Phụ huynh TP.HCM kiếm trường 'giữ chỗ' cho con dù chưa biết điểm thi

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 14:15:58

Dù vài ngày nữa, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM mới chính thức công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập 2022, tuy nhiên một số gia đình đã chuẩn bị 'đường lùi' cho con.

Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022 tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN


Hơn một tuần qua, ông N.N.L. (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã rốt ráo tìm trường cho cậu con trai vừa tốt nghiệp THCS để theo học trong năm 2022.


Dù chưa biết điểm, ông L. cho rằng gia đình sau khi tính toán "đủ kiểu" thì thấy tổng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh của con sẽ không quá 10. So với mức điểm chuẩn các năm trước, kết quả này khó lòng đậu vào các trường công lập đã đăng ký.


Giữ chỗ cho... chắc ăn

Gia đình ông L. đã tìm hiểu được vài trường, trong đó 2 trường phổ thông tư thục, 1 trường cao đẳng và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Hướng đi giáo dục thường xuyên được gia đình xem là "hạ sách" trong khi "thượng sách" sẽ là vào trường tư thục có mức học phí khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng.

"Cách đây 2 năm, con đầu lòng của tôi đã trượt cả 3 nguyện vọng lớp 10 công lập. Vì chuẩn bị trễ nên khi có kết quả, chúng tôi rất bị động. Năm nay, thấy tình hình có vẻ không ổn, tôi tính trước để lúc có điểm chuẩn sẽ đăng ký học luôn cho con" - ông L. nói.

Trong khi đó, bà H.T. (ngụ quận 6) cho biết gia đình đang chuẩn bị đăng ký cho con theo học hệ 9+ tại Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật TP.HCM hoặc Trường CĐ Nghề TP.HCM. Bà cho biết mình đã ngắm nghía chỗ học cho con từ khoảng 2 tháng trước khi kỳ thi lớp 10 diễn ra. Lo xa là vì nhận thấy sức của con không thể đậu vào lớp 10 trường công lập. Cũng nhờ chuẩn bị sớm, bà có thời gian dư dả để cân nhắc nhiều lựa chọn.

"Một số bạn của tôi chưa nhập học cho con nhưng chọn cách "đặt cọc" học phí ở một trường tư hoặc trường nghề để phòng xa" - bà T. nói.

Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua có khoảng 93.000 thí sinh trong tổng số khoảng 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi. Năm nay, TP.HCM đưa ra chỉ tiêu cho lớp 10 công lập là 72.800 em. Số không đậu có thể chọn học tiếp tại các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.


Hệ 9+ được quan tâm

TS Trần Thanh Hải - hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông - chia sẻ càng gần đến ngày TP.HCM công bố điểm thi lớp 10, bộ phận tuyển sinh của trường càng được nhiều phụ huynh kết nối tìm hiểu về hệ 9+. Các gia đình chủ yếu đến từ những khu vực lân cận như quận 12, Gò Vấp, Hóc Môn, thậm chí cả Củ Chi cũng lặn lội đến trường để được tư vấn trực tiếp.

Ông Hải cho biết tính đến thứ hai đầu tuần này (20-6), trường đã tuyển được 25% chỉ tiêu cho hệ 9+, sớm hơn nhiều so với những năm gần đây. Nhiều phụ huynh sẵn sàng giữ chỗ học cho con.

"Chúng tôi kỳ vọng với tốc độ trên, ngay trước khi có điểm, trường có thể nhận được hơn 50% học sinh. Số còn lại nhiều khả năng sẽ tuyển trong khoảng 1 - 2 tuần sau đó. Năm nay trường sẽ tuyển từ 13 đến 15 lớp hệ 9+" - ông Hải nói.

ThS Vũ Văn Đông - trưởng phòng đào tạo, Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM - chia sẻ trong khoảng 1 tuần trở lại đây, số lượng phụ huynh chủ động tìm tới trường, muốn biết hướng học nghề sau lớp 9 đã tăng đáng kể. So với năm 2021 chịu ảnh hưởng COVID-19 khiến nguồn tuyển gặp khó khăn, bức tranh năm nay đã rất khởi sắc. Một số học sinh từ các tỉnh thành lân cận TP.HCM cũng đã liên lạc để biết thêm thông tin.

Thầy Đông chia sẻ một phần trong những năm qua, phụ huynh đã có thiện cảm hơn với những ngã rẽ khác với "truyền thống" là vào lớp 10 công lập. Riêng với hướng học nghề, nhiều gia đình nhận thấy con được học, được thực hành. Tỉ lệ ra trường có việc làm sớm lên tới 90 - 95%.

"Nếu muốn liên thông lên đại học, học sinh vẫn có thể lựa chọn. Trường chúng tôi hiện có liên kết với Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho các bạn có nhu cầu học liên thông" - ông Đông nói.


Môi trường nào cũng phải cố gắng

Ông Võ Kim Bảo - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) - chia sẻ mỗi năm khi có kết quả thi lớp 10, ông thường động viên những bạn có điểm không tốt rằng đậu hay rớt ở đây không phải là "dấu chấm hết".

Đôi lúc nguyện vọng thứ 2, thứ 3 hoặc một hướng đi khác ngoài lớp 10 công lập lại phù hợp với bạn mà sau nhiều năm học bạn ấy mới nhận ra. Đôi khi sự thất bại cũng là một lời cảnh tỉnh để bạn có thể tiến bộ mạnh mẽ hơn những năm kế tiếp. "Dù học ở môi trường nào, mỗi học sinh cũng sẽ phải cố gắng hết sức mới có thể thành công", ông Bảo nói.

TS Trần Thanh Hải cho rằng hiện nay có nhiều hướng đi sau lớp 9 cho học sinh tốt nghiệp THCS như học trường nghề, học giáo dục thường xuyên hay trực tiếp đi làm. "Phần lớn học sinh dừng việc học sau lớp 9 là do gia đình khó khăn tài chính. Hiện nay đã có nhiều quỹ học bổng, chương trình khuyến học, học sinh nên tiếp tục con đường học vấn sau THCS", ông Hải nói.

TS Lê Lâm - hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - cho rằng điểm số cao hay thấp trong kỳ thi tuyển sinh chỉ là một trong nhiều yếu tố để cân nhắc xem học sinh sẽ học tiếp ở môi trường nào và môi trường ấy có phù hợp để bạn phát triển tốt nhất hay không.


Trường phổ thông tư thục cũng khởi sắc


Hiệu trưởng một trường tư thục liên cấp học tại Tân Phú (TP.HCM) cho biết năm nay số lượng học sinh từ hệ THCS vào học thẳng THPT cùng hệ thống của trường rất cao, lên tới gần 70%. Trong đó, nhiều em không thi tuyển sinh lớp 10 mà chọn ở lại trường từ đầu. "Với trường chúng tôi, đó là một tín hiệu đáng mừng khi ngày càng nhiều gia đình có tư tưởng lớp 10 công lập không phải là tất cả" - vị này nói.

Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập không có nghĩa là "cửa" đã đóng. Bởi vẫn còn các mô hình trường khác như ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp... sẵn sàng chào đón học sinh.

Chia sẻ Facebook