Phóng viên Bloomberg bị ĐCSTQ bắt giam, dù được thả vẫn không rõ tung tích

Chia sẻ Facebook
17/06/2022 04:22:04

Hôm 14/6 Bloomberg đưa tin, phóng viên Haze Fan trú ở Bắc Kinh của báo này bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giam giữ hơn một năm trước với lý do “tình nghi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, dù đã được thả vào tháng Giêng năm nay nhưng Bloomberg vẫn không thể liên lạc được với cô.


Tổng biên tập John Micklethwait của Bloomberg cho biết: “Chúng tôi rất mừng khi Haze được tại ngoại, cô ấy là một thành viên quan trọng của văn phòng Bắc Kinh của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để giúp cô ấy và gia đình cô ấy”.


Vào ngày 6/5, trong bình luận đăng trên trang web Đại sứ quán ĐCSTQ tại Washington tiết lộ thông tin Haze Fan đã được trả tự do, mục đích đáp lại một quảng cáo của Washington Post vào Ngày Tự do Báo chí Thế giới đề cập đến việc Trung Quốc tiếp tục tấn công tự do báo chí và nêu dẫn chứng trường hợp phóng viên Haze Fan.


Đại sứ quán ĐCSTQ cho biết: “ Theo yêu cầu từ luật sư của phóng viên Haze Fan, vào tháng 1/2022 an ninh Trung Quốc đã quyết định thả cho cô ấy tại ngoại chờ ngày xét xử” . Phía Trung Quốc không nói cụ thể khi nào xét xử, chỉ cho biết vụ án đang được điều tra.


Bloomberg cho biết họ đã nhận được thông báo từ Đại sứ quán Trung Quốc về việc cô Haze Fan được thả vào cuối tuần qua.


Vụ việc bắt giữ Haze Fan vào tháng 12/2020 từng gây kinh động cho các phóng viên nước ngoài ở Bắc Kinh. Công dân Trung Quốc không được phép làm phóng viên cho các tổ chức tin tức nước ngoài tại Trung Quốc, nhưng có thể hỗ trợ các nhà báo nước ngoài với tư cách là nhà sản xuất và trợ lý nghiên cứu. Vì làm việc cho tổ chức thông tấn nước ngoài mà công dân Trung Quốc bị giam giữ với lý do an ninh quốc gia là điều rất hiếm khi xảy ra.


Vào thời điểm bắt giữ Haze Fan, giới chức trách ĐCSTQ nói với Bloomberg rằng vụ việc không liên quan đến công việc của cô, nhưng không tiết lộ công khai lý do cụ thể giam giữ cô.


Vào ngày 2/5 và ngày 3/5, tờ Washington Post đã đưa tin về phóng viên Haze Fan trong toàn trang quảng cáo, theo đó cho hay phóng viên Fan lưu ý rằng cô đã bị cơ quan chức năng ĐCSTQ bắt đi ngay tại nhà. Trang quảng cáo viết: “Hãy lên tiếng cho các nhà báo bị giam giữ ” kèm thêm hashtag #FreeHazeFan.


Đại sứ quán ĐCSTQ tại Washington cáo buộc Washington Post bôi nhọ Trung Quốc và can thiệp vào chủ quyền tư pháp của Trung Quốc bằng cách viện dẫn trường hợp của cô Fan với danh nghĩa “bảo vệ quyền tự do báo chí”.


Những năm gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc càng gia tăng kiểm soát truyền thông trong nước, bắt giữ các nhà báo địa phương đưa tin về các chủ đề nhạy cảm, vào năm 2020 Trung Quốc đã trục xuất một số lượng lớn nhà báo Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Washington leo thang.


Theo hồ sơ LinkedIn, cô Fan đã bị giam giữ với tư cách là cựu phóng viên kinh doanh toàn cầu và nhà sản xuất cấp cao ở Trung Quốc của Bloomberg. Hồ sơ vắn tắt cho biết cô gia nhập Bloomberg vào năm 2017, trước đó cô làm việc cho CNBC, Al Jazeera, CBS News và văn phòng Bắc Kinh của Reuters.


Vụ việc tương tự trước vụ việc bắt giữ Haze Fan, tháng 8/2020 chính quyền ĐCSTQ đã bắt giữ phóng viên người Úc gốc Hoa là Cheng Lei làm việc cho kênh tiếng Anh CGTN của CCTV với tội danh “cung cấp trái phép bí mật quốc gia ra nước ngoài” (tội gián điệp). Những nguồn tin cho hay họ là bạn bè. Gần đây, người bạn trai của cô Cheng Lei là Nick Coyle đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Sky News của Úc rằng anh ấy lo lắng thức ăn trong tù kém và sức khỏe của Cheng Lei đang xấu đi.


Vụ việc bắt giữ Cheng Lei diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung-Úc xấu đi. Sau đó giới chức Úc đã chỉ trích việc ĐCSTQ xử lý vụ việc rằng Bắc Kinh không nêu rõ các cáo buộc chống lại Cheng Lei, ví dụ như bí mật quốc gia mà Cheng Lei tiết lộ là gì và cô tiết lộ cho quốc gia nào…


Phóng viên Cheng Lei đã bị tòa án Bắc Kinh xét xử kín vào tháng Ba năm nay, nhưng không có phán quyết nào được công bố.


Những năm gần đây, ĐCSTQ thường xuyên sử dụng “ ngoại giao con tin” như một biện pháp trả đũa khi quan hệ giữa họ với một nước nào đó trở nên xấu đi, ví dụ một trường hợp tiêu biểu khác là Canada.


Vào ngày 1/12/2018, Canada đã thuận theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ và bắt giữ bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) giám đốc tài chính của công ty Huawei Trung Quốc khi bà đang quá cảnh tại sân bay Vancouver. Vụ việc khiến quan hệ Canada-Trung Quốc trở nên xấu đi. Nhà chức trách ĐCSTQ đã ngay lập tức bắt giữ cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Canada Michael Spavor đang làm việc tại Trung Quốc.


Tháng Chín năm ngoái khi phía Canada thả bà Meng Wanzhou thì ĐCSTQ cũng cho thả hai công dân Canada là Michael Kovrig và Spavor bị họ buộc tội là “gián điệp ”. Vụ việc được giới quan sát bình luận phổ biến cho rằng là minh chứng tiếp theo về việc ĐCSTQ dùng trò “ ngoại giao con tin ”.


Tiêu Nhiên, Vision Times

Phóng viên CNN: Thượng Hải bị phong tỏa như "bộ phim về zombie"

Phóng viên tại Trung Quốc của CNN đã quay lại cảnh phòng chống dịch bệnh tại Thượng Hải giống như cốt truyện của một bộ phim về 'zombie'.

Chia sẻ Facebook