Phụ nữ khi đi sinh con chỉ cần mang theo đúng một thứ là "bà ngoại"
Khi sinh con chị em phụ nữ không cần tay xách nách mang, chỉ cần có bà ngoại đi cùng là mọi thứ sẽ được chuẩn bị đầy đủ. Cũng chỉ có bà ngoại là người thương con, xót cháu nhất.
Người ta thường nói “cháu bà nội tội bà ngoại” nhưng tôi nghĩ cháu ai cũng là cháu thôi nhưng chắc chắn chăm cháu với bà ngoại không phải là “tội”. Với bà đó là tình yêu, tình thương cũng giống như bà từng chăm sóc cho con gái của mình lúc mới lọt lòng. Bởi vậy phụ nữ khi đi sinh con có thể quên mang theo bất cứ thứ gì chứ tuyệt đối đừng quên để “bà ngoại” đồng hành cùng mình.
Chỉ có bà ngoại mới xót con gái nhất
Người ta thường nói muốn biết chồng và gia đình nhà chồng có tốt không thì cứ vào khoa sản sẽ rõ. Người chồng quan tâm, yêu thương vợ con sẽ sốt ruột đứng ngồi không yên, người vô tâm thì chỉ mải mê bấm điện thoại, chơi game, thậm chí là ngủ một giấc ngon lành. Nếu hai mẹ con gặp bất lợi gì, gia đình nhà chồng tử tế sẽ bảo vệ người mẹ đầu tiên. Ngược lại họ chỉ chăm chăm làm thế nào để tốt nhất cho cháu của mình, mặc kệ con dâu.
Khi đứa trẻ được sinh ra, bất kể người lớn nào cũng vậy quanh em bé mà quên đi nỗi đau của người mẹ. Lúc này chỉ có mình bà ngoại là nhớ đến, là xót xa bởi đó là đứa con gái bà mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày. Tôi từng chứng kiến điều đó trong phòng sinh của đứa bạn thân. Sau khi nó sinh con xong chồng và mẹ chồng đều vây quanh bế đứa trẻ. Lúc này bạn tôi yếu ớt muốn uống nước chỉ có mẹ đẻ là chạy lại rót ngay.
Một lúc sau chồng nó mới nhớ ra vợ chạy tới hỏi han. Nhưng lúc này nó đã mệt quá nên chẳng nói năng gì chỉ nhắm mắt thiếp đi. Vậy là anh chồng cũng chỉ ngồi một chỗ ở ghế bên cạnh bấm điện thoại. Trái lại bà ngoại lúc này lại ngồi bên giường bóp chân, bóp tay cho con gái. Bà cũng kéo chăn đắp cho con khỏi lạnh. Nhìn thấy hình ảnh đó tôi mới hiểu đúng là chỉ có người sinh ra chúng ta mới xót xa cho nỗi đau của chúng ta mà thôi.
Tôi cũng từng có dịp vào viện thăm một chị đồng nghiệp sinh con. Lúc tôi vào chị mới sinh bé được 2 ngày nhưng vì sức khỏe yếu nên phải ở viện theo dõi 1 tuần. Chị em cùng công ty vào thăm chị lúc 19h chỉ thấy có một mình bà ngoại ở đó chăm chị. Hỏi ra mới biết, mẹ chồng thì quê ở xa cách 200km nên chưa ra kịp. Còn chồng thì phải đi làm không xin nghỉ được. Vậy là chỉ có mẹ đẻ ở đó chăm con cả con gái và cháu. Anh chồng cũng được đà phó mặc hết cho mẹ vợ. Tối đi làm về ăn uống tắm rửa tinh tươm đến hơn 20 giờ tối mới vào viện với vợ.
Thậm chí khi vào viện rồi cũng chỉ ngồi 1 tiếng rồi lại về nhà ngủ để sáng hôm sau đi làm chứ nhất quyết không ngủ lại bệnh viện. Đến đêm em bé khóc cũng chỉ có bà ngoại thức đêm bế cháu dỗ dành để con gái yên tâm nghỉ ngơi.
Có bà ngoại là có tất cả
Mỗi khi sinh con, chị em phụ nữ phải tất tả chuẩn bị rất nhiều thứ. Ai cũng mua một chiếc làn to mang theo đựng nào là bỉm, sữa, tã, khăn, gối, bao tay, bao chân cho em bé, phích nước nóng, bình sữa, máy hâm sữa, máy hút sữa,... Lúc chị em chuyển dạ sắp sinh dù trước đó có nhớ đến đâu cũng cuống cuồng chẳng nghĩ ra gì nữa. Người chồng lúc này không có kinh nghiệm cũng rất dễ quên nhiều thứ quan trọng dù đã chuẩn bị từ trước.
Nhưng chỉ cần có bà ngoại đi cùng là bà sẽ nhớ tất cả và mang theo đầy đủ đồ cho con gái. Bởi trước đó bà đã trải qua giai đoạn này, có đầy đủ kinh nghiệm cộng với việc thương con xót cháu, chắn chắn sẽ chuẩn bị không thiếu thứ gì.
Tôi vẫn còn nhớ như in lúc chị gái tôi sinh con, nghe anh rể gọi điện báo cả nhà cuống cuồng chạy vào viện. Vì chị sinh sớm hơn ngày dự sinh tới 2 tuần nên cả nhà đều bị bất ngờ. Mẹ tôi mặc dù cuống quýt nhưng vẫn nhớ ra vơ vội những thứ cần thiết mang theo. Lúc vào viện hỏi anh rể tôi có cái này chưa có cái kia chưa thì cái nào cũng thiếu. Thấy vợ đau anh cũng cuống cuồng hỏi hai mẹ giờ thiếu cái này mua ở đâu làm thế nào bây giờ. Lúc đó, mẹ tôi chạy lại ghế chờ xách theo chiếc làn bà mang theo trong đó đã có đủ tất cả.
Đến thông gia cũng phải phục bởi sự chuẩn bị chu đáo của mẹ tôi. Bà mang theo không thiếu một cái gì. Thậm chí còn chuẩn bị cả sữa cho hai mẹ con phòng khi chị tôi mới sinh sữa chưa về kịp.
Hội bạn của tôi cũng không ít lần kể về sự tích đi sinh con. Nhưng có một điểm chung mà đứa nào cũng nói chính là “bà ngoại như một vị cứu tinh”, không có bà ngoại thì cũng chẳng biết sẽ ra sao. Tôi có một cô bạn than thở rằng trong khi nhà mẹ chồng chỉ cách viện có 5km mà chẳng thấy mang cho con dâu bữa cơm nào. Còn nhà mẹ đẻ cách tới 15km thì đều đặn trưa và tối bữa nào cũng xách theo hôm thì cặp lồng cháo, hôm thì chân giò hầm đu đủ, hôm thì gà tần vào cho con gái. Mẹ chồng vào thấy thế lại xuýt xoa có bà ngoại chăm thế này là hết nấc, mẹ cũng yên tâm rồi.
Một đứa khác thì kể lúc tức sữa nó khó chịu đến phát khóc cũng chỉ có bà ngoại ở bên cạnh động viên, an ủi. Chồng thì ngại bệnh viện đông người bảo giúp vợ massage cũng khó khăn. Vậy là mọi việc lại một tay bà ngoại lo tất. May mắn nó có thêm mẹ chồng chu đáo cũng hỗ trợ chăm sóc nhiệt tình. Tuy nhiên, bà cũng chỉ hỗ trợ phần nào còn người túc trực 24/24 cũng chỉ có bà ngoại mà thôi.
Thay con gái chăm cháu chu toàn
Đối với chị em phụ nữ có lẽ chẳng thể yên tâm giao con mình cho bất cứ ai trông ngoài bà ngoại. Lần nào sinh nở cũng là một tay bà ngoại bế ẵm, chăm chút, hết chăm ở viện rồi lại đón con gái về chăm ở cữ suốt cả tháng trời. Anh họ của chồng tôi lấy vợ ở Lạng Sơn cách Hà Nội gần 200km. Lúc sinh con chị vợ đòi về Lạng Sơn đẻ để có bà ngoại chăm sóc. Vì gia đình nhà anh cũng ít người nên đã đồng ý.
Thế là khi chị sinh con, vì đường xá xa xôi nên chỉ có một mình chồng chị lên thăm 1 tuần, còn lại họ hàng ai cũng bảo chờ đầy tháng đằng nào nó chả về đây rồi vào chơi một thể. Ngày chị sinh nhà ngoại có tới cả chục người túc trực đưa đón. Lúc chị xuất viện về nhà bà ngoại cũng một tay lo liệu từ bữa ăn đến giấc ngủ. Đọc những dòng tâm sự của chị trên trang cá nhân mà tôi cũng thấy cảm động.
“Đón con từ tay bác sĩ về là bà ôm ấp, cả ngày cả đêm chỉ cần có bà bên cạnh con là mẹ có mệt quá ngủ quên vẫn yên tâm con. Con khóc mẹ mở mắt ra là thấy bà lục đục bỉm sữa. Lúc nào cũng thấy con ngủ ngoan trong tay bà.
Đã có lúc mẹ con giận không nhìn nhau, nhưng có cháu là bà lại như con bà sinh ra vậy. Gìn giữ, chăm chút, tự tay làm hết. Giờ chỉ muốn bà khoẻ, rồi con lớn nhanh cho bà tuổi già nhẹ nhàng vui vẻ bên các cháu.”
Chị họ con nhà bác tôi cũng vậy. Hai vợ chồng chị đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan nhưng vì chị có em bé nên phải về nước sinh con. Ngày chị sinh cũng chỉ có bà ngoại đứng ngồi không yên. Vì chị lấy chồng là hàng xóm cùng một con ngõ nên thời gian bác gái tôi ở bên nhà chồng chị chăm cháu còn nhiều hơn ở nhà. Được 1 tuần vì thấy bất tiện nên bác đề nghị nhà chồng cho đón chị về ngoại ở cữ.
Sáng nào bác cũng dậy sớm giặt giũ đồ cho em bé, bác giặt bằng tay vì sợ cho vào máy giặt chung với đồ cả nhà sẽ không tốt cho da em bé. Giặt giũ xong bác lại tất tả đi chợ sớm để mua đồ cho tươi. Mỗi ngày đều hì hục nấu một bàn đồ ăn. Ngược lại chị họ tôi kể mấy hôm đầu sinh xong ở nhà chồng mẹ chồng chỉ nấu cho đúng một món thịt rang và rau luộc. Hôm nào bận thì bà mua cho bát cháo thịt băm là xong. Ngược lại về nhà mẹ đẻ chị được ăn uống thoải mái, chẳng phải làm gì nên có rất nhiều sữa cho con bú. Đêm nào cũng được ngủ thoải mái vì em bé khóc đã có bà ngoại bế ra ngoài phòng khách dỗ dành.
Vậy mới thấy, phụ nữ đi sinh con chỉ cần không quên bà ngoại là cuộc đời sẽ nở hoa. Dù sinh mấy đứa đi chăng nữa bà ngoại cũng có thể “cân đẹp”. Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.
Người ta vẫn thường nói phụ nữ chỉ nên sống và hy sinh vì người sinh ra mình và người mình sinh ra. Bởi chỉ có người sinh ra chúng ta là yêu thương, chiều chuộng và xót xa cho con gái vô điều kiện. Ngược lại khi làm mẹ chị em phụ nữ cũng cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng đó mà mẹ từng trao cho mình. Từ nhỏ mẹ cũng là người đồng hành cùng con từ lúc còn đỏ hỏn đến lúc bi bô tập nói tập đi. Sau này là từng giai đoạn con trưởng thành từ lúc học mẫu giáo, rồi tiểu học, trung học, đại học, ra trường, đi làm tới khi lập gia đình. Thậm chí kể cả khi sinh con cũng là một tay bà ngoại chăm bẵm. Do đó, dù có bất cứ vấn đề gì bạn cũng đừng quên báo hiếu bậc sinh thành ra sinh ra, nuôi nấng và dạy dỗ mình thành người.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !