Phụ huynh: ‘Tôi sốc khi giáo viên chủ nhiệm khuyên con gái bỏ thi vào lớp 10’

Chia sẻ Facebook
24/04/2022 11:55:09

Vợ chồng anh Đ.T (quận Long Biên, TP. Hà Nội) cho biết, họ từng rất sốc khi nghe cô chủ nhiệm của con gái gọi điện đề nghị họ làm đơn không cho con thi vào lớp 10.

Giáo viên ra sức ngăn học sinh thi vào lớp 10. (Ảnh minh họa qua VTC News)

Báo VTC News dẫn lời vợ chồng anh T. cho biết, cách đây 2 năm, con gái vợ chồng anh là Q. khóc nức nở khi vừa đi học về. Con nói với bố mẹ không muốn đi học nữa. Sau một hồi được gặng hỏi, con kể trong giờ nghỉ giải lao đã được hiệu trưởng, cô chủ nhiệm và cô giáo tiếng Anh gọi vào một phòng riêng nói chuyện.


Ba cô ngồi đối diện ‘mổ xẻ’ học lực của con rồi kết luận con không đủ tiêu chuẩn thi vào lớp 10, sau đó nói con về truyền đạt lại với bố mẹ.

Điều đáng nói là không chỉ Q. mà rất nhiều bạn cùng lớp khác cũng được gọi đến căn phòng này.

‘Muốn con được học trường công thì gia đình phải chi một khoản phí đậm’

Cùng ngày hôm đó, vợ chồng anh T. nhận được cuộc gọi từ cô chủ nhiệm với nội dung tương tự.

Cô chủ nhiệm nói với học lực hiện tại của Q., con rất khó để thi vào một trường THPT trên địa bàn TP. Hà Nội. Vì thế cô khuyên gia đình nên sớm tính phương án cho con học trường nghề hoặc tư thục, để con đỡ tốn thời gian thi vào lớp 10.


“Cô chủ nhiệm nói nếu gia đình thật sự muốn cho con học trường công ở Hà Nội thì cô sẽ chỉ cho cách đơn giản” , anh T. kể và cho biết cô chủ nhiệm sau đó đã liệt kê từng bước khuyên vợ chồng anh làm theo.

Học sinh Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Đầu tiên là làm đơn gửi trường để xin không thi vào lớp 10. Sau đó, học sinh chuyển đến học lớp 10 tại trường THPT ở tỉnh khác (sẽ có xe đưa đón hàng ngày). Sau từ 3 – 6 tháng, học sinh được chuyển về một trường công lập tại Hà Nội. Tuy nhiên, gia đình sẽ phải bỏ ra một khoản phí không nhỏ.


“Vợ tôi hỏi vặn lại rằng con gái chúng tôi ‘không đủ điều kiện thi vào lớp 10’ hay ‘không nên thi vào lớp 10’. Cô mới thừa nhận đó chỉ là lời khuyên của cô dựa trên những đánh giá trong quá trình dạy học, còn con gái chúng tôi đủ điều kiện thi vào lớp 10…


Thật may là khi đó vợ chồng chúng tôi cứng rắn đứng về con, tin tưởng con. Kết quả thi vào lớp 10 của con năm ấy cũng tốt, trái ngược với những điều các cô nói” , anh T. chia sẻ.


Không chỉ anh Đ.T, hiện rất nhiều phụ huynh trên địa bàn TP. Hà Nội cũng gặp cảnh tương tự. Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, một phụ huynh có con học một trường THCS ở quận Hai Bà Trưng cho biết cô giáo nói thẳng với con là thi làm sao được mà học. Tốt nhất là học nghề, hay vào trường tư.


Nghe cô nói xong con gái chị về nhà đã khóc rất nhiều. Khi mời các phụ huynh có con ‘học dốt’ đến gặp, chị cũng được cô nhắc lại điều tương tự nên đã cam kết không cho con tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.


“Nhưng con tha thiết thi quá, tôi đành đến xin rút lại và lại được nghe điệp khúc ‘mẹ nghĩ kỹ đi, không thi được đâu, chỉ tốn tiền’. Tôi không biết việc thi tốn tiền bao nhiêu, nhưng nếu cho con học trường tư với mức học phí 6 – 8 triệu đồng/tháng, gia đình tôi mới thật sự khó khăn” , chị tâm sự.

‘Cậu dốt thế thì học hành gì, thi làm sao được mà học…’

Chị Q.H., một phụ huynh có con trai học lớp 9 năm học trước tại trường THCS L.Y., cũng kể, cô chủ nhiệm đã gặp riêng chị rồi nói rằng con trai chị học dốt thế thì có thi vào lớp 10 cũng trượt vào trường công lập, tốt nhất là nên cho con học trường tư thục hoặc học nghề.


Trong buổi họp phụ huynh cuối năm, cô giới thiệu luôn trường nghề để phụ huynh chọn. Đây cũng là trường nghề từng ‘chào mời’ phụ huynh đi tham quan trường.


Không chỉ vậy, trước đó, cô giáo cũng nhiều lần nói với con : ‘Cậu dốt thế thì học hành gì, thi làm sao được mà học’ , nên con bị tâm lý hoang mang. Một số học sinh như con chị bỏ hẳn ý định thi sau những nhận xét, gợi ý của cô giáo.


Bản thân chị H. cũng định buông xuôi theo gợi ý của cô nhưng con gái lớn cho rằng ‘phải để em cố gắng trước đã’. Sau đó con bé đã lên kế hoạch ôn tập với em trong 2 tháng để lấp lỗ hổng kiến thức và kết quả con trai chị không chỉ thi đỗ vào một trường THPT công lập mà còn dư điểm.


Nhưng “điều cứu vớt con trai tôi không phải chuyện thi đỗ trường công mà là con đã có niềm tin vào bản thân, không phải ‘dốt nát, hết cách thay đổi’ như cô giáo nói” , chị H. chia sẻ.

Nhận định về sự việc trên, nhiều người cho rằng việc giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh viết đơn tự nguyện xin cho con không thi vào trường THPT công lập trên địa bàn không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của các con ở thời điểm hiện tại, mà còn khiến tương lai các con bị định hướng sai lệch. Nhiều học sinh dù đủ năng lực nhưng phải chọn các hướng đi khác.

Liên quan đến vụ việc trên, sở GD&ĐT Hà Nội mới đây yêu cầu rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu có tình trạng này.


Vũ Tuấn (t/h)

Chia sẻ Facebook