hết việc. Từ việc nhà mình, nấu nướng, đưa đón, chăm lo 3 đứa cháu đều một tay bà.

Phụ nữ Việt Nam vốn chịu thương chịu khó, coi trọng gia đình, sẵn sàng làm những công việc không được trả lương. Tuy nhiên, nếu không có sự chia sẻ, gánh nặng từ những công việc này ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội về việc làm, thu nhập, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí… của phụ nữ.

Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Thậm chí, 20% đàn ông Việt không hề làm việc nhà. Gánh nặng công việc gia đình dồn lên vai người phụ nữ.

Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 có quy định rằng: Lao động của vợ/chồng ở trong gia đình cũng được coi là lao động tạo ra thu nhập. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của những công việc không tên vốn bị xem nhẹ, coi thường.

Dù chuyện trong nhà ít ai "vạch áo cho người xem lưng". Nhưng chỉ quan sát cũng có thể thấy cuộc sống của không ít cặp vợ chồng trong xã hội hiện nay khi sau giờ làm, các quán nhậu từ cao cấp đến bình dân thường chật kín người. Trong đó, đa số là đàn ông tuổi trung niên và không hề ít người có gia đình.

Tuy nhiên, cũng có tín hiệu mừng là việc chia sẻ việc nhà đang dần được các bạn trẻ quan tâm và trở thành xu hướng.

Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát với 2.000 người trẻ thành thị Việt Nam. Một nửa trong số những người tham gia khảo sát đã có con nói rằng, họ chia sẻ đều trách nhiệm chăm con với chồng/vợ mình. Trong khi chỉ 1/3 số người ấy chia sẻ họ sống trong một gia đình có sự chia sẻ công việc nhà giữa bố mẹ. Điều này cho thấy một sự thay đổi rất tích cực và phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hiện nay".

Có rất nhiều phụ nữ bị đặt vào tình thế phải lựa chọn: Dừng lại sự nghiệp trở về làm nhiệm vụ của người mẹ, người vợ hay tiếp tục phấn đấu? Vì vậy, để phụ nữ thoát khỏi gánh nặng, cần có sự chung tay của nam giới. Sự thấu hiểu, sẻ chia có vai trò rất quan trọng trong đời sống vợ chồng.

Bà Hợp và ông Ấu vừa kỷ niệm 40 năm ngày cưới vào tháng 3 năm nay. Cộng cả thời gian quen biết, tìm hiểu và yêu nhau, ông bà đã ở bên nhau gần nửa thế kỷ. Chưa một lần cãi vã, chưa một câu to tiếng, bí quyết của họ thật đơn giản: Việc nhà không của ai cả, việc nhà của cả hai.

Trước khi ông Ấu về nghỉ hưu, người đảm nhận việc nhà cũng chính là bà Hợp. Nhưng không phải chỉ bây giờ rảnh rỗi mới giúp vợ, ông đã có thói quen làm việc nhà từ lâu.

Giờ đây, khi có thời gian dành cho nhau nhiều hơn, ông bà vẫn giữ thói quen chia sẻ việc nhà. Với ông Ấu, việc không nề hà bất cứ một việc gì trong gia đình còn mang một ý nghĩa khác nữa.

Theo các chuyên gia, một cuộc hôn nhân lâu dài không chỉ dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau mà còn có sự tham gia của cả vợ và chồng vào việc nhà. Gần nửa thế kỷ sống bên nhau của đôi vợ chồng này một lần nữa chứng minh rõ nét điều đó.

Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình 1 tuần làm nhiều hơn đàn ông, với con số làm việc nhà nhiều hơn gấp đôi như những con số phân tích trên. Điều này tạo ra gánh nặng kép trên đôi vai phụ nữ.

Không thể phủ nhận, phụ nữ Việt Nam ngày nay có cơ hội phát triển hơn rất nhiều so với trước đây. Chúng ta đã có những người phụ nữ ở nghị trường, nữ doanh nhân, phụ nữ thành công ở các lĩnh vực mà trước đây tưởng như chỉ dành cho nam giới như phi công. Chúng ta có người phụ nữ chinh phục cả các sa mạc, phá kỷ lục ở những cuộc thi thể thao. Điều này chỉ có được khi xã hội ngày một bình đẳng hơn.

Chia sẻ Facebook