Phỏng vấn 45 người giàu, tôi nhận ra 1 thói quen quan trọng để càng giàu có hơn sau mỗi thất bại
Thông qua quá trình “mổ xẻ” quá trình trưởng thành, kinh doanh và thói quen cuộc sống của 45 triệu phú, tỷ phú xung quanh, GS.TS Rainer Zitelmann đã nhận ra những nhân tố quan trọng tạo nên thành công của họ.
GS.TS Rainer Zitelmann (một nhà đầu tư, một chuyên gia tin tức nổi tiếng) đã phỏng vấn 45 cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao thông qua các chủ đề, câu hỏi sát sườn nhất. Ông đã mổ xẻ những năm trưởng thành, động lực tự kinh doanh của các triệu phú, tỷ phú.
Từ đó, ông có được cái nhìn thấu đáo về các câu hỏi, vấn đề mà giới doanh nhân cũng như thường dân quan tâm. Đó là tiền nhiều để làm gì, tầm quan trọng của kỹ năng bán hàng, sự giàu có là một mục tiêu cuộc đời hay không, sức mạnh của sự lạc quan và lòng tin vào khả năng của bản thân, các khuynh hướng rủi ro nên tránh và cách giảm thiểu, khi ra quyết định thì nên dựa vào lý trí hay trực giác, cách đối phó khủng hoảng và thất bại…
Theo phân tích của tác giả, hầu hết mọi người đều có 5 nhân tố để thành công với tiền bạc, chỉ khác biệt ở mức độ mà thôi. Theo mô hình 5 nhân tố, mức độ chi phối của 5 yếu tố nhạy cảm, sự hướng ngoại, cởi mở với trải nghiệm, dễ hòa hợp và tận tâm là điểm khác biệt chính giữa các cá nhân.
Trong đó, đặc điểm chung của hầu hết đối tượng phỏng vấn chính là thói quen: Đi ngược lại ý kiến số đông. Thói quen này thể hiện rõ nét nhất trong các quyết định đầu tư, kinh doanh của người giàu có.
Các tỷ phú như Bill Gates, John Rockefeller, Carl Icahn… thường là mục tiêu của sự thù địch gay gắt, nhưng điều đó không làm họ nản lòng hay lùi bước. Sau khi phân tích về cuộc đời và chiến lược thành công của 14 tỷ phú, tác giả Mỹ Martin Fridson cũng kết luận rằng, những người luôn tuân thủ quy ước, quy tắc ứng xử xã hội hoặc không thể đối mặt lời chỉ trích ồ ạt, thái độ thù địch sẽ không có khả năng trở nên thật sự giàu có.
Rainer Zitelmann viết rằng, hơn một nửa số đối tượng phỏng vấn nhấn mạnh, thói quen đi ngược lại số đông là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của họ. Có gan chống lại ý kiến của số đông có lẽ là điều kiện tiên quyết để đầu tư thành công, vì đây là yếu tố giúp nhà đầu tư mua giá thấp, bán giá cao. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện đảm bảo chắc chắn thành công vì luôn có nguy cơ nhà đầu tư chọn sai thời điểm.
Ngoài khả năng bơi ngược dòng, người giàu còn có bản lĩnh cao cường khi đối phó khủng hoảng, thất bại; họ biết biến nguy thành cơ. Warren Buffett, Walt Disney, John Rockefeller, Michael Bloomberg… trở nên lớn mạnh, giàu có hơn sau khi các vấn đề, sự khủng hoảng xảy ra.
Doanh nhân thành đạt có định hướng hành động rất tốt. Định hướng hành động sau khi thất bại có nghĩa là một cá nhân vẫn có thể hành động ngay lập tức sau khi mắc lỗi hoặc thất bại và không ngần ngại tiếp tục công việc của mình. Có thể nói, họ là những con người “bên ngoài hối hả, bên trong thong thả”.
“Khi được hỏi đã đối mặt với những tình huống khó khăn bằng tâm lý như thế nào, nhiều đối tượng phỏng vấn cho biết, ngay cả trong cơn khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng, họ vẫn bình tĩnh và có thể ngủ ngon. Một số đề cập đến niềm tin tôn giáo và thực tế là đức tin của họ đã giúp họ”, Rainer Zitelmann nhận định.
Một trong những đặc điểm tính cách chính của nhiều đối tượng phỏng vấn trong việc đối phó khủng hoảng, thất bại là họ chịu trách nhiệm cá nhân về những tình huống mà họ nhìn nhận thấy. Họ cho rằng, điều cần thiết không phải là đổ hết trách nhiệm lên hoàn cảnh bên ngoài hoặc sang người khác, mà là nhận trách nhiệm về mình. Điều này dường như mang lại cho họ cảm giác quyền lực và tin tưởng vào khả năng của bản thân.
Ngoài ra, trong các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhiều người có xu huống muốn tạo ra môi trường tích cực cho mọi thứ, đặc biệt là về thông tin sẽ tiết lộ cho ngân hàng, chủ nợ, nhà đầu tư khác. Theo nhiều doanh nhân, giao tiếp cởi mở, kịp thời và trung thực với các chủ nợ là yếu tố quan trọng nhất để đối phó bất kỳ khủng hoảng nào.
Tác giả Rainer Zitelmann kết luận, “hầu hết các đối tượng phỏng vấn đã được hưởng lợi từ môi trường giáo dục tốt ở bậc phổ thông và đại học, nhưng điều này không làm họ khác biệt với người cùng thời”. Và thành tích học tập của họ phần lớn là tầm thường. Một phát hiện quan trọng của các câu hỏi phỏng vấn về tiểu sử là không có mối tương quan giữa thành tích ở trường học hoặc đại học với mức độ giàu có mà những cá nhân này đạt được. Những người có thành tích tốt nhất ở trường phổ thông hoặc trường đại học sau này thường không vươn tới đỉnh cao tuyệt đối của sự giàu có.
“Hơn một nửa số đối tượng phỏng vấn theo đuổi các môn thể thao cạnh tranh hoặc nghiệp dư ở trình độ rất cao. Bằng cách này, họ học cách đương đầu với chiến thắng và thất bại, và khẳng định mình trước các đối thủ cạnh tranh; họ có khả năng chịu đựng sự thất vọng và phát triển lòng tự tin vào chính mình. Hầu hết các đối tượng phỏng vấn không chơi các môn thể thao có tính đồng đội”, tác giả “Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu” viết.
Như vậy, có thể thấy giới giàu, siêu giàu nhiều người có xuất phát điểm cũng không thuận lợi gì, như học hành làng nhàng, khởi nghiệp trầy trật, lên voi xuống chó liên miên… Nhưng tâm lý hành vi của họ thực sự có nhiều điểm khác biệt người nghèo và tác giả Rainer Zitelmann đã chỉ ra những điều đó cùng những lời khuyên hết sức thực tế về tư duy kinh tế, sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất… để người nghèo có thể vận dụng thoát nghèo, người giàu trở nên giàu có hơn.