Phụ nữ 37 tuổi co giật, hôn mê vì uống cà phê giảm cân, vì sao TPCN giảm béo hay có chất Sibutramine ?

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 08:16:59

Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hạn chế hấp thu chất béo, giúp cơ thể giảm cân hiệu quả. Đây chính là nguyên nhân hàng loạt TPCN giảm cân có chứa chất cấm này.

Một trong những sản phẩm thực phẩm chức năng giảm béo chứa chất cấm Sibutramine từng bị cơ quan chức năng thu hồi (ảnh minh họa)


Hàng loạt TPCN giảm cân có chứa chất cấm


Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị một bệnh nhân nữ vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân.

Bệnh nhân nữ, 37 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, sau khi sinh con thứ 3 chị tăng cân khá nhiều, ảnh hưởng đến vóc dáng. Một cô bạn cùng công ty giới thiệu một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4 kg. Chị đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói.

Loại cà phê này có vị ngọt thơm như cà phê sữa. Khi uống đến ngày thứ 4, sau uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước. Thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh.

Sau đó, chị được người nhà đưa vào Bệnh viện huyện sau đó chuyển thẳng đến Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở rồi hôn mê và co giật.


TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kết quả chụp cắt lớp còn cho thấy não bị tổn thương. Hiện, sau 10 ngày điều trị, sức khoẻ của bệnh nhân đã dần hồi phục, tuy nhiên, có di chứng để lại hay không khi não bị tổn thương thì cần thêm thời gian mới có thể xác định được.

Vẫn theo Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai, kết quả giám định của Viện Pháp y cho thấy trong loại cà phê giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Đây không phải là sản phẩm TPCN giảm cân đầu tiên đầu phát hiện chứa chất cấm sibutramine.

Trước đó vào tháng 2, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cũng công bố kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm theo kế hoạch, trong đó thực hiện giám sát mối nguy đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đơn vị này đã triển khai lấy mẫu gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia thực hiện. Kết quả cho thấy 6 mẫu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm Sibutramine.

Cụ thể:

1.     TPBVSK Lady slim, số lô: 190715; NSX: 20/6/2019; HSD: 19/6/2022

2.     TPBVSK Kisu, số lô: 170120; NSX: 14/01/2020; HSD: 14/1/2023

3.     TPBVSK Super African Mango 1200- NV.M250; số lô: 01160044; HSD: 08/2022

4.     TPBVSK seven days - NV.M253; số lô: 202021109; NSX: 09/11/2020; HSD: 08/11/2023

5.     TPBVSK Diamond slim - NV.M168; số lô: 20L366; NSX: Không có; HSD: 01/2024

6.     TPBVSK weight loss; Số lô: 030120; NSX: 06/01/20; HSD: 06/01/23

Điều lo ngại là, cả 6 mẫu này đều là thực phẩm chức năng được quảng cáo hỗ trợ giảm cân hiệu quả (giảm 5kg trong 1 tháng…) được nhiều chị em sử dụng.


Chất Sibutramine ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ?

Theo Trung tâm phân tích và giám định thực phẩm Quốc gia – Viện CN thực phẩm, thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân hiện là giải pháp thông dụng dành cho những người bận rộn có nhu cầu giảm cân.

Tuy nhiên, người dùng nếu sử dụng phải những loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramine sẽ bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Tuy nhiên, chất này lại gây những tác dụng phụ nguy hại như: gây nên các triệu chứng đau đầu (tỷ lệ xảy ra khoảng 30,3%), đau lưng (chiếm 8,2%), dị ứng (3,8%), cảm cúm (8,2%), suy nhược (5,9%), đau bụng (4,5%), đau ngực (1,8%), đau nhức cổ vai gáy (1,6%).

Sibutramine nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.

Ngoài ra, Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh, với các triệu chứng: mất ngủ (10,7%), chóng mặt (7,0%), lo lắng (4,5%), trầm cảm (4,3%), kích thích thần kinh trung ương (1,5%), mất khả năng cảm xúc (1,3%), hội chứng Gilles de la Tourette, mất trí nhớ ngắn hạn, rối loạn ngôn ngữ…

Cũng theo nghiên cứu, khoảng 0,1% bệnh nhân đã trải qua cơn động kinh trong khi sử dụng sản phẩm chứa Sibutramine.

Chính vì những tác dụng phụ nguy hại đó, từ tháng 10/2010, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có Sibutramine.

Hiện nay, tại Việt Nam, cục Quản lý Dược, bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và tiến hành thu hồi các sản phẩm chứa chất này.

Giảm cân để làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, nhất là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như "thần dược", tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

“Biện pháp giảm cân an toàn và hiệu quả là chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập hợp lý”, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.


N. Huyền

Chia sẻ Facebook