Phong tục Tết: Độc đáo Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai

Chia sẻ Facebook
21/01/2023 07:10:29

Lễ hội Gầu Tào được người Mông tổ chức để cúng tạ trời đất, thần linh, cầu mong cho mùa màng, gia súc bội thu, trẻ em được hạnh phúc.

Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) trong những ngày Tết Nguyên đán, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, những giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa ở nơi đây mà còn có cơ hội chứng kiến tận mắt lễ hội Gầu Tào đặc sắc của dân tộc Mông.

Ông Hùng Đình Quý, nhà thơ người dân tộc Mông cao niên ở Hà Giang, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Giang cho biết, người dân tộc Mông đặc biệt yêu thích "Hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa xuân" mà tiếng Mông gọi là "Gầu Tào" (gruôv taox). Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mà bên cạnh phần lễ, phần hội thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc Mông qua các sinh hoạt cộng đồng.


Thông thường, khi một gia đình người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt…, họ sẽ lên đồi Gầu Tào khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ đã ban cho gia đình sự sức khỏe, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc ban cho những người dân trong bản Mông một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng.

Lễ hội Gầu Tào cũng là dịp để mỗi người con dân tộc Mông đi làm ăn có dịp về đoàn tụ với gia đình, người dân và về với bản làng để tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, vào một mùa vụ canh tác, sản xuất chăn nuôi mới.

Hội Gầu Tào thường được tổ chức trong khoảng từ ngày mồng Một Tết đến ngày 15 tháng Giêng. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp 1 năm sẽ tổ chức vào 9 ngày. Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần lễ và phần hội. Hội thường được UBND các địa phương tổ chức tại tất cả các làng, các huyện nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có hoàn cảnh như nêu trên cùng tổ chức.

Lễ hội được tiến hành vào mùa xuân trong ba năm liền - mỗi năm người ta trồng một cây nêu để ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc.

Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng, bao quanh là những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp.

Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Theo quan niệm của người Mông, đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.

Để tổ chức lễ Gầu Tào, gia chủ phải mời chủ lễ (Trứ Tào) giúp chủ trì lễ hội và một người phụ nữ giúp việc (Nẹ Tào). Những người này đều phải có gia cảnh yên ấm, hạnh phúc, kinh tế khá giả. Ngoài ra còn có hai thanh niên, nam nữ giúp chủ lễ là Tú Tào và Sảy Tào.

Việc chuẩn bị cho lễ hội phải được tiến hành từ cuối tháng Chạp, với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu. Ngày chặt tre để dựng nêu, chủ nhà bày mâm lễ để chủ lễ và những người giúp việc tiến hành nghi thức cúng. Gia chủ mời chủ lễ uống rượu và sau hai ly rượu, chủ lễ bắt đầu hát bài “sây giể” (xem bói) về lý do làm lễ Gầu Tào.

Sau đó, chủ lễ xòe ô, hát bài “sáy dìn sê” (đi tìm cây nêu) và dẫn đoàn người đến chỗ cây tre đã chọn, để thực hiện nghi lễ chặt tre. Cây tre làm nêu phải thẳng, đều dóng, cao từ 9 - 12m, không sâu bệnh, không cụt ngọn, không ra hoa, ngọn cây hướng về phía mặt trời mọc. Người chủ lễ làm lễ và cầm ô che, vừa hát bài “chía dìn sê” (chặt cây nêu) vừa đi quanh gốc tre, sau mỗi vòng lại chặt một nhát.


Hết bài hát, người ta chặt tiếp để sao cho tre được đổ về phía mặt trời mọc và có người đỡ lên vai để tre không chạm đất. Sau đó, thân tre được tỉa nhẵn, còn ngọn tre để nguyên cành lá để tượng trưng cho “bờm rồng” hay sự linh thiêng. Chủ lễ che ô cho cây, hát bài “cứ dìn sê” (vác cây nêu) để mọi người vác ra bãi hội, gốc hướng phía trước, ngọn phía sau, không chạm đất và không nghỉ giữa đường.

Đến bãi hội, người ta đào lỗ cắm cây tre, lúc này được gọi là cây nêu và không trùng với lỗ của các năm trước. Chủ lễ buộc lên ngọn nêu 2 dải vải lanh màu đen (sự tập hợp lực lượng) và màu đỏ (mời tổ tiên về dự hội), một bầu rượu, ba bông lúa nếp (tượng trưng cho tài lộc) và một túm cây “sưi” (họ dương xỉ, tượng trưng cho sự sinh sôi) rồi mọi người cùng nhau dựng nêu, quay ngọn về hướng mặt trời mọc.

Lễ cúng bên cây nêu được diễn ra ngay buổi sáng hôm đó với lễ vật là gà, rượu và cơm. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã, rồi đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài “Tịnh chay” (hẹn ngày) cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng nêu tổ chức lễ tạ ơn (như đã hứa), rồi mọi người hưởng lộc ngay dưới chân cây nêu.

Sau khi xong các thủ tục quan trọng thì mới chuyển sang phần hội. Trong hội Gầu Tào thì phần hội là vui nhất với rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, tiêu biểu của dân tộc Mông như: Đánh yến, đánh sảng, đánh cù, đấu võ, đua ngựa, bắn nỏ, múa khèn, thổi sáo, chọi chim, chọi gà, thi hát đối giao duyên...

Người Mông tham gia Lễ hội Gàu Tào ở Đồng Văn. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Phần thi hấp dẫn nhất và cũng là nơi để các chàng trai Mông trổ tài là múa khèn. Những người tham gia dự thi phải thực sự tài năng, vì phải vừa thổi khèn, vừa làm các động tác như: Lộn, quay tròn, đá chân trồng chuối, nhảy lên cọc và đặc biệt là động tác múa khèn chống đầu lên đòn gánh bắc ngang chảo thắng cố đang sôi sùng sục.

Lôi cuốn nhất và cũng thu hút nhiều người tham gia nhất trong lễ hội Gầu Tào là thi hát đáp, hát ống. Ở phần thi này tham gia chủ yếu là nam, nữ thanh niên người dân tộc Mông. Họ hát đối đáp cho đến khi có một người thua mới thôi. Nếu người nào thua thì sẽ phải có quà cho người thắng. Quà thường là một cây sáo, cây khèn, một chiếc đàn môi hay một chiếc khăn tay. Qua hội thi này, những chàng trai, cô gái thường sẽ nên duyên và tìm thấy hạnh phúc trăm năm.

Lễ hội Gầu Tào kéo dài trong ba ngày. Chiều ngày thứ ba, chủ lễ tuyên bố lễ hạ cây nêu, rồi cầm ô dẫn đoàn người đi ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây, hát bài “khâu dìn sê” (hạ cây nêu).

Cũng như nghi thức lúc chặt tre, khi hạ nêu, người ta phải cho cây ngả xuống theo hướng mặt trời mọc, thân cây không chạm đất, rồi vác cây nêu về nhà gia chủ. Gần tới nơi, người ta cắt một đoạn gốc nêu dài khoảng 1m, tẽ hạt của ba bông lúa nếp và bỏ tiền vào mẹt thóc. Gia chủ đóng cửa chờ sẵn, hát đối đáp nhận cây nêu với chủ lễ, rồi mở cửa đón nhận cây nêu. Cây nêu được vác vào nhà theo hướng gốc vào trước. Chủ lễ trao cho gia chủ dải vải lanh và đoạn gốc của cây nêu: gốc cây dùng để “lát” giường ngủ, dải vải lanh dùng để may quần áo cho đứa trẻ sinh được ra nhờ cầu xin trên đồi Gầu Tào hoặc cho người khỏi bệnh nhờ khấn Gầu Tào.


Với những giá trị quý giá về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12 năm 2012), loại hình Lễ hội truyền thống.


Minh Hoa (t/h theo BĐT Đảng Cộng sản, website Cục Di sản văn hóa)

Chia sẻ Facebook