Phụ huynh 4.0 và sự thay đổi trong tư duy để lại tài sản cho các con
Thời gian gần đây, không ít người bàn luận về vấn đề cha mẹ không để lại tiền tiết kiệm và tài sản cho con cái. Tư duy về vấn đề thừa kế ngày nay đã khác xưa rất nhiều.
Mỗi thời mỗi khác, các bậc phụ huynh ngày xưa luôn cố gắng làm việc, tiết kiệm từng chút, tích cóp tài sản để mong cho con cháu mai sau đỡ vất vả. Thế nhưng, cách suy nghĩ đó cũng đã dần thay đổi, ngày nay, nhiều bố mẹ lựa chọn không để lại tài sản cho con cái. Ngay lập tức, quan điểm này thu hút sự chú ý của nhiều người, không ít ý kiến cho rằng: "Vậy bố mẹ kiếm tiền để làm gì? Tại sao họ lại không để tài sản cho con cháu?,...
Mỗi gia đình sẽ có cách giáo dục trẻ khác nhau. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Bố mẹ có hàng tỷ đồng tiền tiết kiệm nhưng không cho con
Ngày nay, xu hướng không để lại tài sản thừa kế cho con không còn hiếm. Các vị tỷ phú hàng đầu thế giới cũng có chung suy nghĩ này. Điển hình có thể kể đến tỷ phú Bill Gates đã từng gây xôn xao toàn cầu khi tuyên bố không để lại toàn bộ tài sản cho con. Đối với Bill Gates hay nhiều tỷ phú khác, họ không muốn con cháu của mình "ngồi trên đống vàng" mà không còn động lực cố gắng. Vì vậy, họ dự định quyên góp tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, đồng thời, coi đây là cách dạy con thiết thực và hữu ích nhất.
Bill Gates quyết định không để lại toàn bộ tài sản cho các con.
Không chỉ tỷ phú trên thế giới, mà nhiều phụ huynh Việt Nam cũng quyết định làm như vậy. Có thể nói, phụ huynh thời 4.0 cũng đã thay đổi rất nhiều về tư duy trong việc thừa kế.
Một người bạn của tôi có tâm sự về việc vợ chồng cô ấy đang cố gắng tích cóp tiền để mua nhà. Khi được hỏi về việc bố mẹ 2 bên có trợ giúp một khoản hay không. Cô ấy chia sẻ rằng: "Gia đình mình đã thống nhất rõ ràng quan điểm với nhau. Tiền tiết kiệm của bố mẹ là để dưỡng già và vợ chồng mình sẽ tự cố gắng để có thể mua nhà".
Người già cũng có nhiều khoản phải tính toán, chi tiêu. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Hiện nay, đối với nhiều phụ huynh, họ không muốn làm phiền đến con cái. Chính vì vậy, họ cố gắng làm việc để có khoản tiết kiệm cho riêng mình. Sau này, khi đã về hưu, không còn đi làm cũng có thể tự lo cho bản thân, không trở thành gánh nặng của các con. Đặc biệt ốm đau cũng có khoản dự phòng.
Thế nhưng, chuyện bố mẹ không để lại tài sản cho con cái cũng nhanh chóng tạo ra nhiều luồng ý kiến. Tất nhiên, có người đồng ý nhưng cũng có người không đồng tình:
- Bố mẹ cho con cái cả cuộc đời rồi, cố gắng làm việc hết mình, quên thời gian để nuôi con nên người. Giờ có chút tiền để các cụ dưỡng già, còn muốn gì nữa, con cái lớn rồi tự lao động lo lấy thân đi chứ.
- Không để tiền cho con cháu thì cũng được thôi, vì họ có quyền hưởng. Nhưng mà nếu giữ hết xài trong khi con cháu khổ thì cũng không vui lắm đâu. Quan điểm của tôi cũng thế, hết 1 kiếp người, về già xài có bao nhiêu.
- Người già thì cũng nhiều thứ phải chi tiêu, có tuổi lại ốm đau nhiều. Con cháu cũng nên tự cố gắng đừng cố trông đợi, phụ thuộc vào tài sản của bố me.
- Tại sao mình không tự tích cóp như vậy mà cứ muốn lấy tiền của người khác. Nhiều người xin mà không được cha mẹ cho, lại quay sang trách móc, giận hờn, hận cha mẹ mà phủi sạch công ơn cha mẹ đã nuôi nấng lớn khôn.
Bố mẹ kiếm tiền để làm gì?
Có lẽ do thông lệ xưa nay, bố mẹ cố gắng, nỗ lực làm việc để kiếm tiền mong các con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì không muốn các con vất vả nên nhiều người cố gắng có thật nhiều tiền và tài sản để những đứa trẻ của mình có một "vạch xuất phát" hoàn hảo, hay thậm chí là "sinh ra ở vạch đích". Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bố mẹ làm việc kiếm tiền chỉ với mục đích để lại cho con cái hưởng thụ. Mỗi gia đình sẽ có 1 định hướng và cách dạy con khác nhau. Việc có để lại tài sản cho con hay không là lựa chọn của mỗi người.
Mỗi bố mẹ sẽ có cách yêu thương và giáo dục các con khác nhau. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Bố mẹ kiếm tiền là để thực hiện những ước mơ của riêng mình. Ngoài con cái, họ cũng có những dự định và hoài bão lớn lao để bản thân cố gắng làm việc, thực hiện nó.
Suy nghĩ "thừa kế" đã khác xưa
Có thể thấy, suy nghĩ về vấn đề thừa kế đã khác xưa rất nhiều. Ngày nay, nhiều phụ huynh thay vì cho con "nhiều con cá", họ lại muốn đưa cho chúng chiếc "cần câu". Sau cùng, những nhận xét cho rằng bố mẹ không cho con tiền là "ích kỷ" có phần chưa đúng. Phụ huynh của chúng ta đã nỗ lực và cố gắng để có một khoản tiền tiết kiệm, chúng ta là những người trẻ cũng có thể tự mình bươn chải, mua những thứ mình thích, làm những điều mình muốn bằng chính sức lao động của bản thân thay vì chỉ trông đợi vào phần tài sản thừa kế.
Tài sản mà bố mẹ để lại cho các con không chỉ có tiền bạc.
Thứ tốt nhất mà cha mẹ để lại cho con cái không chỉ là tiền bạc. Hãy dạy bọn trẻ cách cố gắng phấn đấu để đạt được thành công, cũng hãy dạy chúng cách chấp nhận thất bại. Bởi vì trên đời này, không có ai chắc chắn được điều gì, dù là thành công hay thất bại, chỉ cần bản thân chúng đã nỗ lực hết mình, vậy sẽ nên hối tiếc.
Xã hội thay đổi, cách suy nghĩ của các bậc phụ huynh về vấn đề thừa kế cũng vì thế có nhiều đổi khác. Dù có nhận được phần tài sản của bố mẹ hay không, người làm con cũng nên chấp nhận và ủng hộ quyết định của bố mẹ.
Thay vì trông đợi vào phần tài sản thừa kế, chúng ta hãy cố gắng làm việc, nỗ lực để cuộc sống của mình tốt hơn và có đủ điều kiện để chăm sóc tốt cho bố mẹ.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !