Phụ huynh nghèo mong được trợ giá sách giáo khoa
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc tìm cách giảm giá một cách hợp lý, nhà nước cần trợ giá vì sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, vì học sinh đi học không thể thiếu sách.
Một trong những vấn đề được dư luận thời gian qua đặc biệt quan tâm là giá sách giáo khoa tăng cao, gấp từ 2 đến 3 lần so với sách cũ. Ngoài lý do chất lượng giấy, in ấn đẹp thì việc xã hội hóa cũng là nguyên nhân khiến sách giáo khoa cứ tăng giá đột biến.
Bảng kê danh mục sách giáo khoa lớp 3 mà học sinh phải mua tại một trường học ở Hà Nội là 32 đầu sách với tổng số tiền hơn 600.000 đồng. Con số này sẽ lớn hơn nếu bổ sung thêm sách tiếng Anh.
Chi phí sách giáo khoa càng là gánh lo đối với các gia đình khó khăn. Sau mùa hè này, Minh Hằng sẽ bước vào lớp 6 và học theo chương trình mới. Mẹ đi làm thuê công nhật, 2 năm dịch bệnh hoành hành, tháng nào nhiều nhất cũng chỉ hơn 2 triệu đồng.
Mong muốn giảm giá sách giáo khoa cũng là nguyện vọng chung của các thầy cô giáo vùng khó khăn. Là xã thuộc địa bàn miền núi, số hộ nghèo và cận nghèo ở Ba Trại, Ba Vì chiếm tỉ lệ cao. Học phí của các em đã có chính sách hỗ trợ nhưng sách giáo khoa phụ huynh vẫn phải tự mua.
Những ngày gần đây, vấn đề bình ổn giá sách giáo khoa cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội. Giá sách giáo khoa một lần nữa được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên chất vấn về lĩnh vực tài chính.
Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, sách giáo khoa không phải mặt hàng nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản. Về việc đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá, ông cho biết, đây là thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm tham mưu trình.
Trong khi chờ đợi các Bộ ngành liên quan phối hợp tìm cách quản lý giá sách giáo khoa, mỗi gia đình vẫn buộc phải xoay xở để con có đủ sách trong năm học tới. Dự định từ tháng 7 tới, vợ chồng chị Oanh sẽ phải tăng ca thêm khung giờ tối mới có thể lo đủ cho 3 con ăn học.